Anh Đỗ Quốc Toản, Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội: Không thể ai cũng là số 1 trên đườngKhái niệm nhường đường ở Việt Nam vẫn còn xa lạ, tôi đã từng ra nước ngoài và thấy từ người già, trẻ nhỏ đến những người đang vội vã đến chỗ làm việc, họ vẫn có ý thức nhường đường rất đáng học tập. Và tôi thấy buồn vì văn hóa tham gia giao thông của nước mình, người đi đường thì tùy tiện, ai cũng là “nhất” ở trên đường.
Văn hóa người Việt Nam có nhiều truyền thống tốt đẹp như: Trong gia đình có “Kính trên nhường dưới”, ngoài xã hội có “Nhường cơm sẻ áo”… Vậy văn hóa “nhường”, mà cụ thể đang nói tới ở đây là nhường đường trong giao thông, tôi nghĩ không phải quá khó để thực hiện. Quan trọng nhất là ý thức tự giác của mỗi người.
Văn hóa giao thông được xây dựng từ ý thức của mỗi người. Ảnh: ATGT.VN |
Chúng ta có thể xây dựng mô hình giao thông văn minh, nếu cả xã hội cùng vào cuộc, với điểm khởi động lại là giáo dục ý thức ngay từ nhỏ. Nhà trường đóng vai trò rất quan trọng. Nếu như ngay từ những câu chuyện giao thông cho các bé ở bậc mẫu giáo, đến việc giáo dục luật giao thông trong nhà trường, đều được thực hiện tốt, thì chúng ta sẽ có một thế hệ công dân tham gia giao thông có văn hóa. Bên cạnh đó, những người lớn như cha mẹ cũng phải là tấm gương tham gia giao thông văn minh để con em mình học tập, như vậy, mới mong giải quyết dần tình trạng ý thức tham gia giao thông tùy tiện như hiện nay.
Luật sư Đỗ Thị Ngọc: Xử lý mạnh các vi phạmTrong Luật Giao thông có các quy định rõ ràng về nhường đường khi tham gia giao thông. Tuy nhiên ở Việt Nam, cứ bước chân ra đường đã thấy các trường hợp vi phạm luật rồi. Theo tôi, nếu cứ trông chờ người dân tự nhận thức thì rất khó, phần lớn ở các nước, giao thông của họ rất văn minh một phần là vì luật giao thông rất nghiêm và chặt, ý thức chấp hành luật của người dân cũng cao, nên dần dần đã hình thành những nét văn hóa đẹp như vậy.
Trước mắt, ta nên siết chặt việc thực hiện luật hơn nữa và có những biện pháp xử lý mạnh với các trường hợp vi phạm. Luật Giao thông là một giải pháp giúp giao thông thông suốt, tuy nhiên đã là luật thì thường cứng nhắc và mang tính cưỡng chế nhiều hơn, nên những khi “khuất mắt trông coi” người ta vẫn “lách luật”. Theo tôi, giải pháp để xây dựng văn hóa giao thông về lâu dài vẫn phải xuất phát từ chính ý thức mỗi cá nhân khi ra đường, họ không chỉ phải hiểu và thực hiện theo luật mà phải tự biết trách nhiệm của mình với xã hội, đó không chỉ là vấn đề đạo đức trong mỗi con người mà còn tạo nên những nét văn hóa đẹp khi đi trên đường.
3. Ông Darius Karpaviciu, người Lithuania, làm việc tại Việt Nam: Nên tăng cường các phương tiện giao thông công cộngKhi mới đến Việt Nam và tham gia giao thông, tôi thật sự ngỡ ngàng vì lượng phương tiện trên đường vô cùng đông đúc. Các xe đi đường thường không theo luật lệ nào, nên tôi luôn phải ưu tiên chọn taxi khi cần di chuyển. Sợ nhất là mỗi khi phải sang đường, tôi luôn phải đi thật nhanh và đi thẳng người, với hy vọng các phương tiện có thể hiểu và đoán được cách di chuyển của tôi và không va chạm vào tôi.
Giao thông ở Việt Nam có thể được cải tiến để an toàn hơn. Theo tôi, một số loại phương tiện giao thông công cộng nên được hoạt động nhiều hơn. Điều này sẽ làm giảm ô nhiễm không khí và tắc đường, cũng như tiết kiệm thời gian cho mọi người trong việc đi lại giữa các thành phố. Với người dân, tôi nghĩ, họ cũng nên xem xét sử dụng nhiều loại phương tiện công cộng hơn. Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, mỗi người sẽ nâng cao hơn ý thức của mình trong cộng đồng.
Tạ Nguyên - Anh Minh