Đạo diễn Phạm Hoàng Nam: Chiêu độc thì khó, trò thì dễ
Chiêu độc thì khó, trò thì dễ nhưng khó cho phép mình làm. Chiêu độc là chiêu mới mẻ và độc đáo, không những chưa ai làm mà còn phải phù hợp với chương trình, phù hợp với tình huống và quan trọng nhất là phù hợp với túi tiền. Còn trò thì chỉ phụ thuộc vào tiền và cả vào sự... bí chiêu. Đặc trưng của chiêu là sự sáng tạo, đặc trưng của trò là sự lặp lại, bắt chước và dựa vào sự dễ dãi của thưởng thức. Nên người ta mới nói người này có độc chiêu, còn kẻ khác chỉ “làm trò” hoặc “diễn trò”.
Đức Tuấn và các nghệ sĩ đến từ sân khấu West End trong live show Thiên thai |
Ở Việt Nam, trò nhiều hơn chiêu nhưng có trò tinh vi kiểu nửa sáng tạo, nửa bắt chước kiểu cũ người mới ta và có trò thì đơn giản là nhảm cho vui. Rất ít gặp những chiêu thực sự vì dù chiêu trò gì thì trước hết phải dựa vào nội lực của người “diễn”. Nội lực ở đây bao hàm cả trí óc, tài năng, sự kiên trì, lòng đam mê và cuối cùng là túi tiền. Chiêu trò ở Việt Nam thiên về làm để lấy tiếng chứ không bán ra “miếng” được, nhưng nội lực thì lại khác. Những chương trình nhiều chiêu trò thường là lỗ vốn nếu không có “tài trợ” còn những chương trình có lãi thực thường chẳng cần trò. Showbiz thực sự cần cả sự sáng tạo trong giải trí lẫn thương mại, làm mà không có lãi thì chỉ có show chứ chưa có biz, nếu có thì thường người ta quy ra lãi từ giá trị thương hiệu hoặc bỏ tiền mua tiếng. Nghịch lý ở Việt Nam là ca sĩ đi hát cật lực ở những show nhỏ lẻ mong lấy lãi mà làm show lớn để rồi lỗ vốn! Như vậy thì chiêu trò ở đây cũng giảm giá trị đi rất nhiều. Đó là chưa nói các chiêu thức và trình độ của chúng ta luôn ở mức độ cố gắng, làm gì cũng không hoàn hảo được nên càng nhiều chiêu trò càng thấy lộ những rủi ro và thiếu sự hoàn hảo, được nghe thì hỏng nhìn. Có thể tóm lược những yếu tố chính gọi là chiêu trò ở ta là: đu dây, bàn nâng, khói lửa, vũ đạo và thời trang. Mỗi show làm dù có khác nhau về sự nhuần nhuyễn hay đắt giá thì cũng chỉ có bấy nhiêu đó.
Nhưng nhu cầu giải trí là bất tận nên chiêu trò đắt rẻ gì cũng có lúc, có nơi và có người cần xài. Có điều đừng ngộ nhận và nhầm lẫn!
Đạo diễn Việt Tú: Thử thách lớn đến từ sự hiểu biết của khán giả
Sân khấu tối giản, sang trọng, không chiêu trò nhưng bán được ra “miếng” của Không gian âm nhạc |
Đạo diễn show ở Việt Nam không được phép viển vông, vì nếu cứ đem áp dụng những gì mình nhìn thấy ở những show diễn nước ngoài ra làm là không thể vì nó quá… đắt tiền, đòi hỏi công nghệ cao, có muốn bắt chước cũng không được. Bây giờ khán giả được xem nhiều (cả trên băng đĩa lẫn đi nước ngoài xem trực tiếp), kiến thức của họ thậm chí còn hơn cả những người làm nghề, làm sao để mọi người xem mà vẫn thấy hài lòng, không so sánh với những gì đã biết là cả một vấn đề. Trong khi đó, chiêu trò lại gắn với công nghệ. Ví dụ: Một vở diễn ở nước ngoài có giá trị tới hàng chục triệu đô với những thiết bị công nghệ cao mà mỗi món không đã cả triệu đô rồi, làm sao mình có tiền để thực hiện nổi? Cách duy nhất là tìm tòi, thử nghiệm, mày mò trong điều kiện chứ không thể viển vông.
Ở Việt Nam, để tạo ra được chiêu trò khác biệt trên sân khấu, tiền chỉ là một vấn đề (vì nó hữu hạn), ngoài ý tưởng, phải có quan hệ, bạn bè giúp đỡ mới hiện thực hóa được. Với chiếc phi thuyền sử dụng trong Hồ Ngọc Hà Live Concert 2011, để làm được hiệu quả như vậy, chúng tôi đã mất cả tháng trời vẽ tay, đổ khuôn mô hình, vẽ ra 3D, rồi chỉnh lại trên mô hình trước khi thi công; không kể các khâu khác cũng quan trọng. Không có bạn bè tâm huyết hỗ trợ, trả thẳng bằng tiền chắc không ai chịu nổi.
Theo thethaovanhoa.vn