Cây viết đắm đuối với chèo
Tại Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc năm 2022, riêng tác giả Lê Thế Song đã có 4 vở diễn tham gia, trong đó có 2 vở giành giải thưởng gồm: Vở “Thiên duyên huyền tích” của Nhà hát Chèo Thái Bình giành Huy chương Vàng và vở “Trọn đời vì nước non” của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Nam Định giành Huy chương Bạc.
Trong đó, vở chèo “Thiên duyên huyền tích” của cố tác giả Hoàng Luyện viết cho cải lương, được tác giả Lê Thế Song chuyển thể sang kịch bản chèo truyền thống. Vở diễn khai thác về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung, câu chuyện về một mối tình thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người.
Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình, Nghệ sỹ Nhân dân Vũ Ngọc Cải chia sẻ, để có một kịch bản có thể phát huy thế mạnh của nhà hát để tham gia Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc, lãnh đạo nhà hát đã đặt hàng tác giả Lê Thế Song và lựa chọn vở “Thiên duyên huyền tích” để dàn dựng. Với việc khai thác đề tài dân gian, vở diễn đã tạo nhiều đất diễn cho nghệ thuật chèo, giúp ê kíp sáng tạo, nghệ sỹ biểu diễn phát huy được đầy đủ các đặc trưng của nghệ thuật chèo tuyền thống. Vở diễn “Thiên duyên huyền tích” đã vinh dự giành Huy chương Vàng và các diễn viên tham gia cũng giành Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cá nhân…
Cũng tại Liên hoan sân khấu Chèo toàn quốc 2022, vở chèo “Trọn đời vì nước non” do tác giả Lê Thế Song viết kịch bản, được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định dàn dựng, biểu diễn đã giành Huy chương Bạc. “Trọn đời vì nước non” khắc họa một quãng đời hoạt động của đồng chí Đặng Xuân Khu (cố Tổng Bí thư Trường Chinh), từ khi ông rời quê hương (làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), bước vào con đường hoạt động cách mạng đến thời kỳ tiền khởi nghĩa, qua đó tái hiện một giai đoạn lịch sử của dân tộc, góp phần khơi dậy tình yêu nước trong khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Năm 2021, tác giả Lê Thế Song viết kịch bản vở chèo “Nguyễn Văn Cừ: Tuổi trẻ chí lớn”, được Nhà hát Chèo Quân đội dàn dựng và công diễn đúng vào dịp chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Vở diễn là những lát cắt về cuộc đời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ từ khi tham gia cách mạng đến khi bị địch giam cầm và hy sinh, đã để lại ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu nghệ thuật chèo.
Trước đó, tác giả Lê Thế Song cũng viết nhiều kịch bản cho sân khấu chèo, được các nhà hát dàn dựng như vở “Đất thiêng nơi Mả Dấu” (Nhà hát Chèo Hà Nam); vở chèo “Gò Đống Mối” (Nhà hát Chèo Nam Định), “Truyền tích Hoa Sim” (Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc)… Những vở diễn này đều giành giải thưởng cao tại các Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc những năm trước đây. Anh từng được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam trao Giải Đặc biệt cho kịch bản sân khấu đề tài cách mạng với vở chèo “Giai điệu Tổ quốc”.
Không chỉ viết kịch bản cho chèo, Lê Thế Song còn là tác giả của nhiều vở cải lương, tuồng, kịch hát dân tộc. Trong đó, có nhiều tác phẩm từng giành giải thưởng cao như: 2 Huy chương Vàng với vở cải lương “Dâu bể kiếp tằm” và “Kiếp tằm” tại Liên hoan sân khấu Cải lương toàn quốc, 1 giải quốc tế tại Festival nghệ thuật châu Á với vở tuồng “Dưới bóng đa huyền thoại”. Huy chương Vàng vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu” tại Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế 2022.
Kể từ kịch bản khởi nghiệp “Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật” được Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng năm 2015, đến nay Lê Thế Song đã có khoảng 50 kịch bản sân khấu được gần 20 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và các nhà hát trong cả nước dàn dựng. Đây là một con số không nhỏ. Ngoài viết kịch bản sân khấu, Lê Thế Song còn là tác giả được mời viết kịch bản và làm tổng đạo diễn cho nhiều lễ hội ở trung ương và địa phương.
Sân khấu truyền thống cần sự đổi mới
Chia sẻ lý do gắn bó với nghệ thuật chèo, tác giả Lê Thế Song cho biết, anh sinh ra và lớn lên ở vùng quê châu thổ sông Hồng, tỉnh Hà Nam. Làng Ngò quê anh có một chiếu chèo nổi tiếng. Hà Nam có câu "Rượu Bèo chèo Ngò" là nói về chiếu chèo này. Từ nhỏ lớn lên trên chiếu chèo, nên những tích cũ, những trò diễn dân gian đã thấm đẫm và nuôi dưỡng tâm hồn anh từ thủa thơ bé. Sau này khi trưởng thành, anh tham gia nhiều việc, kinh qua nhiều nghề, kể cả bốc vác, thợ hồ, đãi vàng... Chính cuộc sống khốn khó thời trẻ cho anh nhiều trải nghiệm.
Cơ duyên đến với nghệ thuật truyền thống đã được chắp cánh khi anh gặp gỡ, kết duyên cùng “con nhà nòi” sân khấu-nghệ sỹ Xuân Hồng, con gái nhà viết kịch Hoàng Luyện. Gần 20 năm rong ruổi cùng vợ thực hiện những dự án truyền thông nghệ thuật cộng đồng cho các tổ chức phi chính phủ trong vai trò vừa là biên kịch, đạo diễn, biên đạo ở khắp các vùng miền trên đất nước đã giúp anh làm giàu hơn vốn sống, trải nghiệm với di sản văn hóa ở từng mảnh đất đi qua và rồi càng yêu, càng gắn bó với những làn điệu dân ca, sân khấu dân tộc.
Năm 2011, vợ chồng anh quyết định theo học bốn năm Khóa Biên kịch Kịch hát dân tộc tại Trường đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tiếp đó là ba năm Thạc sỹ biên kịch. “Được các thầy đầu ngành của sân khấu truyền thống chỉ bảo, tôi đã nắm được trình thức và lề lối sáng tác kịch bản, để rồi tự tin viết kịch bản cho sân khấu chèo. Tôi đã nghiên cứu về các vở chèo cổ rất kỹ, học lề lối trình thức sắp xếp trò cũng như tư duy sáng tác chèo, chú trọng tới đặc trưng ước lệ, tư duy huyền thoại, tư duy thơ để sáng tác kịch bản của mình. Sau đó, tôi cũng mạnh dạn tham gia các bộ môn nghệ thuật kịch hát khác như cải lương, tuồng, dân ca và viết cả kịch bản kịch nói, kịch bản lễ hội”, tác giả Lê Thế Song cho biết.
Say sưa khai thác kho tàng văn hóa dân tộc, từ đề tài dân gian, lịch sử, dã sử đến đề tài hiện đại viết trên chất liệu nghệ thuật truyền thống, tác giả Lê Thế Song cho rằng, vốn cha ông để lại rất quý giá, hấp dẫn, cần được giữ gìn. Mỗi loại hình kịch hát dân tộc có cách thể hiện khác nhau, trong đó chèo mang tính thuần Việt nhất, cải lương lại có thể tiếp thu nhiều loại hình nghệ thuật, song điểm chung là đều sử dụng ngôn ngữ biền ngẫu nên đòi hỏi người viết phải có tư duy thơ và hiểu về làn điệu của từng loại hình. Nếu cải lương có khoảng 100 làn điệu, tuồng có khoảng 60-70 làn điệu thì chèo có khoảng 200 làn điệu. Người viết phải biết được sự khác biệt giữa điệu Đào liễu, Quân tử vu dịch, Luyện năm cung... trong chèo, những điệu Lý, Vọng cổ... trong cải lương hay văn đối tỉ trong tuồng mới có thể soạn lời cho các vở diễn ở từng loại hình.
Nói về hiện trạng sân khấu đang đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc thu hút khán giả trẻ, tác giả Lê Thế Song cho rằng: Bây giờ là thời đại của công nghệ thông tin, các phương tiện giải trí mang đến cho lớp trẻ quá nhiều sự lựa chọn, nếu sân khấu vẫn giữ cách thức tự sự với những câu chuyện cũ rích thì lớp trẻ không thích là điều dễ hiểu.
Theo tác giả Lê Thế Song, muốn thu hút khán giả trẻ, sân khấu truyền thống cần có sự đổi mới. Trước hết chúng ta cần dàn dựng những vở diễn mang hơi thở thời đại với những vấn đề gai góc của xã hội và thể hiện bằng những mảng miếng hấp dẫn, mới lạ. Muốn vậy, người viết kịch bản ngoài trình độ học vấn, còn cần bề dày kinh nghiệm, đam mê, dũng cảm chọn thử thách, đổi mới và sáng tạo từ trong căn cốt của truyền thống, biết chắt lọc những nét tinh hoa truyền thống kết hợp hài hòa với những yếu tố hiện đại, được yêu thích, như công nghệ sân khấu mới, “bắt tay” giữa các loại hình nghệ thuật khác nhau… để sáng tạo ra một tác phẩm sân khấu hấp dẫn.
“Chúng ta phải coi con đường nghệ thuật không bao giờ có đỉnh, đôi lúc tưởng chạm đến rồi nhưng còn đỉnh cao khác chờ đón, nếu nghĩ rằng mình đã đến đỉnh thì đương nhiên chỉ còn tụt dốc mà thôi. Điều khiến tôi day dứt, trăn trở đó là bản thân chưa thật sự bằng lòng với tác phẩm nào. Tôi nghĩ mình cần phải nỗ lực hơn nữa. Nghề viết vô cùng gian nan và tác phẩm hay nhất của tôi là tác phẩm tôi chưa viết”, nhà viết kịch Lê Thế Song bày tỏ.