Thương nhớ họa sĩ Huỳnh Phương Đông

Hôm nay, tôi nghe một cú điện thoại quen thuộc nhưng không bình thường của chị Ba - vợ họa sĩ Huỳnh Phương Đông - nói ngắn có năm tiếng “Anh Ba em mất rồi!”. Tôi bàng hoàng, bất nhẫn, không kịp hỏi lại. Lòng đau xót vô hạn như nghe tin anh ruột của mình qua đời!

Mấy năm nay với tuổi đời già chín mươi, sức khỏe anh có giảm nhiều, thỉnh thoảng hay nhập viện. Mỗi lần nghe tin anh bệnh, vợ chồng con cái tôi đến thăm thì thấy anh đang vẽ, vẽ say mê trên lầu như bình thường. Gần đây xem truyền hình tôi vẫn thấy anh có mặt trong hội nghị của thành phố, dự triển lãm tranh của Hội Mỹ thuật. Vậy mà…

Họa sĩ Huỳnh Phương Đông đứng cạnh tấm ảnh“Bác Hồ xem tranh ký họa miền Nam” của nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (1966).

Đối với họa sĩ Huỳnh Phương Đông, tôi có ân tình sâu nặng, lâu dài từ thuở thiếu thời, thời kháng chiến chống Pháp, lúc tôi mới tám tuổi ở Đồng tử quân tại chiến khu Rừng Sác, 1947, sau khi ba tôi bị máy bay giặc Pháp bắn chết. Rừng Sác (mật khẩu RS) là rừng ngập mặn, nước lớn ngập đến 5 - 7 tấc, chủ yếu là cây chà là - không phải cây đước như bây giờ. Tất cả lán trại, nhà ở, đường đi đều làm nhà sàn lót toàn bằng cây chà là ghép lại. Mỗi người được phát chiếc nóp (loại cỏ bàn đươn đệm, xếp đôi lại may kín hai đầu, chừa miệng chui ra vào) trải trên sạp chà là ngủ. Tôi còn nhỏ, lúc đầu chưa quen tù túng, ngộp thở nên tung mạnh làm súc mối chỉ may hai đầu, muỗi vào cắn ngủ không được. Anh Ba lúc đó tên là anh Nhãn - sau này trở về miền Nam chống Mỹ mới lấy tên Huỳnh Phương Đông (tên con trai của anh) - thấy thương mới nghĩ ra cách giúp tôi. Anh được gia đình gởi cho cái mùng chiếc đủ nằm một người. Anh đợi tôi ngủ mê, ẵm tôi đặt nhẹ một bên mùng của anh rồi lấy dây mềm ràng hai tay tôi lại để không cựa quậy, muỗi vào. Đến khuya thức dậy, tôi tự ái bỏ đi.
Tôi phục anh có đôi mắt sáng lạ lùng. Có lần anh em vá quần áo làm rớt một cây kim may xuống sình. Lúc đó kim may rất quý hiếm không dễ gì có được. Anh bảo để nguyên đó anh tìm. Từ trên nhà sàn cách mặt đất sình hơn một mét. Đợi nước ròng cạn, nằm trên sàn anh nhìn chăm chú một lát, lội xuống lượm cây kim may lên dễ ợt.

Chúng tôi biết anh say mê vẽ và nặn tượng từ lúc đó. Trên vách phòng họp có treo ảnh Bác Hồ đen trắng. Mấy hôm sau anh mày mò tìm đất sét dẻo tạc tượng chân dung Bác Hồ để trên bàn làm việc của anh.

Sau đó chiến tranh bùng nổ. Rừng Sác không còn yên ổn. Lớp Đồng tử quân chúng tôi giải tán, ai về nhà nấy. Tôi về đi học trường làng. Anh đi tập kết ra miền Bắc. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài, tưởng không bao giờ còn gặp lại anh.

Chiến dịch Đông Xuân 1965 - 1966, tôi là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng có cả máy điện báo đi với công trường (mật danh sư đoàn) 5 hoạt động địa bàn tỉnh Bà Rịa - Bình Thuận. Vô cùng bất ngờ và sung sướng tại buổi dừng quân ở Bà Rịa, hai anh em gặp lại nhau. Anh không khác lắm, cũng gầy gầy, nhanh nhẹn, chỉ khác tên là Huỳnh Phương Đông ở bộ phận Hội họa Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, cùng ban với tôi. Anh rất mừng vì thấy tôi đi “đúng hướng”, động viên nhưng không khen tôi. Hai anh em chỉ ăn chung được bữa cơm tối với con cá trê bắt dưới suối kho muối với rau rừng. Từ hôm sau đó, ai lo việc nấy. Thỉnh thoảng những lúc dừng quân nghỉ giải lao hay trước khi qua suối tôi đều thấy anh có mặt trước tiên, say mê vẽ, ghi ký họa sinh hoạt bộ đội.

Anh rất giữ chữ tín. Sau đợt hai Mậu Thân 1968, cơ quan tổ chức lễ thành hôn cho tôi, anh hứa đến dự. Nhưng vì có công tác đột xuất anh phải đi gấp, có gởi cho tôi lá thư “Thân gửi em Bền” đề ngày 5/5/68 với lời chúc mừng và hẹn sẽ thăm sau. Nhờ lá thư này mà năm 2012, bộ đội biên phòng Đồn 835 Lò Gò, Tân Biên tỉnh Tây Ninh tiếp nhận và giao lại cho tôi thùng đạn đại liên Mỹ đựng tư liệu cá nhân của tôi chôn vội ở đất Campuchia trước khi xuống đường tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh về giải phóng Sài Gòn, 1975.

Sau ngày giải phóng miền Nam, nhất là sau khi cả hai anh em đều nghỉ hưu, tôi thường đưa cả vợ con tôi đến thăm anh chị. Con bé mới học lớp bốn rất thích vẽ, mỗi lần đi cháu đem “tác phẩm” của cháu khoe, bác Ba rất thích cho cháu giấy, bút, hộp màu, động viên cháu cứ vẽ tiếp và còn cho điểm bản vẽ của cháu. Bữa nào khỏe anh dẫn lên lầu xem tranh, hàng mấy ngàn bức tranh đủ kiểu đủ cỡ nhưng rất trật tự, nhờ cháu Đông con trai anh thiết kế hàng loạt giá treo tranh cơ động xếp thành từng dãy ngay ngắn đẹp mắt. Những tấm tranh lớn như Trận đánh cầu chữ Y 1968, Chiến thắng La Ngà 1947 anh để riêng bên ngoài. Riêng tấm tranh Chiến thắng La Ngà anh ghi đề tặng nhà lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ - người chỉ huy trận thắng vang dội này - và sẽ trao tặng nhân ngày đám giỗ ông Huỳnh Văn Nghệ vào đầu năm 2016 sắp tới. Đặc biệt bức tranh hoành tráng nhất là Trận Ấp Bắc 1963 ở Mỹ Tho dài trên 10 m. Anh suýt chết trong trận này, và ước ao được treo bức tranh ở bảo tàng của tỉnh, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Anh quý nhất bức ảnh to “Bác Hồ xem triển lãm ký họa miền Nam” do nhà nhiếp ảnh Đinh Đăng Định chụp khi Bác xem đến tranh các dũng sĩ miền Nam. Nhiều nhà báo đã viết về họa sĩ Huỳnh Phương Đông “Người vẽ lịch sử bằng tranh”. Tôi cũng có viết mấy bài về anh và có kế hoạch ghi lại đầy đủ sự nghiệp hội họa của anh. Nhưng không kịp nữa rồi!

Đối với gia đình tôi, họa sĩ Huỳnh Phương Đông vừa là người anh ruột thịt thân thiết đã từng dìu dắt, dạy dỗ tôi từ nhỏ, vừa là người thầy đáng quý trọng, vừa tôn kính sự nghiệp to tác của anh để lại cho đời, đặc biệt là tấm gương đam mê nghề nghiệp hết mình vì sự nghiệp nghệ thuật văn hóa cao cả này để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Mấy tháng nay, cán bộ của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (TP.HCM) đã đến làm việc với anh với ý định muốn lưu giữ, bảo quản phần lớn những tác phẩm hội họa của anh được đời đời, cũng đúng với sở nguyện của anh.

Anh Ba Huỳnh Phương Đông vô cùng yêu thương kính trọng. Xin anh thanh thản ra đi. Sự nghiệp và tên tuổi của anh sẽ được nhân dân ghi nhớ mãi.

Thanh Bền
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN