Vượt qua thách thức
Hơn 2 năm qua, vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19, báo chí đã thể hiện rõ vai trò truyền thông trong công tác phòng chống dịch, phát triển kinh tế- xã hội. Không chỉ thích ứng nhanh với tình huống khẩn cấp chưa từng có trong tiền lệ, báo chí còn chuyển mình với những phương thức tác nghiệp mới, phù hợp trong mọi điều kiện.
Nhìn lại sự nỗ lực của báo chí trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: “Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, các hoạt động trên các lĩnh vực kinh tế- chính trị- xã hội đều gặp rất nhiều khó khăn, thiệt hại, nhiều hoạt động phải ngưng trệ; hoạt động báo chí cũng không nằm ngoài tình hình hình chung. Báo chí phản ánh hoạt động xã hội nên khi xã hội bị ngưng trệ, đời sống xã hội gặp khó khăn thì báo chí cũng gặp những gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, trong khi các hoạt động khác có thể ngưng lại do dịch bệnh nhưng hoạt động báo chí, hoạt động thông tin thì không thể dừng. Các cơ quan báo chí đã phải vượt qua rất nhiều thách thức, khó khăn, trở ngại và vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; đặc biệt là trong việc thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh”.
Theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, trong 2 năm qua, đã có rất nhiều tấm gương của các nhà báo đã vượt qua nhiều thách thức, kể cả nguy hiểm để làm nhiệm vụ thông tin. Báo chí đã trở thành một trong những lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. Đây là những đóng góp rất lớn, hình ảnh của báo chí trong dịch bệnh đã được tôn lên rất đẹp.
Bên cạnh những vất vả trong tác nghiệp của các nhà báo, hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Nhưng vượt lên những khó khăn đó, các cơ quan báo chí, truyền thông vẫn nhập cuộc hết sức tích cực, thể hiện đúng vai trò là lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đơn cử như ngay từ đầu đợt dịch thứ nhất, các cơ quan báo chí đã thông tin nhanh nhạy về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các giải pháp phòng, chống dịch của Trung ương và các địa phương. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng không ngừng nỗ lực, sáng tạo, khắc phục khó khăn, chuyển đổi phương thức tác nghiệp để cung cấp những thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, góp phần định hướng dư luận đấu tranh, phản bác lại nạn tin giả, thông tin xấu, độc lan truyền trên mạng xã hội, các nền tảng internet…
Công tác phòng chống dịch, tình hình dịch bệnh, chính sách an sinh xã hội tại các địa phương được báo chí phản ánh chân thực, sinh động. Các cơ quan báo chí cũng tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin, bài, mở thêm chuyên mục, có nhiều bài báo sâu sát cơ sở phản ánh toàn diện về công tác phòng chống dịch.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, đại dịch COVID-19 đã cho thấy bên cạnh những lợi ích của mạng xã hội trong việc kết nối các cá nhân và phổ biến thông tin thì ngày càng bộc lộ nhiều bất cập, trở thành nơi phát tán tin giả, tin thất thiệt, làm suy giảm niềm tin của công chúng với truyền thông nói chung. Chính trong lúc này, báo chí càng khẳng định vị trí quan trọng của mình, bám sát những giá trị cốt lõi thông qua việc cung cấp các tin, bài phản biện kịp thời với các ý kiến trung thực, thông tin chính xác và đa chiều, từ đó lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội.
Thay đổi tư duy làm báo
Do những quyết định về phòng chống dịch, việc tác nghiệp của báo chí cũng có rất nhiều thay đổi; nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Có những hoạt động mà trước đây nhà báo phải tiếp xúc với công chúng, nhân vật, với sự kiện trực tiếp nhưng trong dịch bệnh không thể làm được. Nhiều chương trình, sự kiện, trao đổi phải chuyển qua hình thức trực tuyến; báo chí dần quen với hình thức phỏng vấn qua điện thoại, ghi hình qua màn hình… sử dụng những công cụ tiếp xúc từ xa là cách làm rất khác so với trước đây.
Bên cạnh đó, hoạt động báo chí cũng phải tuân thủ quy định về phòng chống dịch; thậm chí phóng viên, biên tập viên của nhiều cơ quan báo chí nhiều lúc phải sống cách ly để làm việc. Họ phải cách ly với gia đình, với đồng nghiệp, thậm chí phải ở trong khu tập trung để phục vụ tốt nhất, đảm bảo an toàn khi làm việc. Đơn cử như Thông tấn xã Việt Nam đã bố trí khu vực dành riêng cho các phóng viên từng tiếp xúc với các nguồn nguy cơ ở bên ngoài, có tiếp xúc với F0 để cách ly. Đặc biệt, Thông tấn xã Việt Nam cũng là nơi có nhà báo đầu tiên bị nhiễm COVID-19. Hay những hình thức “tòa soạn dã chiến”, “tòa soạn phi tòa soạn” ra đời là cách làm sáng tạo của các cơ quan báo chí đáp ứng khẩn cấp các tình huống, đảm bảo dòng chảy thông tin không bị gián đoạn.
“Trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, phương thức tác nghiệp, tư duy làm báo, tổ chức sản xuất thông tin của báo chí đều phải thay đổi để phù hợp. Mặc dù có những thay đổi khác hẳn với cách làm thông thường đã quen thuộc; nhưng các nhà báo với cách làm mới, cách tiếp cận mới, phương thức tổ chức mới vẫn hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn dịch bệnh, kể cả những lúc dịch “nóng” nhất là một sự nỗ lực không hề nhỏ”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi đánh giá.
Trong bối cảnh không chỉ dịch bệnh mà bất kỳ tình huống đặc biệt nào cũng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, ảnh hưởng đến hoạt động tác nghiệp báo chí, theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, qua thời gian tác nghiệp trong dịch bệnh, các nhà báo đã trưởng thành lên nhiều, họ đã có thêm nhiều kỹ năng để thích ứng với các tình huống đột xuất, bất ngờ, thậm chí có những trường hợp xảy ra các tình huống như: Thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt… họ đều đã có kinh nghiệm. Đây là những thách thức nhưng cũng là dịp thử thách, tôi luyện cho các nhà báo để có thể tác nghiệp nhanh, hiệu quả trong những điều kiện bất ngờ, khó khăn như vừa qua.