Đổi mới tư duy về sử học

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh cụ thể của đất nước và thế giới, đòi hỏi giới sử học phải đổi mới tư duy trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử.

Lịch sử Việt Nam nên được nhận thức là lịch sử của các cộng đồng cư dân, các tộc người, các vương quốc đã từng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay, bao gồm cả lịch sử dòng văn hóa Sa Huỳnh với nước Chămpa và dòng văn hóa Óc Eo với nước Phù Nam.

Một loạt các giai đoạn lịch sử, sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử đã được nhận thức lại một cách khách quan, trung thực hơn, một số nhân vật được khôi phục công lao, cống hiến của mình với nhiều hội thảo như "Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX", "Đánh giá thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp".


Các hội thảo về văn hóa Óc Eo, quá trình phát triển vùng đất Nam bộ, từ đó các nhà sử học xác lập quan điểm coi lịch sử vùng đất Nam bộ không chỉ bắt đầu khi người Việt vào khai phá từ thế kỷ XVII mà phải ngược lên thời tiền sử khi con người xuất hiện trên vùng đất phương Nam.

Nội dung lịch sử cũng được giới sử học nhấn mạnh tính toàn diện của nó, không chỉ là lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử đấu tranh cách mạng, lịch sử chính trị, mà còn bao gồm tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng...

Hội khoa học lịch sử cũng đang xây dựng Quỹ Phát triển Sử học để khuyến khích việc học tập lịch sử của thế hệ học sinh, sinh viên và khen thưởng các công trình sử học có giá trị tương xứng với những đóng góp của giới sử học.

Hoàng Minh Nguyệt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN