Một vị tướng từng đánh đông dẹp bắc, đập tan đội quân Quan Đông của Nhật Bản năm 1939, phá tung vòng vây sắt của phát xít Đức năm 1941, thậm chí năm 1957 đã có mặt đúng lúc cứu nguy cho Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev, nhưng rốt cuộc lại tay trắng ra về. Không ai khác, đó là Nguyên soái Georgy Zhukov, người mà chỉ cần nghe thấy tên thì kẻ địch đã bạt vía kinh hồn, nhưng đã không giành được chiến thắng trên mặt trận chính trị.
Kỳ 1. Những ngày tháng vinh quang
Tháng 3/1953, sau khi nhà lãnh đạo tối cao của Liên Xô Joseph Stalin qua đời, không chỉ Nikita Khrushchev mà cả Mikhailovich Molotov (Bộ trưởng Ngoại giao), Georgy Malenkov (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đều muốn “thượng đài chấp chính”. Nhưng cuối cùng, do lôi kéo được Nguyên soái Georgy Zhukov về phía mình, nên Nikita Khrushchev đã giành được ưu thế, sau đó là chiến thắng trước các đối thủ.
Sở dĩ Nikita Khrushchev cần đến Georgy Zhukov là muốn mượn tay vị Nguyên soái này hay đúng ra là lực lượng quân đội để loại bỏ sự lũng đoạn của Phó Thủ tướng thứ nhất, đồng thời là ông trùm lực lượng an ninh và cảnh sát mật Liên Xô, Pavlovich Beria, nhằm củng cố quyền lực. Bởi khi Joseph Stalin còn sống, giữa Georgy Zhukov và Pavlovich Beria đã nảy sinh mâu thuẫn.
Lo sợ sự lớn mạnh của Georgy Zhukov sẽ tạo ra sự uy hiếp đối với mình, Pavlovich Beria đã liệt Georgy Zhukov vào danh sách nhóm quân nhân âm mưu lật đổ chính quyền. Nhưng Joseph Stalin đã không nhất trí với ý kiến loại bỏ Georgy Zhukov của Pavlovich Beria. Thậm chí, Joseph Stalin còn nói thẳng với Pavlovich Beria rằng: “Anh không cần phải gây khó dễ cho Georgy Zhukov. Tôi là người hiểu rõ Georgy Zhukov. Georgy Zhukov không phải là kẻ phản đồ”. Cũng từ đó, mâu thuẫn giữa Georgy Zhukov và Pavlovich Beria đã kết thành mối thâm thù.
Trên thực tế, dưới sự giúp đỡ của Georgy Zhukov, tháng 6/1953, Nikita Khrushchev đã nhổ được “cái gai trong mắt” (tống Pavlovich Beria vào tù với hàng loạt tội danh, trong đó nặng nhất là tội làm gián điệp cho cơ quan tình báo nước ngoài và phản bội cách mạng, đưa ra xử tử ngày 23/12/1953).
Tháng 9/1953, Nikita Khrushchev bước lên đỉnh cao quyền lực. Sau đó khoảng 2 năm, nhờ sự tiến cử của Nikita Khrushchev, Georgy Zhukov được đề bạt làm Bộ trưởng Quốc phòng, thay Nikolai Bulganin, người vừa nhận chức Thủ tướng Liên bang Xôviết. Tại Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ 20, năm 1955, Georgy Zhukov được bầu làm ủy viên Trung ương và ủy viên dự khuyết Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao.
Nhưng cũng chính tại hội nghị này, Nikita Khrushchev đã đọc một bài diễn văn mật, phát động phong trào chống tệ sùng bái cá nhân Stalin càng làm sâu sắc thêm mâu thuẫn với Mikhailovich Molotov và Georgy Malenkov, hai người vốn bất đồng với Nikita Khrushchev trong nhiều vấn đề cả về đối nội lẫn đối ngoại. Điều đáng lo ngại là phe bất mãn với Nikita Khrushchev ngày càng chiếm thế thượng phong, âm thầm chuẩn bị mưu đồ bãi miễn chức vụ của người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô của Nikita Khrushchev.
Thượng tuần tháng 6/1957, nhân dịp Nikita Khrushchev dẫn đầu đoàn đại biểu Liên Xô thăm Phần Lan, một số nhân vật lãnh đạo cao cấp của Liên Xô, trong đó có Mikhailovich Molotov, do Georgy Malenkov cầm đầu đã vạch kế hoạch bức cung hoàn chỉnh. Nikita Khrushchev vừa quay trở về Mátxcơva thì được thông báo Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao triệu tập họp thảo luận việc tổ chức lễ kỷ niệm 250 năm ngày thành lập thành phố Leningrad. Nhưng khi Nikita Khrushchev vừa ngồi xuống, Georgy Malenkov đã lớn tiếng phê bình chính sách nội chính, ngoại giao của Nikita Khrushchev.
Tiếp đó, những người trong phe Georgy Malenkov liên tục ra đòn tấn công, phủ nhận hoàn toàn mọi phương châm, chính sách do Nikita Khrushchev khởi xướng, cho rằng Nikita Khrushchev đã đi ngược lại nguyên tắc tập thể lãnh đạo, độc đoán chuyên quyền. Khi phe Georgy Malenkov đưa ra đề nghị biểu quyết bãi miễn chức vụ của Nikita Khrushchev, nhà lãnh đạo này liền kháng nghị: “Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao không có quyền bãi miễn chức vụ của Bí thư thứ nhất, chỉ có Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới có cái quyền đó”.
Trong lúc mọi người tranh cãi quyết liệt, Georgy Zhukov bước vào, nói với những người dự họp: “Một giờ trước khi diễn ra cuộc họp ngày hôm nay, Georgy Malenkov có tìm tôi nói chuyện. Ông ta muốn lôi kéo tôi, muốn tôi đứng về phía ông ta! Cả phòng họp lặng đi. Nikolai Bulganin giữ trách nhiệm chủ trì cuộc họp thấy tình thế trở nên khó khăn đành phải tuyên bố giải tán. Mưu đồ đánh đổ Nikita Khrushchev của phe Georgy Malenkov bị thất bại. Sau đó, dưới sự giúp đỡ của Georgy Zhukov, tại Hội nghị toàn quốc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 22/6/1957, những người thuộc phe Georgy Malenkov đã phải đội chiếc mũ của phần tử phản đảng. Đương nhiên, trong danh sách luận công trọng thưởng, Georgy Zhukov đứng đầu. Từ ủy viên dự khuyết Georgy Zhukov thẳng tiến lên ủy viên chính thức Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao, có chân trong số ít những người hoạch định chính sách của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Minh Thành (tổng hợp)