“Hào” của Dương Bích Liên đã trở lại

Tối 14/12, trong cái rét bắt đầu ngọt của Hà Nội, giữa không gian ngập tràn nghệ thuật của phòng tranh Khách sạn Apricot (Hà Nội), lần đầu tiên bức tranh “Hào” nổi tiếng của danh họa Dương Bích Liên ra mắt trở lại công chúng Thủ đô, sau thời gian rất dài bôn ba trong ngoài nước và sau thời gian cũng rất dài nằm yên trong bộ sưu tập của ông Ngô Tấn Trọng Nghĩa, chủ của Gallery Apricot nổi tiếng phố Hàng Gai.

Rất, rất đông những họa sĩ nổi tiếng, trẻ có, già có; rất đông những chủ các phòng tranh, trong đó có những người đã từ lâu ở ẩn, không xuất hiện trong các sự kiện mỹ thuật nữa; đã góp mặt trong buổi tối này; với một sự nôn nóng thấy rõ trên gương mặt, với một sự hào hứng thấy rõ trong hành động chen chân lên trên để tận mắt chứng kiến giây phút bức tranh hiện ra, dung dị, có chút hiền hòa, trầm mặc; nhưng lại chứa phía sau một câu chuyện sao mà nhiều giông gió về số phận bức tranh.

Bức tranh “Hào” của danh họa Dương Bích Liên chính thức ra mắt trong lễ Khai trương tại khách sạn Apricot tối 14/12.

Nghệ sĩ Bùi Thanh Phương, con trai của danh họa Bùi Xuân Phái kể: “Tác phẩm 'Hào' của Dương Bích Liên là tác phẩm có 'vấn đề' nặng, gây dư luận xôn xao trong giới họa vào thời đó. Bức này Dương Bích Liên vẽ để tham dự Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, nhưng nó bị loại ngay từ đầu mà không cần bàn cãi nhiều, vì khi nhìn vào tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh cách mạng này, người ta thấy được miêu tả với trạng thái nội tâm của người nghệ sĩ, nó ảm đạm và lạnh lẽo đến rùng mình, những chiến sĩ như đang lầm lũi tiến vào đường hào hun hút dường như chấp nhận số phận... Một tác phẩm hội họa như dự báo trước một điều gì đó. Bản thân nhà văn Nguyễn Tuân ban đầu xem bức tranh này thấy không gian của nó có vẻ như hoang mạc, lo ngại cho bạn, nên đề nghị Dương Bích Liên thêm hai quả tên lửa ở nơi chân trời bức tranh cho đỡ trống vắng. Anh em họa sĩ ngày đó khi xem bức 'Hào', thường nói vui về tên gọi bức tranh là: 'Hai quả tên lửa của Nguyễn Tuân'. Nhưng cho dù có thêm hai quả tên lửa thì bức tranh vẫn không thay đổi được mấy vẻ cô hồn, ma mị của nó. Bức tranh đã gây nên những rắc rối lớn và ưu phiền cho Dương Bích Liên một thời gian dài”.

Vâng, “Hào” là câu chuyện của năm 1972, thời kỳ Mỹ ném bom ác liệt nhất xuống. Dương Bích Liên vốn nổi tiếng là một họa sĩ duy mỹ, chỉ “thiên” về vẽ thiếu nữ, phong cảnh thanh vắng; nên khi nghe tin ông vẽ tranh về chiến tranh, rất nhiều anh em nghệ sĩ, gồm cả nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ Văn Cao, đạo diễn Phạm Văn Khoa... đã rủ nhau đến xem tranh. Bức tranh với kích thước 147 x 200 cm, nếu trong bối cảnh hiện nay cũng chỉ đơn giản là một tranh khổ lớn, nhưng đặt trong bối cảnh thời chiến, khi vật liệu vẽ rất hiếm và được phát theo “khẩu phần”, thì mới thấy Dương Bích Liên đã dụng công cho tác phẩm đến thế nào.

Nhưng “Hào”, với cái sự lạnh lẽo, với cảm giác “mênh mông” như nhận xét của nhà văn Nguyễn Tuân, đã không được chấp nhận. Ngay cả khi đã thêm hai quả tên lửa như gợi ý của Nguyễn Tuân như đã nói trên, bức tranh vẫn bị BTC triển lãm từ chối, thậm chí, bức tranh còn gây ra nhiều sóng gió cho Dương Bích Liên khi bị đánh giá về tư tưởng, tinh thần...

Không được tham dự triển lãm mỹ thuật, lại cũng không phải là bức tranh thuộc “sở trường” của mình, phải chăng vì thế mà Dương Bích Liên cũng ít quan tâm tới số phận bức tranh, khiến cho “Hào” ba chìm bảy nổi. Lúc ấy, khi BTC triển lãm mỹ thuật trả lại bức tranh cho họa sĩ, ông Bổng "nháy" phố Hàng Buồm, một nhà sưu tầm tranh nổi tiếng thời đó, đã đề nghị với họa sĩ rằng sẽ chở tranh về giúp, với điều kiện là cho ông ta mượn một thời gian để xem. Ông Liên đồng ý, thế là ông Bổng cùng người nhà đem... xe bò đến chở bức “Hào” về nhà.

Lúc ấy, nhà văn Tô Hoài vừa đi Nga về, biết chuyện bức tranh “Hào”, đã đến chơi với họa sĩ và đề nghị mua lại “Hào”. Do bức tranh vẫn đang ở nhà của ông Bổng “nháy”, nên Dương Bích Liên đã viết giấy để nhà văn Tô Hoài đến lấy lại tranh. Khi đó, do đã biết giá trị của bức tranh, nên ông Bổng còn định không trả lại.

Yêu mến bức tranh “Hào”, nhưng khi đem về nhà, vì tranh quá to, nên nhà văn Tô Hoài phải gác tạm trong nhà, có khi để cả trên giường vì treo rất vướng. Đúng lúc đó, nhà văn Nguyên Hồng trong một lần lên nhà Tô Hoài chơi, thích bức tranh quá, nên xin mua lại. Thấy để tranh cũng chật nhà, lại nể người bạn thân, Tô Hoài đã để lại cho nhà văn Nguyên Hồng.

Ở nhà Nguyên Hồng, số phận bức tranh cũng không khá khẩm hơn. Do nhà chật, ẩm thấp, không có điều kiện bảo quản, nên được một thời gian thì “Hào” bắt đầu bong tróc, nhà văn Nguyên Hồng đã phải nhờ... xe pháo đưa tranh từ Yên Thế (nơi ông sống) về Hà Nội để họa sĩ Dương Bích Liên sửa lại. Đó là khoảng gần năm 1975, khi đất nước sắp thống nhất.

Cái thời ấy, giá trị tranh có khi chỉ là vài cút rượu, ít màu nước là xong; nên khi sửa xong, Nguyên Hồng cũng chưa kịp lên lấy tranh, còn Dương Bích Liên thì xếp trong đám tranh của mình và cũng quên luôn “Hào”. Phải sau giải phóng vài năm, khi ông Nguyễn Trường đến đề nghị mua lại “Hào”, họa sĩ mới nhớ ra và đồng ý bán cho ông Nguyễn Trường cũng chỉ với giá vài cút rượu.

Sau này, ông Nguyễn Trường bán tranh cho giám đốc Xunhasaba, ông Ngô Luân, với giá 8.000 đồng để về nhà "che chỗ khuỷu cầu thang cho khỏi gió"...

Cuối những năm 1980, đầu 1990, tranh của các họa sĩ Việt Nam bắt đầu có giá. Năm 1989, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng đề nghị mua bức “Hào” với giá 6.000 USD (một cái giá rất cao thời đó), nhưng ông Ngô Luân không bán. Và đến năm 1995, trước khi mất, ông Ngô Luân mới bán bức tranh “Hào” cho một nhà buôn tranh Việt kiều ở Singapore là ông Hà Thúc Cần, với giá 15.000 USD.

Ông Hà Thúc Cần mua được tranh “Hào” rồi, giữ riêng trong nhà. Tới khoảng năm 2001 - 2002, ông Cần bị ốm nặng và trước khi chết, đã bán đi rất nhiều tranh của các họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có bức “Hào”. Sau đó thì không ai biết thêm về số phận của “Hào” nữa, chỉ nghe đồn là “Hào” đã thuộc về ông chủ Gallery Apricot; nhưng ông không cho ai xem, chụp ảnh, cũng không tiết lộ giá mua bao nhiêu.

Và giờ đây tin đồn đã không còn là tin đồn nữa, bức tranh cũng không còn là bí ẩn nữa, mà đã chính thức trở lại với công chúng Thủ đô. Nhưng ngắm bức tranh, không như suy nghĩ của những người thời 1972, công chúng thấy “Hào” sao mà ấm áp, ấm áp trong cả hình ảnh những đường hào đan chéo, trong cả màu đất vàng vọt, trong cả cái bóng của những người lính dưới đường hào lặng lẽ. Cái ấm áp của một giá trị nghệ thuật đã trở lại với công chúng, cái ấm áp của một nhân chứng của thời chiến tranh xưa, khi cha ông ta đã kiên trì chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mình, giành lấy nền độc lập cho hôm nay.
DH
Triển lãm tranh “Thiền” của họa sỹ Vũ Tuyên
Triển lãm tranh “Thiền” của họa sỹ Vũ Tuyên

Triển lãm tranh “Thiền” của họa sỹ Vũ Tuyên sẽ diễn ra từ ngày 16 - 23/12/2015, tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN