Năm 2011 có thể coi là một năm đầy màu sắc đối với dòng phim thương mại của Việt Nam. Với hàng loạt những bộ phim thuộc mọi thể loại từ: Hài hước, võ thuật cho tới kinh dị và lãng mạn… đã phần nào đáp ứng nhu cầu thưởng thức của một bộ phận không nhỏ khán giả. Tuy nhiên, với một bữa tiệc nhiều khẩu vị nhưng chưa thực sự nổi bật đã khiến người ta chưa thể thực sự hài lòng, thậm chí còn lo ngại về chất lượng của những sản phẩm điện ảnh liên tiếp được tung hô ầm ĩ.
Năm 2011 được coi là năm có phần khá “nóng” của dòng phim thương mại Việt Nam. Nhiều bộ phim của các hãng tư nhân lớn, có tiếng và được xếp vào hàng đại gia liên tục ra mắt. Bên cạnh đó là sự góp mặt của hàng loạt những cái tên còn khá lạ lẫm và mới mẻ trên thị trường phim Việt. Sự cộng hưởng của những người cũ và kẻ mới đã tạo nên một làn sóng khơi dậy thói quen xem phim Việt của một bộ phận công chúng yêu điện ảnh.
Cảnh trong phim “Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười”. |
Cùng với sự ra mắt rầm rộ của nhiều bộ phim được quảng cáo là “bom tấn”, siêu phẩm; khán giả có thể dễ dàng định vị những thể loại đặc biệt bắt đầu được các nhà làm phim đào xới và đưa vào thể nghiệm thuộc dòng thương mại. Sự xuất hiện của những cái tên đã trở thành thương hiệu chuyên về dòng phim ăn khách Việt như: Vũ Ngọc Đãng với Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, Victor Vũ với Thiên mệnh anh hùng, Nguyễn Minh Chung với Lệ phí tình yêu, Charlie Nguyễn với Long Ruồi… và các gương mặt trẻ lần đầu tham gia vào sân chơi đầy quyến rũ này như: Bùi Thạc Chuyên (vốn ghi điểm và thành công ở dòng phim nghệ thuật kén khán giả với nhiều tác phẩm đậm chất xi-nê như Sống trong sợ hãi, Chơi vơi) cũng đã mạnh dạn thử sức với một sản phẩm kinh dị đầy ma quái là Lời nguyền huyết ngải hay Nguyễn Quốc Duy với Cột mốc 23, Nguyễn Lê Dũng với Cảm hứng hoàn hảo, Nhất Trung với Hoán đổi thân xác, Nguyễn Quang Minh với Hello cô Ba… Sự pha trộn của nhiều thể loại, nhiều màu sắc và hương vị khác nhau trong cùng một bộ phim ít nhiều cũng đã tạo ra được hiệu ứng từ phía khán giả.
Không chỉ vậy, năm 2011 còn đánh dấu rất nhiều những kỷ lục mới trên bản đồ doanh thu phim Việt. Đặc biệt là trường hợp của siêu phẩm Long Ruồi của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn. Bộ phim đã gây nên cơn sốt phòng vé trong suốt một thời gian dài. Dù không ra mắt vào thời điểm vàng là mùa phim Tết nhưng cơn địa chấn Long Ruồi khiến nhiều nhà làm phim phải “ghen tỵ” với sự mát tay của Charlie Nguyễn. Bộ phim pha một chút hài, một chút hành động, thêm một chút gia vị lãng mạn của tình yêu kiểu xã hội đen đã mang tới cho khán giả những tràng cười sảng khoái, nghiêng ngả trong phòng chiếu. Thế nhưng, sau những tiếng cười giòn tan, khán giả sẽ thấy đọng lại điều gì với một tác phẩm hài nhàn nhạt như thế này?
Không chỉ với trường hợp của Long Ruồi mà hàng loạt những phim như: Cột mốc 23, Cảm hứng hoàn hảo, Lời nguyền huyết ngải, Hoán đổi thân xác, Hello cô Ba… cũng khiến người ta cảm thấy bàng hoàng với phần nội dung đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Những sản phẩm nhồi nhét một cách rất thiếu “văn hóa”, lỏng lẻo về kết cấu, bố cục được lắp ghép mang ra trưng diện với công chúng.
Cảm hứng hoàn hảo là một cái nhìn lệch lạc về thế giới thứ ba trong đời sống xã hội hiện đại. Xem xong bộ phim này hẳn nhiều khán giả sẽ bị sốc bởi sự ngô nghê đến đáng thương của những nhà làm phim. Đó là còn chưa kể đến những lỗi về mặt nghệ thuật, là sự “non tay” của đạo diễn khi xử lý những tình huống, những pha tâm lý được dàn dựng sẵn trong kịch bản một cách gượng ép. Thế nhưng, bộ phim này cũng gây nhạc nhiên cho nhiều người khi tạo ra tình trạng cháy vé tại các rạp chiếu. Vậy điều gì làm nên “chiến thắng” của một tác phẩm nông cạn, thiếu chiều sâu và có vấn đề về tư duy thẩm mĩ như Cảm hứng hoàn hảo? Phải chăng chính cái dở bị báo chí lên án cũng là một sự thu hút, kích thích trí tò mò của một bộ phận công chúng hiếu kỳ.
Bên cạnh đó, những sản phẩm được giới thiệu rầm rộ, quảng cáo rình rang trên báo chí truyền thông cũng gây thất vọng với nhiều người xem khó tính. Không nói về trường hợp của Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt bởi sự quan tâm của công chúng không đơn thuần chỉ xuất phát từ cái tên của một đạo diễn “ngông” như Vũ Ngọc Đãng mà còn ở nỗ lực nghệ thuật hóa phim thương mại của anh trước một đề tài tương đối nhạy cảm như đồng tính. Dù rằng có thể đối với nhiều người bộ phim được “dán nhãn” nghệ thuật này vẫn chỉ xứng đáng xếp ở top những phim thương mại có chất lượng tạm ổn. Nhưng với Cột mốc 23 hay Hoán đổi thân xác có lẽ chúng ta cần phải thấy mức độ đáng báo động của hiện trạng làm phim thương mại hiện nay. Đan cài nhiều yếu tố thể loại nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngao ngán mà khẳng định giữa những bộ phim “mì ăn liền” nhất của thị trường điện ảnh Việt Nam năm qua thì đây là hai tác phẩm vô giá trị, nhảm nhí hết mức.
Hoán đổi thân xác gây ức chế người xem bởi sự lạc điệu của nội dung. Gần 2 giờ đồng hồ xem phim là một sự tra tấn và thử thách tâm lý khán giả. Lần đầu lấn sân sang điện ảnh, Nhất Trung đã cho người ta thấy làm phim dù ở khía cạnh thương mại đến mấy cũng không hề đơn giản, dễ dàng, càng không phải ai muốn cũng có thể “dạo chơi” qua vườn điện ảnh để lại dấu ấn cá nhân ở đó. Sự dũng cảm khi thực hiện ý tưởng có một không hai của anh đã cống hiến cho thị trường phim Việt một thảm họa mà có lẽ ai đã trót đi xem sẽ đều sợ hãi đến tận già.
Cột mốc 23 tổng hòa của nhiều chất, nhiều vị khác nhau. Người ta tìm thấy mỗi thứ một chút trong bộ phim này và tất nhiên vì mải mê ôm đồm nhiều thứ quá nên cái gì được nhắc tới trong phim cũng thật nhạt nhòa, cũng thật thiếu thốn, không sâu sắc và chẳng cái gì đến đầu đến đũa cho rõ ngọn ngành. Sự thiếu kịch tính của Cột mốc 23 khiến người ta có thêm một sự lo lắng, hoài nghi về cách làm phim của một số các đạo diễn trẻ hiện nay.
Mùa phim Tết vẫn đang diễn ra sôi nổi với sự đọ sức của 4 bộ phim: Lệ phí tình yêu, Lời nguyền huyết ngải, Thiên mệnh anh hùng, Hello cô Ba… Bốn bộ phim với 4 màu sắc hoàn toàn riêng biệt và thể hiện rõ sự thay đổi trong cách nhìn nhận của các đạo diễn. Bốn tác phẩm ồn ào đã đi được một nửa chặng đường nhưng nó cũng khiến người ta thấy nghi ngờ về những mùa tiếp theo của phim thương mại Việt Nam. Trong đó, Hello cô Ba dễ dãi và giống như một tiểu phẩm tấu hài tạp kỹ hơn là một tác phẩm điện ảnh. Còn Lệ phí tình yêu ngoài dàn diễn viên trẻ đẹp thì nội dung hoàn toàn chưa hấp dẫn, đơn thuần chỉ là một sự lãng mạn đã quá “quê mùa” được biến tấu thành một bộ phim dài 90 phút mà nhân vật chính đều là những “trai đẹp, gái sắc” với cách diễn thiếu bản sắc trên màn ảnh rộng. Lời nguyền huyết ngải cũng ghi nhận sự “xuống tay, xuống sức” rõ rệt của một Bùi Thạc Chuyên đã bắt đầu uể oải với những dự án nghệ thuật mà chuyển sang “đánh bạc” với phim thương mại. Bộ phim thuộc thể loại phim kinh dị của anh khiến người xem ít nhất vài lần phải bật cười vì phim kinh dị không gây sợ mà lại gây hài. Cuối cùng là Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ vốn được kỳ vọng sẽ làm sống dậy dòng phim cổ trang đã ngủ yên trong địa hạt điện ảnh. Nhưng nếu nói không ngoa thì đây tiếp tục là một sản phẩm được copy hơi hướng cổ trang của Trung Quốc nhiều hơn là lịch sử, hào khí dân tộc. Đó còn chưa kể tới những chi tiết vụng về được sắp đặt không hợp lý…
Phim thương mại Việt Nam đang đi vào ngõ cụt và thể hiện rõ rệt sự bí bách, bế tắc trong tư duy làm phim, cách tiếp cận đề tài… của các nhà làm phim. Nếu cứ tiếp tục nằm yên và thỏa mãn với những tác phẩm dễ dãi thực hiện chỉ để gặt hái doanh thu và ăn khách thì chắc chắn việc chúng ta quay lại thời kỳ làm phim “mì ăn liền” sẽ là điều không phải bàn cãi.
Hương Giang