Thật nhiều bất ngờ cho những “du khách - khán giả” khi bước chân vào Nhà hát Tuổi trẻ tối 10/3. Với chiếc xe bò thật lớn chứa đầy rơm đón ngay cổng vào. Với đám thôn nữ khăn vấn, áo yếm, váy xòe ngồi trò chuyện ngay lối đi.
Và với nào những “phiên chợ quê”, ì xèo mỡ rán bánh chuối, bánh khoai, trắng trong đĩa bánh trôi vừa “ba chìm, bảy nổi” vẫn còn nóng hôi hổi, với bánh cuốn tráng tới đâu được “du khách - khán giả”, mà hầu hết là người nước ngoài “đặt hàng tới đó”. Dập dìu trong không gian thấm đẫm bóng dáng rơm rạ, đèn nến ấy là tiếng nhạc của nhóm nhạc dân tộc đang chơi...
Một cảnh trong “Hương đất”. |
Và khi bước chân vào khán phòng, thì òa ra cũng là một sân khấu được thiết kế như một đường làng mùa gặt, với rơm phơi tãi dài, với đống rơm vun cao, với thóc đang được sàng, sảy, với lũy tre làng buổi chiều ríu rít tiếng chim...
Cũng thật dễ hiểu thôi khi chương trình nghệ thuật trình diễn và sắp đặt “Hương đất” này lại được đầu tư công phu và mang đậm chất “Việt” như vậy. “Hương đất” là chương trình nghệ thuật dành cho khách quốc tế và Việt kiều về thăm quê hương.
Là một chương trình trình diễn và sắp đặt, lại mang trọng trách “quảng bá”, nên “Hương đất” không giống những chương trình nghệ thuật lâu nay của Nhà hát Tuổi trẻ. Nó giống như những bức tranh về cuộc sống ở những làng quê Việt Nam, những bức tranh mà mỗi khán giả đều có thể là một nhân vật trong đó. Bởi sự gần gũi của hình ảnh chàng nông dân cần mẫn tãi rơm xuất hiện ở phần mở màn và ở phần kết thúc của chương trình. Bởi hình ảnh những thôn nữ kĩu kịt quang gánh trên vai, gánh đất cùng chồng dời non, lấp bể để dựng làng, dựng xóm.
Và những miếng đất sần sùi ấy, cuối vở diễn, khi ra ngoài nhà hát, lại cũng thấy đang được đặt ở đó. Nghĩa là không có gì mất đi, không có gì xa lạ trong chương trình này. Chưa kể tới sự gần gũi của một vòng đời đã được nhóm tác giả: Đạo diễn NSND Lê Hùng, kịch bản văn học và sắp dặt NSƯT Vũ Duy Biên, kịch bản sân khấu Vũ Hải, biên đạo múa Cao Ngọc Ánh, chịu trách nhiệm biểu diễn PGĐ Trương Nhuận... thể hiện trong vở diễn với 4 trường đoạn lớn: “Vũ điệu của đất”, “Hương đất- Lấp lánh làng nghề”, “ Hương đất- thơm bầu lúa mới” và “Sinh ra từ đất, trở về với đất”.
Mở ra trường đoạn 1 là tiếng đàn nguyệt và hình ảnh những người dân đi khai sơn, mở đất trong thời “trời đất còn mù mịt” với mưa gió, sấm chớp... Và con người cũng được sinh ra từ đất. Giống như lời “thuyết trình” của trường đoạn này: Con người được sinh ra từ đất, sử dụng đất để tồn tại và tô điểm cuộc sống hàng ngày tươi đẹp hơn, cuộc sống với hình ảnh đàn ong đi lấy mật, với hoa nở đón nắng mới, với những cô gái yếm thắm... đã khiến cuộc sống rộn ràng và tươi đẹp hơn...
Trường đoạn 2 là hình ảnh làng nghề làm gốm Bát Tràng với các công đoạn làm gốm được khái quát thành 4 lớp: “Những khối đất vô tri”, “Thổi hồn vào đất”, “Biến mình trong ánh lửa” và “Hương đất thăng hoa”. Hình ảnh tranh Đông Hồ, những chiếc lọ gốm thật, những chiếc lọ gốm được cách điệu từ những chiếc đèn lồng với ánh lửa lấp lánh... đã tạo cho trường đoạn 2 một sức hấp dẫn riêng, sức hấp dẫn của niềm vui lao động, của những giọt mồ hôi, của sự âu yếm và hạnh phúc của cuộc sống thôn quê khi chồng múc nước trong ang gốm cho vợ gội đầu, khi chồng ngồi vẽ gốm và vợ ngồi quạt mát cho chồng...
Trường đoạn 3 và 4 cũng chung một cảm xúc như vậy, với những hình ảnh thật sự gần gũi của những làng quê Việt Nam. Và ở đó, có rất nhiều giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, những nét độc đáo và hấp dẫn của “bản sắc Việt” được đem đến cho khán giả: Nhã nhạc cung đình Huế, làn điệu chèo, những làn điệu dân ca Bắc bộ, tiếng đàn nguyệt Nam bộ...
Nói như tác giả chương trình, những sinh hoạt truyền thống của người Việt gắn liền với “Nền văn minh lúa nước” được tái hiện bằng nghệ thuật sắp đặt trực quan thông qua các vật phẩm đặc trưng cho văn hóa Việt, gồm những ngôi nhà mái tranh vách đất, con trâu cái cày, hình ảnh người nông dân mang nón lá ở đồng bằng Bắc bộ, mang áo tơi (bằng lá) ở những vùng quê Trung bộ, mang nón H’Mông, nón Thái ở vùng núi Tây Bắc tươi tắn giơ cao những bó mạ non, những chiếc liềm cắt lúa, chiếc cối giã gạo, cối xay lúa, cối chày tay, hình ảnh bữa cơm truyền thống, đầm ấm trong một gia đình nông dân Việt Nam với mâm đồng, nồi đất, bát đĩa, muôi thìa được làm từ đất cùng các sản vật được chế tác từ đá nghệ thuật, mây tre đan...
P.V