Không có 'công thức' quản lý di tích

Hàng loạt những vi phạm xảy ra trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích thời gian qua là những bất cập trong công tác quản lý và phát huy giá trị di tích. Để tìm một mô hình quản lý di tích phù hợp, Bộ VH, TT & DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến về “Nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích và phát huy giá trị di tích” tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sáng 11/6/2013.


Hội An là nơi giải quyết rất tốt vấn đề quản lý di tích và phát huy giá trị di tích.

Phát biểu tại hội nghị, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH, TT & DL, cho biết: Từ năm 2009 - 2010, Bộ VH, TT & DL đã có nhiều chỉ thị về tăng cường các biện pháp quản lý, tu bổ, bảo tồn hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại di tích. Nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo theo đúng Luật Di sản, tạo được môi trường cảnh quan sinh thái, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn biểu hiện vi phạm luật. Mô hình quản lý di tích bộc lộ nhiều bất cập, việc tuyên truyền giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa tạo sự đồng thuận giữa người quản lý di tích với các ban, ngành, nếp sống văn minh trong di tích còn có nơi chưa tốt, đặc biệt là lễ hội… Nguyên nhân là do nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người chủ trì một số nơi, còn chưa thấy hết ý nghĩa, giá trị di tích; thái độ ứng xử, hành vi ứng xử với di tích chưa phù hợp. Việc kiểm tra, đôn đốc của ngành văn hóa còn chưa kịp thời, sự phối hợp giữa ngành văn hóa các cấp với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, bộ máy quản lý di tích còn chồng chéo về mặt chức năng, phân cấp quản lý chưa rõ ràng, mạch lạc…


Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, di sản là tài sản đặc biệt, có giá trị lớn nhưng dễ bị xâm hại. Để nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích và phát huy giá trị di tích, cần nghiên cứu để nâng cao vị thế, tính chuyên nghiệp trong bảo tồn di sản. Trước hết, cần nghiên cứu nâng cao thẩm quyền của Cục Di sản văn hóa, có thể nâng Cục Di sản thành Tổng cục với cơ quan đại diện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra di tích giám sát từ khi còn lập dự án, thiết kế thi công, rồi trong quá trình thi công phải giám sát chặt chẽ... không nên để làm xong mới thanh tra, phát hiện sai phạm rất khó xử lý…


GS.TS Ngô Đức Thịnh, Hội đồng di sản Quốc gia cho rằng, những vụ việc như chùa Trăm Gian, chùa Một Cột… đã bộc lộ sự thiếu quan tâm của cơ quan quản lý di tích. Việc phát hiện ra di sản bị xâm hại phần lớn do truyền thông chứ không phải do những người quản lý di sản, nhưng khi phát hiện thì không có ai chịu trách nhiệm… Điều này cho thấy, ý thức, tri thức bảo vệ di sản của cán bộ quản lý di tích và người dân có vấn đề. Cần phổ biến để người dân hiểu và có ý thức tham gia vào giữ gìn di sản, khi phát hiện sai phạm thì thông báo cho cơ quan quản lý để sớm xử lý… GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Bộ nên có nghiên cứu theo hướng áp dụng đa dạng hình thức quản lý. Nên lấy hiệu quả là quan trọng, không nên cứng nhắc, đặt nặng vấn đề cấp tỉnh quản lý hay cấp huyện quản lý. Cũng theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, về nguyên tắc, bảo tồn và phát triển không hề mâu thuẫn với nhau, chính những người thực hiện đã khiến nó trở nên mâu thuẫn, đối lập nhau. Ông lấy ví dụ: Làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) có sự mâu thuẫn, vì cơ quan quản lý giải quyết không tốt. Có 2 nguyên tắc cơ bản trong bảo tồn di tích không nên vi phạm thì Đường Lâm đều vi phạm, đó là không tạo điều kiện cho người dân có nơi ở đàng hoàng và việc phân chia lợi nhuận không sòng phẳng… Trong khi ở Hội An giải quyết rất tốt vấn đề này và phát triển rất tốt.


Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền (Cục Di sản văn hóa) cho rằng, nhiều người làm về di sản văn hóa, nhưng hiểu về di sản văn hóa quá ít, và vì hiểu quá ít nên khi quản lý, bảo tồn di tích sẽ không làm được một cách tử tế. Theo ông Trần Lâm Biền, nền kinh tế tri thức phải lấy tri thức làm đầu, phải đi sâu vào di sản, hiểu sâu về di sản mới bảo vệ được di sản. Phải có những người có kiến thức thâm sâu về di sản văn hóa, phải có tình yêu với di tích thì mới làm tốt được công tác gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa. Với người dân, cần phải bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, giúp họ có những hiểu biết về di sản, lúc đó họ mới sẵn sàng bảo vệ di sản.



Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN