Khai thác nguồn lực di sản văn hóa cho sáng tạo
Đây là lễ hội có quy mô lớn nhất sau 3 mùa tổ chức, với 64 hoạt động văn hóa sáng tạo gồm: 4 công trình kiến trúc; 18 trưng bày và triển lãm; 15 hội thảo và tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế; 9 hoạt động nghệ thuật; 18 hoạt động sáng tạo cộng đồng, được tổ chức tại tuyến điểm chính của Lễ hội là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên và Ga Gia Lâm. Lễ hội có sự tham gia của hơn 200 đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sỹ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo.
Với chủ đề “Khơi dòng”, Lễ hội đã hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững. Các sự kiện, hoạt động đều mang đậm dấu ấn văn hóa Thủ đô dưới một góc nhìn sáng tạo. Những địa điểm tổ chức sự kiện như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, cầu Long Biên đều là những di sản công nghiệp và di sản đô thị, được đánh thức sau một thời gian dài “ngủ quên”. Một diện mạo mới mang đậm sắc màu văn hóa, nghệ thuật được sắp đặt theo phương thức sáng tạo khiến công chúng hào hứng.
Họa sĩ Nguyễn Đức Phương, tác giả của không gian “Sắp đặt Nước và Di sản Tháp nước Hàng Đậu” chia sẻ: “Thông qua dự án lần này, tôi mong công chúng sẽ có ý thức và đóng góp đối với di sản. Đời sống tuy thay đổi theo thời kỳ, những di sản vẫn luôn mang lại giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng người trẻ có cái nhìn, cách tiếp cận khác về nghệ thuật, từng bước tạo nên giá trị cho cộng đồng. Tôi mong nhiều không gian nghệ thuật hơn nữa được kiến tạo từ di sản như thế này”.
Các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm là sự kết hợp sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại. Hội chợ thủ công nghệ thuật là nơi quy tụ nhiều người trẻ đang theo đuổi các ngành nghề sáng tạo với những bản sắc riêng biệt của từng cá nhân, bên cạnh đó còn các nhóm sáng tạo, các không gian sáng tạo, nghệ nhân của các làng nghề truyền thống tham gia mang tới sân chơi cởi mở, kích thích sự sáng tạo cho mọi người. Đặc biệt, tuyến tàu “Hành trình di sản” kết nối hai bờ sông Hồng đã tạo ra điểm nhấn cho Lễ hội, thu thú sự trải nghiệm của đông đảo người dân, du khách.
Lan tỏa tinh thần sáng tạo
Sau 12 ngày tổ chức, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 đã tạo dấu ấn lớn trong cộng đồng, lan tỏa tinh thần sáng tạo đến các tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Dù Lễ hội diễn ra ở xa trung tâm nội đô nhưng sự độc đáo, mới lạ của không gian tổ chức cùng các hoạt động, sự kiện của Lễ hội đã hấp dẫn đông đảo người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước.
Theo Ban Tổ chức, Lễ hội đã đón 200.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu. Cùng với đó, Lễ hội cũng thu hút sự hưởng ứng, chủ động sáng tác của 2.000 nhà sáng tạo nội dung, 4 triệu thảo luận trên mạng xã hội. Còn theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 12 ngày diễn ra Lễ hội, có tới 26.000 vé tàu đã bán ra cho khách trải nghiệm tuyến tàu "Hành trình di sản"; tuy nhiên, số lượng này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Từ hiệu quả tổ chức của Lễ hội, bên cạnh các hoạt động, sự kiện nằm trong chương trình tổ chức, Lễ hội còn thu hút nhiều tổ chức, cá nhân đến tham gia các hoạt động sáng tạo. Điển hình như khóa nghệ thuật trực tiếp dành cho trẻ đặc biệt “Khám phá dòng chảy” do Doanh nghiệp xã hội Tòhe, Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và SOVICO cùng chủ trì tổ chức; chương trình nghệ thuật cồng chiêng “Ngẫu hứng đại ngàn” do các nghệ nhân Bahnar và Jrai (tỉnh Gia Lai) trình diễn... Dù được bổ sung trong thời gian ngắn, nhưng các hoạt động đều hấp dẫn người xem, thưởng thức chương trình.
Tinh thần sáng tạo được lan toả tới các quận, huyện và các làng nghề trên toàn thành phố với sự tham gia của chuỗi hơn 40 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo và đổi mới trên các địa phương, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân.
Định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo
Lễ hội là hoạt động thường niên của thành phố Hà Nội nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế. Lễ hội cũng là hoạt động hiện thực hóa chủ trương của thành phố Hà Nội về khai thác nguồn lực văn hóa, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô một cách bền vững.
Đặc biệt, việc tổ chức Lễ hội tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm mở ra hướng chuyển đổi các cơ sở sản xuất công nghiệp di dời ra khỏi nội đô thành không gian sáng tạo, khi chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng chờ được đánh thức. Đây là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm biến di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới và thu hút đầu tư, thực hiện chiến lược phát triển Công nghiệp văn hoá Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định: Thành phố đang hướng tới xây dựng Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội trở thành sự kiện thường niên mang tầm quốc tế và khu vực, tạo điểm nhấn trong năm, thu hút đông đảo nhà thiết kế, doanh nghiệp, du khách trong nước và quốc tế tham dự. Lễ hội nhằm kết nối sự sáng tạo, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới hình thành Trung tâm thiết kế sáng tạo, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật... phát triển ngành công nghiệp văn hóa dọc hai bên bờ sông Hồng. Đồng thời, đây cũng là dịp thành phố lan tỏa những vấn đề UNESCO mong muốn sau khi Hà Nội được công nhận là Thành phố sáng tạo, tạo dựng một môi trường tốt để cộng đồng sáng tạo phát huy khả năng của mình.