Đưa sơn mài truyền thống đến với thế giới hiện đại

Diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 2/5/2016, tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây (Hà Nội), triển lãm ảnh “Câu chuyện sơn mài Hanoia” nhằm tôn vinh những kỹ thuật sơn mài truyền thống và đương đại, qua bàn tay tài hoa của những người thợ sơn mài. Triển lãm nằm trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức.

Với gần 20 bức ảnh màu và đen trắng, triển lãm ảnh “Câu chuyện sơn mài Hanoia” ghi lại dấu ấn của từng công đoạn sản xuất sơn mài và thể hiện một tình yêu sơn mài sâu sắc của những người thợ sơn mài Hanoia. Đặc biệt, trong buổi lễ khai mạc, khách tham quan được tận mắt chứng kiến nghệ nhân sơn mài Hanoia thể hiện sự khéo léo của mình trong công đoạn cẩn trứng hoặc dát vàng. Đây là những kỹ thuật khó, đòi hỏi tay nghề cao, sự tập trung và chú ý đến từng chi tiết của người thợ sơn mài.

Các nghệ nhân Hanoia cẩn trọng trong từng khâu để tạo ra một sản phẩm sơn mài ưng ý.

Thương hiệu Hanoia ra đời năm 1997 tại tỉnh Bình Dương, một trong những thủ phủ của sơn mài Việt Nam từ thế kỷ XIV. Kế thừa tinh hoa của nghề thủ công truyền thống; một nhóm nhỏ nghệ nhân Việt, cùng các nhà thiết kế nước ngoài, đã khởi nghiệp từ việc thiết kế những đôi guốc sơn mài sành điệu cho các tín đồ thời trang. Công việc kinh doanh này rất thành công khiến họ quyết định không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chế tác phụ kiện thời trang cao cấp. Năm 2013 đánh dấu thành công của bộ sưu tập trang trí nội thất mới, dẫn đến sự ra đời của xưởng sơn mài thứ hai của Hanoia tại làng nghề Hạ Thái, được hình thành từ thế kỷ XVI ở gần Hà Nội. Từ đó, cùng với những người thợ sơn mài tài hoa, khéo léo, Hanoia đã bền bỉ dệt nên một mối tình sâu đậm với một ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam.

Hanoia may mắn có được những nghệ nhân lành nghề. Phần lớn trong số họ sinh ra và lớn lên tại các thủ phủ sơn mài Việt Nam. Ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được làm quen với những bình, lọ, tranh, hũ và kỹ thuật sơn mài truyền thống như sơn, mài quang, đánh bóng, khảm trai, khảm trứng… ngấm vào máu họ một cách tự nhiên. Sự tận tâm, bền bỉ và tay nghề khéo léo của họ tạo nền móng lý tưởng để thử nghiệm thành công những cách tân về kỹ thuật và thẩm mỹ của Hanoia.

Độ bóng là chuẩn mực của sơn mài truyền thống.


Sơn mài truyền thống Việt Nam chỉ giới hạn trong khoảng 10 màu với một số sắc độ cơ bản. Để tạo nên một dòng sơn mài cao cấp có khả năng diễn đạt những cung bậc cảm xúc khác nhau của cuộc sống hiện đại, Hanoia bắt buộc phải hướng đến những cách tân táo bạo.Và hiệu ứng mới, chất liệu mới là cơ hội để tạo ra một miền biểu cảm không giới hạn cho sơn mài. Bên cạnh các kỹ thuật ứng dụng sơn mài trên chất liệu truyền thống như gỗ, sừng, lá kim loại, vỏ trứng, Hanoia đi tiên phong trong việc kết hợp sơn mài với các chất liệu mới như giấy bồi, ngọc trai, lụa, gốm, thủy tinh… Hiện nay, Hanoia đang sở hữu bộ sưu tập hơn 500 hiệu ứng màu và sắc độ mới trên sơn mài và mỗi năm, vẫn tiếp tục đưa ra những nghiên cứu hiệu ứng mang tính cấp tiến nhất.

Anh Ty, thợ cả của xưởng sơn mài Hanoia, một nghệ nhân có thể coi là “báu vật” của nghề sơn mài truyền thống cho biết: “Độ bóng là chuẩn mực của sơn mài truyền thống. Hanoia có khoảng vài chục sắc độ bóng với các kỹ thuật mài xước, các sắc độ tinh tế đến mức có thể cảm giác về độ sâu và trạng thái trong veo tinh khiết của từng lớp vân màu chồng lên nhau. Hanoia có dòng sơn mài với kỹ thuật độc bản như: màu xi măng, độ loang trên một sản phẩm có cả hiệu ứng bóng và mờ, chất liệu sơn mài cho cảm giác kim loại… Có những màu mới chúng tôi phải nghiên cứu, pha trộn và thể nghiệm trong hàng năm trời mới tìm ra được ngôn ngữ chính xác mà mình mong muốn. Chúng tôi đã có một bảng màu vô tận cho sơn mài…”.

Rất nhiều sản phẩm sơn mài đã được khách quốc tế ưa chuộng.


Mỗi sản phẩm từ xưởng sơn mài Hanoia đều phải trải qua quá trình chế tác thủ công kéo dài trong 2 tháng. Trước tiên, người thợ phải bó hom vóc cho lớp ruột sản phẩm, riêng công đoạn này dùng đến 8 lớp gia cố nhằm đảm bảo cho phần lõi đạt độ chắc chắn, không co ngót, không bị thấm nước, không rạn xé. Sau đó là 3 lớp sơn lót, mỗi lớp đều được mài để tạo bề mặt mịn hoàn hảo với độ bám cao nhất. Ở khâu tạo hiệu ứng, mỗi sản phẩm được phủ từ 5 lớp vecni và sơn màu trở lên khiến màu trở nên sâu và kỳ ảo. Khâu hoàn thiện sẽ là chạm khắc, vẽ tay, hoặc dát vàng, dát bạc, khảm trai, khảm trứng… Sau đó các họa tiết lại được mài trau chuốt sao cho thật tinh tế, sắc nét và được phủ thêm các lớp vecni bảo vệ.

Trau chuốt hoàn thiện sản phẩm.


Không thể kể hết tình yêu và lòng kiên nhẫn mà mỗi người thợ sơn mài Hanoia đặt vào các tác phẩm của mình. Mỗi lớp sơn được phủ lên đều phải mài cho mỏng đi. Cũng không có công thức cần mài đi bao nhiêu. Tất cả phụ thuộc vào cảm giác của người thợ. Chỉ bàn tay họ mới cảm nhận được lúc nào độ mịn đã đủ và lớp sơn trước đó chưa bị tổn thương. Ngay cả khi phun sơn, chuyển động của dòng sơn cũng phải mỏng tuyệt đối và uyển chuyển, dịu mềm để tạo nên độ sâu mượt tinh tế. Như anh Ty nói: “Chúng tôi vẫn đang làm sơn mài bằng kỹ thuật truyền thống mà tổ tiên và ông bà mình để lại”.
PV
Trưng bày, giới thiệu nghề sơn mài trên phố cổ Hà Nội
Trưng bày, giới thiệu nghề sơn mài trên phố cổ Hà Nội

Lễ khai mạc các hoạt động văn hóa giới thiệu nghề truyền thống sơn mài trên phố cổ Hà Nội, với chủ đề “Chuyện sơn mài Việt Nam” đã diễn ra tối ngày 15/4/2016, tại đình Kim Ngân 42-44 Hàng Bạc (Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN