Bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc: Động lực đoàn kết cộng đồng

Mặc dù không sinh sống trong nước, nhưng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, gắn bó với gia đình, quê hương. Vì thế, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Nhà nước luôn có chủ trương, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Đây cũng chính là động lực đoàn kết cộng đồng, gắn bó với đất nước.


Tự hào văn hóa Việt


Theo PGS - TS Nguyễn Chí Bền – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), với hơn 4,5 triệu người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập trên 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là điều không thể thiếu trong cộng đồng kiều bào. Đây là sức mạnh, tài sản “vô hình” để gắn kết giữa cộng đồng trong và ngoài nước. Bởi với 54 dân tộc anh em sinh sống tại Việt Nam đều có một kho tàng di sản văn hóa giàu bản sắc, truyền thống lâu đời.

Trong khuôn khổ Chương trình Trại hè Việt Nam 2012, thanh thiếu niên, kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài có dịp về thăm Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Dương Giang - TTXVN


Đồng tình quan điểm, Giáo sư Vũ Đức Vượng (Hoa Kỳ) cho hay, bản sắc văn hóa của người Việt là những gì có thể làm chúng ta hãnh diện khi nhìn vào trong gương hoặc đem ra chia sẻ cùng nhân loại. Và quan trọng hơn là những gì chúng ta truyền lại cho con cháu những điều tốt đẹp đó mà không cảm thấy ngượng với hậu thế. Ông cho rằng có những điểm “son” trong kho tàng văn hóa Việt ở thời điểm này: Một bản sắc lâu đời nhất mà ta biết được là bình đẳng giới được thể hiện qua câu chuyện mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Ngoài việc dạy chúng ta về nguồn gốc, nó còn là một chuyện tình rất đẹp, rất nhân bản, và là một trang sử rõ ràng nhất về bình đẳng giới của người Việt nguyên thủy.


Giáo sư Vũ Đức Vượng cũng cho rằng, Rối nước là nghệ thuật hoàn toàn của người Việt, bởi rối nước ra đời ở các làng mạc miền đồng bằng sông Hồng khoảng thế kỷ XI.


Còn phở, tượng trưng cho thú ẩm thực tinh tế của người Việt. Vì ngày nay đi khắp nơi trên thế giới, hầu hết ai cũng có thể nhận ra đây là món ăn Việt. Nhiều nước còn nhận chữ “phở” vào trong từ vựng của họ như một danh từ mới. Từ năm 1975, người Việt ta đã xuất khẩu phở ra khắp thế giới, như một lời chào: Chúng tôi đến từ Việt Nam! Không ai phủ nhận là trong kho tàng văn hóa Việt còn rất nhiều các “món ăn” khác, cũng hấp dẫn, cũng đặc sắc và cũng cần được bảo tồn, phát huy như ca dao truyền khẩu, lòng yêu nước, tình yêu, lòng hiếu học, tính hài hòa với thiên nhiên...


Chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa


Với niềm tự hào đó, hầu hết cộng đồng NVNONN luôn tìm cách giữ gìn và giáo dục con cháu về những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Cụ thể, hầu hết các gia đình người Việt sinh sống ở nước ngoài đều có bàn thờ tổ tiên, ông bà với không gian thờ cúng được bài trí theo phong tục, tập quán Việt Nam, duy trì truyền thống kính trên, nhường dưới, tôn trọng thứ bậc... Đồng thời, duy trì các lễ hội truyền thống, văn hóa tâm linh, nấu và phổ biến các món ăn mang đậm hương vị quê nhà... Các hoạt động này không chỉ làm thỏa mãn nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ, mà quan trọng hơn thông qua đó các bậc phụ huynh còn dạy cho con em mình biết đạo lý uống nước nhớ nguồn, có hiếu với ông bà, cha mẹ, từ đó thêm tự hào và gìn giữ những nét đẹp của văn hóa Việt.


Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, văn hóa là một lĩnh vực dễ bị tổn thương hơn cả. Chính vì vậy, trong những năm qua Đảng và Nhà nước luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc thông qua việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam với cộng đồng người Việt Nam bằng các phương tiện truyền thông, sách, báo, phim ảnh, ca nhạc… Đặc biệt, việc thực hiện các phóng sự, hình ảnh Việt Nam trên các kênh truyền hình quốc tế đã đem lại hiệu quả đáng kể, tiêu biểu tại Nhật Bản, EU, Nga, Trung Quốc. Tính đến tháng 11/2011, sản phẩm phim ảnh do Cục Hợp tác quốc tế làm đầu mối tổ chức sản xuất đã được phát sóng tại các kênh truyền hình lớn, phủ sóng rộng, tiêu biểu như ADR Đức (phát toàn châu Âu), NHK (lớn nhất Nhật Bản), CCTV Trung Quốc (kênh đối ngoại Trung Quốc phát sóng toàn cầu)… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tạo mọi điều kiện cho các văn nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài về nước biểu diễn, mới đây nhất là ca sĩ Khánh Ly.


Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng rất cần có một chính sách tổng thể, nhất quán từ trong nước để công tác này được triển khai đúng hướng, có bài bản và đạt hiệu quả thiết thực; khuyến khích hỗ trợ cho hoạt động dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là lớp trẻ vì họ là người ít có điều kiện sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ. Hỗ trợ sách giáo khoa, đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, xây dựng trường, lớp học tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài, khơi dậy trong các thế hệ cộng đồng ý thức về việc duy trì tiếng Việt và phong trào dạy và học tiếng Việt.



Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN