Trong khuôn khổ các chương trình thuộc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè diễn ra từ ngày 25 - 31/8, tối 27/8, tại huyện Cầu Kè, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức khai mạc Lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024; đồng thời, công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Huyện Cầu Kè có dân số trên 103.500 người; trong đó, đồng bào người Hoa chiếm 0,3% (311 người), người Khmer chiếm 32,2% (33.332 người). Lễ Vu lan Thắng hội là lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Việt gốc Hoa ở huyện Cầu Kè, với những nghi lễ được kết hợp giữa lễ Vu Lan của Phật giáo và lễ vía ông Bổn của người Hoa. Trong đó, lễ Vu Lan nhằm báo hiếu công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; tỏ lòng biết ơn nguồn cội, tổ tiên. Lễ vía ông Bổn theo tín ngưỡng người Hoa, đây là vị phúc thần của cộng đồng dân tộc Hoa; giúp họ có cuộc sống ấm no, làm ăn phát đạt. Việc thờ, cúng ông Bổn được người Hoa tổ chức long trọng, quy mô lớn nhất trong các lễ cúng hàng năm.
Vu lan Thắng hội là lễ hội văn hóa tín ngưỡng đặc sắc mang đậm nét đẹp truyền thống văn hóa của người Hoa, ngày nay đã trở thành lễ hội chung của cả cộng đồng các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa địa phương. Trong lễ hội, người Kinh có các nghi thức cúng tế với dàn nhạc lễ truyền thống; người Hoa biểu diễn nhạc bát âm và múa lân cùng với sự tham gia của đồng bào người Kinh và người Khmer. Đây là nét đặc biệt trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, thể hiện tình đoàn kết gắn bó lâu đời ngay từ những ngày đầu khai hoang lập ấp; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn bó keo sơn, bền vững theo thời gian.
Lễ hội được tổ chức vào tháng 7 Âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương về dự.
Như vậy, Trà Vinh hiện có 8 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó có 5 di sản là nghệ thuật, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống của đồng bào Khmer gồm: Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây, nghệ thuật Rô băm, Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer ở xã Hàm Tân (huyện Trà Cú). Ba Di sản phi vật thể quốc gia còn lại là Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào dân tộc Hoa tại huyện Cầu Kè; Lễ hội cúng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang) và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện đề nghị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương giữ gìn, bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ, duy trì và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể...
Dịp này, Ban Tổ chức đã trao 82 căn nhà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Cầu Kè (trị giá 50 triệu đồng/căn); tặng Thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, học bổng cho học sinh nghèo hiếu học... với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng.
Cũng trong khuôn khổ các chương trình thuộc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè, ngày 27/8, tại huyện Cầu Kè đã diễn ra hội thi ẩm thực món ngon chế biến từ dừa sáp với trên 100 món. Kết quả, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap). Đặc biệt, tại Hội thi, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục cho UBND huyện Cầu Kè với sự kiện chế biến món ăn và trưng bày các sản phẩm từ trái dừa sáp Cầu Kè nhiều nhất Việt Nam.
Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 25 - 31/8 (nhằm ngày 22 - 28/7 Âm lịch) với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội chợ thương mại - nông nghiệp, phiên chợ trái cây ngon, không gian ẩm thực và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tọa đàm kết nối, phát triển du lịch địa phương…