Trăn trở phân hạng, nâng ngạch bậc cho nghệ sỹ

Sau một thời gian dài kiến nghị, chờ đợi, Thông tư liên tịch số 10/2015 của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phân hạng và nâng ngạch bậc cho nghệ sĩ, diễn viên đã ra đời. Nhưng, khi triển khai vào thực tiễn, Thông tư lại “vấp” phải phản ứng từ chính những nghệ sĩ, diễn viên, khiến nhiều người lo ngại, bởi điều này khiến cho những nghệ sỹ không có bằng cấp bị thiệt thòi rất lớn.

Thiệt thòi cho nghệ sỹ, diễn viên

Trước đây, những người được phong tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân (NSND), nghệ sỹ ưu tú (NSƯT), thậm chí là những nghệ sỹ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ… đều được xếp chung một ngạch diễn viên hạng 3. Sau mấy chục năm trong nghề cũng không thể lên được hạng 2, mà chỉ được hưởng mức hệ số lương vượt khung, tương đương 1%/năm. Ví dụ, diễn viên hạng 3 tăng lương kịch trần là 4.06, sau 2 năm được tăng thêm 5% (tương đương 4.06 + 5%). Từ năm thứ 3 trở đi, mỗi năm nghệ sỹ, diễn viên được hưởng mức lương vượt khung là 1% (tương đương mỗi năm được tăng khoảng hơn 100.000 đồng). Trong khi đó, nhiều nghệ sỹ, diễn viên vượt khung hàng chục năm, thậm chí có nghệ sỹ đến lúc về hưu, hưởng đến 30 năm vượt khung, mà vẫn không lên được hạng 2. Những bất cập này khiến cho các nghệ sỹ, diễn viên rất thiệt thòi, và dẫn đến tình trạng không ít nghệ sỹ, diễn viên nản, không còn thiết tha với nghề.

Một số nghệ sỹ xiếc có khả năng bị thiệt thòi khi áp dụng Thông tư 10/2015.

Thông tư liên tịch số 10/2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ “Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh” mới ban hành đã có những thay đổi đáng kể. Theo đó, nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND sẽ được xét lên hạng 1, hưởng hệ số lương từ 6.2 đến 8, NSƯT sẽ được xét lên hạng 2, hưởng hệ số lương từ 4.4 đến 6.78 đối với đạo diễn và hệ số lương 4 đến 6.38 đối với diễn viên. Theo đánh giá của nhiều nghệ sỹ và các nhà quản lý hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, sự ra đời của Thông tư này đã giải quyết được phần nào những bất hợp lý trong việc xếp hạng nghệ sỹ lâu nay.

Có rất nhiều nghệ sỹ thắc mắc, bởi Thông tư này chỉ điều chỉnh chế độ cho NSND, NSƯT, hay những người có trình độ đại học trở lên. Trong khi đó, thực tế hiện nay, ở nhiều đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là các đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, xiếc, múa thường chỉ đào tạo nghệ sỹ bậc trung cấp, cao đẳng, nên sau bao nhiêu năm học tập, và dù là nguồn nhân lực chính của các nhà hát, thì các nghệ sỹ ở những bộ môn này cũng vẫn bị “xuống hạng”. Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, thông tư này rất thiệt thòi cho những nghệ sỹ có bằng trung cấp, cao đẳng, dù họ có nhiều đóng góp nhưng nếu chưa có đủ huy chương để phong tặng danh hiệu NSƯT, thì sẽ bị xuống hạng 4, rất thiệt thòi cho nghệ sỹ. Theo ông Trương Nhuận, đặc thù của những người làm nghệ sỹ, diễn viên, không phải cứ tốt nghiệp đại học thì có tài năng và diễn xuất tốt. Việc đưa ra nhiều hạng quá có cái dở là sẽ không kích thích được những nghệ sỹ có bằng cấp vừa phải, nhưng có đóng góp và cống hiến rất lớn, việc không được xét nâng hạng khiến các nghệ sỹ rất thiệt thòi.

Nhà hát Tuồng Việt Nam, hiện có 5 NSND, 12 NSƯT và 4 người có trình độ đại học chuyên ngành, như vậy họ sẽ trở thành diễn viên hạng 1, 2 và 3. Còn lại đều sẽ là diễn viên hạng 4. Trong số đó, có rất nhiều nghệ sĩ đã cống hiến hàng chục năm cho nghề, nhưng chưa được phong tặng danh hiệu, cũng như chưa có bằng đại học thì đều bị “tụt hạng” từ diễn viên hạng 3, “xuống” thành diễn viên hạng 4. Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, với đặc thù của ngành nghệ thuật biểu diễn là tuổi nghề ngắn, khán giả lại chỉ thích “con hát trẻ”, nên những nghệ sỹ trẻ - lực lượng biểu diễn chính tại các đơn vị nghệ thuật hiện nay lại là đối tượng chưa được quan tâm. Ông Tuấn cho rằng, việc thay đổi này chưa động viên được nhiều đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, chưa thể thu hút được tài năng trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là trong điều kiện mà nhiều ngành nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt trầm trọng đầu vào như hiện nay.

Và những trăn trở

Cùng chung quan điểm này, ông Phạm Xuân Quang, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng nhiều ngành nghệ thuật như diễn viên xiếc, nghệ thuật truyền thống… có thời gian đào tạo dài 5 năm, dài hơn cả thời gian đào tạo đại học ở các lĩnh vực khác, nhưng khi ra trường cũng chỉ có bằng trung cấp, điều này thực sự thiệt thòi và bất cập đối với các diễn viên. Ồng Phạm Xuân Quang cho rằng, Nhà nước nên có những quy định “mở” hơn cho các nghệ sỹ có bằng trung cấp, chẳng hạn, khi các nghệ sỹ đã tăng đến hết bậc (4.06), thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho nghệ sỹ chuyển đổi, hoặc tổ chức thi nâng ngạch cho các nghệ sỹ, vì với các nghệ sỹ xiếc, việc biểu diễn trên sân khấu mới là chủ yếu, còn bằng cấp chỉ là thủ tục.

Không chỉ các diễn viên, nghệ sỹ thiệt thòi, mà nhiều họa sỹ, nhạc công, quay phim… cũng không thuộc diện được điều chỉnh trong Thông tư này. Một tác phẩm nghệ thuật được hoàn thiện, đem ra biểu diễn, công chiếu, ngoài đạo diễn, diễn viên thì còn có sự đóp góp của rất nhiều người, trong đó có họa sỹ, quay phim, âm thanh, ánh sáng… trong khi đó, nhiều họa sỹ, quay phim được phong tặng danh hiệu NSƯT, như họa sỹ - NSƯT Doãn Bằng, quay phim - NSƯT Lý Thái Dũng… dù có danh hiệu, thì cũng không thuộc diện được điều chỉnh bởi thông tư này, và đều phải chịu thiệt thòi rất lớn. Theo NSƯT Doãn Bằng, có thể các nhà làm chính sách chưa tham khảo kỹ người làm nghề, nên các anh thiệt thòi. Bởi thực tế, khi xem một tác phẩm, mọi người chỉ nhớ đến đạo diễn, diễn viên, còn vai trò của họa sỹ, quay phim, thiết kế trang phục… thì hầu như không ai nhớ đến, có chăng chỉ những người bạn nghề của họ mới hiểu được, vai trò quan trọng của những bộ phận họa sỹ, thiết kế, âm thanh, ánh sáng…

Từ bất cập trong Thông tư này, nhiều nghệ sỹ không khỏi băn khoăn, bởi những thiệt thòi này không chỉ khó cho các đơn vị nghệ thuật trong việc tìm kiếm, động viên lớp trẻ theo học nghệ thuật truyền thống, bởi chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn, mà còn có “nguy cơ” dẫn đến tình trạng “chạy” danh hiệu. Khả năng này rất có thể sẽ xảy ra, bởi thực tế những đợt phong tặng danh hiệu vừa qua cho thấy, mỗi khi đến kỳ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, lại xảy ra rất nhiều tranh cãi, lùm xùm, kiện cáo… khiến cơ quan quản lý văn hóa không khỏi đau đầu.

Không thể phủ nhận, việc Thông tư ra đời đã động viên được nhiều nghệ sỹ, diễn viên. Tuy nhiên, từ những bất cập nêu trên, các nhà quản lý cần nhìn nhận, đánh giá sát sao hơn với những đặc thù của ngành nghề, cũng như sự đóng góp, cống hiến của các nghệ sỹ để có những thay đổi cho phù hợp hơn, để kịp thời động viên, khuyến khích đội ngũ những người làm nghệ thuật.
Phương Hà
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN