Nhà văn Y Ban “ABCD” và câu chuyện từ giấc mơ có thật

Gặp Y Ban lần này, trong một buổi chiều muộn sau giờ tan sở, tôi được nghe chị tự bóc tách về cuộc đời mình qua cuộc đối thoại cởi mở và với sự lý giải trên nền cuốn sách vừa in ráo mực “ABCD”.

Nhà văn Y Ban.



Thưa nhà văn Y Ban, trong cuốn sách mới “ABCD”, người ta không thấy một Y Ban góc cạnh đến thành cay nghiệt như những cuốn sách trước đây, mà gặp một Y Ban đầy triết lý, chiêm nghiệm, thậm chí nhẹ nhàng, sâu lắng. Điều gì đã khiến chị có sự đổi thay nhiều đến vậy trong phong cách viết?

Tôi vẫn thường nói với bạn bè rằng, tôi viết văn lạ lắm, có khi như không phải tôi viết, mà như là có một ai đó vẽ đường chỉ lối cho tôi. Cuốn “ABCD” cũng tương tự. Một hôm tôi đang ngồi trong căn nhà ở ngoại ô của mình, một căn nhà có vườn rộng và nhiều cây cối, thì bỗng chốc có một con đom đóm bay vào mặt tôi, và bỗng dưng trong trí óc tôi hiện lên một khu vườn Linh lang đầy mộng ảo. Tôi đã viết ra như một lẽ tự nhiên, chỉ là kể lại một câu chuyện mà mình đã lạc vào đó với đầy đủ những hỷ, nộ, ái, ố. Nhiều người cũng hỏi tôi tại sao lại đặt tên là “ABCD”?. ABCD vốn là một trật tự trong dãy Alphabet trong bảng chữ cái, nhưng cuộc đời không phải thế, có khi nó đi từ A đến Z rồi mới quay lại B. Và tiểu thuyết của tôi là những câu chuyện về cuộc đời rời rạc, nó có những tuyến nhân vật và những chắp nối khá rời rạc mà nếu người đọc không tập trung thì không thể hiểu được. Dù là câu chuyện nào thì tôi cũng muốn nói với độc giả về lòng yêu thương con người. Bởi vì, đã sống đến tuổi này, tôi ngộ ra rằng, nhà văn tưởng tượng, hư cấu, nhưng trên đời cũng có những điều không tưởng tượng nổi như lòng dạ xấu xa, phản trắc của con người… Cũng bởi những va đập ở cuộc đời này, những cuộc “lên bờ xuống ruộng” đầy đau đớn, nên tôi nghiệm ra rằng, mình không cần cứ phải gồng mình lên tranh đấu với đời làm gì. Tôi ngày càng có xu hướng muốn “ở ẩn”, muốn im lặng nhiều hơn, không “điên tiết” lên nữa.

Trong tiểu thuyết này, tôi thấy chị chủ yếu viết mọi câu chuyện để chỉ hướng đến cậu con trai và những tình cảm gia đình. Hình như chị bắt đầu “bán” đến chuyện gia đình mình?

Nghĩ thế nào là quyền của độc giả. Tôi luôn luôn muốn làm mới mình, làm mới trang viết của mình. Ở tuổi này, tôi nghiệm ra rằng, có gia đình, có một người chồng và những đứa con là điều “được” nhất của mình. Trong tiểu thuyết này tôi lấy nhân vật người con trai làm tâm điểm và còn có một bài thơ dài mượn con để nói về thời cuộc, nói về cuộc đời. Bởi vì càng ngày chúng ta càng nhìn thấy nhiều chuyện khủng khiếp: chuyện con giết mẹ, con nghiện ngập, hư hỏng… Tôi cảm thấy hoang mang vì một xã hội đầy những bất trắc và lo toan về sự trưởng thành của con cái mình. Tiểu thuyết cũng là bắt nguồn từ cuộc đời. Cuốn sách này tôi không đi theo một trật tự tuyến tính nào cả, nhưng tôi nghĩ rằng, cho dù có trật tự hay không và dù có chuyện gì xảy ra thì mình vẫn phải trân trọng cuộc đời của mình.

Chị có bao giờ lo sợ họa văn chương ám vào cuộc đời mình?

Cuộc đời tôi đầy vất vả, đầy trúc trắc và hoàn toàn phải lao động miệt mài trên cánh đồng chữ nghĩa của mình. Vì trời bắt tội mình, buộc mình phải đi theo nghề viết lách. Mà chỉ chạy theo nó thôi tôi đã thấy quá khổ rồi, viết văn là buộc nhà văn phải chạy theo những dữ liệu cuộc đời, đau trước nỗi đau chung và thường đau lâu hơn những người không viết văn. Vì nhà văn phải sống đến hai, ba lần cùng một tình huống. Nhiều người đau gấp nhiều lần chúng ta nhưng khi vào văn chương dường như nhà văn đều thiếu vắcxin để chống chọi lại nó, vì thế đau đớn hơn rất nhiều. Tôi chưa thấy có điều gì ứng vào mình từ họa văn chương, và cầu mong đừng có. Dù cuộc đời của mỗi người không khổ cái này thì cũng vất vả cái kia, nhưng tôi chắp tay xin trời phật vứt bỏ toàn bộ để cuộc đời không đụng vào con mình. Đối với tôi, chồng con là số một, tiền bạc, danh vọng chỉ là số hai số ba. Tôi muốn có cả ba để đảm bảo một cuộc sống của thời hiện đại, nhưng nếu phải lựa chọn thì xin được chọn gia đình bình an, phẳng lặng.

Tôi nghe thiên hạ kể nhiều, đồn đại nhiều xung quanh cuộc sống gia đình của chị. Ví như chuyện chị và chồng suốt ngày chỉ “mày tao chí tớ”, yêu thì yêu đến cùng nhưng có lúc cũng “choảng” nhau nổ lửa. Hai người con của chị “phát biểu” thế nào trước cách sống của anh chị?

Tôi có một ông chồng nghệ sĩ, suốt ngày cãi nhau nhưng không chia bỏ được nhau. Chúng tôi khắc khẩu, hai “thằng” hai cá tính, mỗi thằng một quan điểm, hai “nghệ” thành gừng. Nhà tôi có một câu mà con tôi hay nói: bảo nhà mình không ai mang lửa về nhà, nhưng thực ra lúc nào trong nhà cũng có lửa. Lửa đấy nhưng chóng ngún. Trong nhà tôi không bao giờ thiếu tiếng cười. Chồng tôi nổi tiếng cả làng vì hồi mới về khu này, rỗi việc lão nuôi con lợn rồi chiều chiều dắt lợn đi chơi, đóng cả hai cái thuyền cay-ắc để mang ra sông Hồng đi bơi. Tôi chưa bao giờ say, kể cả say tình. Tôi không thích kiểu áp đặt của mọi người theo kiểu ngụy tạo. Nhiều cặp vợ chồng cứ nói rằng vì con cái mà sống với nhau, nhưng con cái chúng ta thông minh vô cùng, nó không cần sự giả dối ấy.

Chị có một giọng nói cực kỳ nhẹ nhàng và quyến rũ, ngược hẳn với tính cách đáo để, “hổ vồ” thường thấy của chị. Tuy nhiên, có lẽ mỗi tuổi một khác, biết đâu, từ bây giờ, chúng ta sẽ được gặp một Y Ban nhẹ nhàng như chính giọng nói của chị?

Tôi nhớ có cậu nhà báo Trần Hoàng Nhân vài lần gặp tôi ở một số cuộc hội họp đều đến gần tôi để chỉ nói rằng: “Giọng nói của chị trong trẻo, nhẹ nhàng thế mà sao mọi người chứ bảo chị ghê gớm”. Mới đây, tôi đi xăm hai con chim bé ở vai và một lần mặc chiếc áo “hở vai” để “khoe hàng” thì một cháu đi trên xe bus hỏi tôi: “Cháu nhìn cô đầy tri thức, phúc hậu thế sao trông cô xăm trổ như tay anh chị thế?”. Tôi phải nói một câu mà chưa chắc cháu nó đã hiểu: “Cuộc đời vốn dĩ như thế mà cháu, có khi trí thức thường lại núp bóng dưới tay anh chị, và ngược lại”. 

Y Ban vốn là một người đàn bà bặm trợn, băm bổ nhưng cũng là một người đàn bà nấu ăn rất ngon, thích hát nhạc sến, nhạc vàng, có thể ngồi hàng giờ ngồi xem phim Hàn Quốc, xem phim ma, thậm chí đan xen với phim hành động Mỹ. Bây giờ tôi ngoài công việc biên tập tổ chức số chủ nhật và chuyên đề tại tòa soạn báo Giáo dục thời đại thì về nhà nấu cơm cho chồng con, thứ 7, chủ nhật thì rủ chồng con đi uống cà phê, chém gió. Nói thì nói vậy thôi, trẻ thì mình có thể làm mọi việc, nhưng giờ thì phải điều chỉnh, không được thô lỗ cục cằn nữa. Cuộc đời con người như một dòng sông, nó phải luôn chảy, dừng lại chỉ là một dòng sông chết. Tôi điều tiết bằng cách nói ít đi. Cuộc đời có những va vấp làm mình khôn ngoan ra. Y Ban bây giờ vẫn sống trung thực với chính mình nhưng không phải là một con thiêu thân Y Ban nữa.

Xin cảm ơn chị !



Nhật Huy
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN