Gói kích cầu cho điện ảnh

Khái niệm này không mới trong lĩnh vực kinh tế, nhưng lại rất mới trong lĩnh vực điện ảnh. Lâu nay, hoạt động điện ảnh trên bình diện cả nước được nhìn nhận là khá ảm đạm, gần như nó chỉ nhúc nhích ở một vài đô thị lớn, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Còn ở các vùng quê hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, “xuân thu nhị kỳ” mới có buổi chiếu bóng ở sân đình hoặc ở một tụ điểm liên xã (ở địa bàn giao thông đi lại khó khăn).

 

Khu trường quay ngoại cảnh của trường quay Cổ Loa. Anh Tuấn - TTXVN


Điện ảnh Nhà nước gần như bỏ trống ở các địa bàn trọng điểm, chỉ thể hiện được vai trò thông qua các trung tâm điện ảnh, chiếu bóng để đưa băng hình về phục vụ bà con ở các địa bàn khó khăn. Thị trường với hơn 90 triệu dân đang bị bỏ ngỏ bởi phim Việt đa phần chất lượng không cao, vốn sản xuất chỉ nhỏ giọt, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết với nhau. Phim do các hãng tư nhân sản xuất, tuy nở rộ, nhưng mang nặng giải trí...rồi cạnh tranh thiếu lành mạnh, tranh giành nhau rạp chiếu, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán...


Trong bối cảnh như vậy, vấn đề đầu tư cho điện ảnh giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc chấn hưng điện ảnh nước nhà. “Có thực mới vực được đạo”, nếu không có tầm nhìn và vốn đầu tư xứng đáng, điện ảnh Việt Nam sẽ mãi chỉ ở cái ao làng. Doanh thu điện ảnh chỉ ở các trung tâm văn hóa lớn. Phim nội không vào được rạp lớn, phim Nhà nước sản xuất tiền tỷ bỏ kho. Thế nên, ngày 28/11 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức một hội nghị trực tuyến để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại hai điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Rất nhiều ý kiến phát biểu tại diễn đàn này là cần có “gói kích cầu” cho điện ảnh, cụ thể là phải xác định rõ nguồn vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn của quy hoạch điện ảnh. Mà “gói kích cầu” này phải được đầu tư đúng chỗ, có trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, đầu tư theo kiểu dàn “hàng ngang”. Ngoài nguồn vốn đầu tư phát triển nhân lực, xây dựng các tác phẩm điện ảnh, rất cần một nguồn vốn đáng kể để đầu tư cơ sở vật chất như cải tạo lại hệ thống rạp chiếu phim, thị trường tiêu thụ...; nói khái quát là cần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành điện ảnh nước nhà phải ngang tầm với các nước trong khu vực và không quá lạc hậu so với các nước có nền điện ảnh phát triển ở châu Á.


Quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có 3 trường quay lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, 1 trung tâm kỹ thuật; phía Bắc sẽ xây mới 10 rạp chiếu phim, cải tạo 24 rạp; miền Trung xây mới 15 rạp phim, cải tạo 16 rạp; phía Nam xây mới 24 rạp, cải tạo 8 rạp. Các rạp được xây mới ở ba miền sẽ tập trung cho các tỉnh chưa có rạp chiếu phim.


Mục tiêu là như vậy, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng, khi quy hoạch điện ảnh, phải nhìn vào thực tế nền điện ảnh và phù hợp với hoàn cảnh kinh tế. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cho rằng, theo Quy hoạch, đến năm 2020, nghĩa là chỉ còn 7 năm nữa, nếu triển khai ngay từ 2014, đòi hỏi cả nước phải có 3 trường quay (hiện có 1 trường quay Cổ Loa tại Hà Nội), 1 trung tâm kỹ thuật, 2 trung tâm chiếu phim hiện đại, xây mới 49 rạp, cải tạo 48 rạp. Điều này sẽ đòi hỏi kinh phí khổng lồ, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn thì việc bố trí ngân sách là rất khó. Chưa kể, thời gian ngắn, việc lập dự án, phê duyệt dự án của chúng ta thường rất tốn thời gian. Vì vậy, ông Dương cho rằng, để Quy hoạch thành hiện thực, phải xác định đúng việc cần ưu tiên thực hiện.


Cũng theo quan điểm của ông Dương, trước tiên, ưu tiên đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho Trường quay Cổ Loa, xây mới thêm một trường quay tại TP Hồ Chí Minh, không nên xây thêm trường quay tại Đà Nẵng. Thay vào đó là đầu tư một trung tâm chiếu phim hiện đại để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu xem phim của nhân dân tại các tỉnh miền Trung.


Đồng quan điểm với ông Dương là đầu tư cho điện ảnh phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của đất nước, nhưng đạo diễn Đặng Nhật Minh lại xoáy vào khía cạnh là cần đầu tư xây dựng mô hình điện ảnh thích hợp với từng giai đoạn. Tuy nhiên, trong “cuộc chấn hưng của điện ảnh”, không cần bắt chước nước ngoài, là họ có cái gì tiên tiến chúng ta cũng phải có. Ông Minh chia sẻ, kỹ thuật số và điện ảnh đang xích lại gần với nhau, có đến 80% phim truyền hình ngày nay giống như điện ảnh, chỉ có điều điện ảnh chất lượng cao hơn. Do đó Nhà nước cần có cơ chế để 2 thể loại này bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Những gì Nhà nước đầu tư cho truyền hình mà sử dụng được cho điện ảnh ví dụ như trường quay, trang thiết bị hậu kỳ... thì nên sử dụng, không nên đầu tư tràn lan.


Cần khẳng định rằng, “gói kích cầu” cho điện ảnh vào thời điểm này là hết sức cần thiết; nhưng sử dụng nó ra sao, đầu tư vào khâu nào, ai là đối tượng hưởng lợi..., đó mới chính là câu hỏi cần được giải đáp.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN