Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người mà Người đã dành trọn cuộc đời hy sinh tranh đấu đồng thời hàm chứa cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ. Hơn thế, cùng với và tiếp theo cuộc cách mạng giành độc lập cho dân tộc là cuộc cách mạng giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI ngày 13/3/2012, tại Hà Nội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
1 - Văn hóa gia đình Việt Nam nằm trong vòng ảnh hưởng của Nho giáo với văn hóa Việt Nam nói chung. Vị thế của người phụ nữ trong xã hội và gia đình Việt Nam cổ truyền trong quan niệm của người Việt cũng mang đậm những nét ảnh hưởng đó như một điều tất yếu. Quan hệ phu - phụ trong Nho giáo không phải là quan hệ bình đẳng mà là quan hệ trên - dưới, được xếp theo chiều dọc, trong đó người vợ ở địa vị thấp hơn người chồng. Người chồng toàn quyền quyết định mọi việc trong gia đình.
Người vợ có trách nhiệm thuận và tòng; (khi) phu xướng phụ (phải) tùy. Người chồng trong Nho giáo như trời đối với người vợ; cũng giống vua như trời của bề tôi, cha như trời với con. Thân phận người phụ nữ "được" Nho giáo "trói chặt" trong những công việc gia đình. Họ phải dành toàn tâm toàn ý cho công việc gia đình, phải thực hiện đúng tam tòng, tứ đức trong suốt cuộc đời. Tam tòng, tứ đức đặt người phụ nữ vào địa vị thấp kém nhất trong gia đình. Điều này cũng không phải là bất ngờ khi Nho giáo có hàng loạt luận điểm khác cũng đặt phụ nữ xuống địa vị tương tự như vậy ở phạm vi rộng lớn hơn: Nữ thị tiểu nhân; Nữ nhi nan hóa; Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô...
Trong cuộc sống mới không phải những gì thuộc về quá khứ đều đã hoàn toàn biến mất. Cho đến nay, những quan điểm đó vẫn “lúc ẩn, lúc hiện”, thậm chí cả trong bộ phận những người có thể xem là “tiên tiến”. Thói gia trưởng ăn sâu trong nếp nghĩ; tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn rất gần và hay gặp trong nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh đời sống xã hội. Từ phía chị em phụ nữ trong nhiều trường hợp cũng chưa hoàn toàn loại bỏ được những điểm còn hạn chế do những bó buộc khuôn phép Nho giáo còn để lại để tự tin hơn, vững vàng hơn khẳng định vị trí xã hội của mình. Vì vậy, phụ nữ Việt Nam cần đến hai cuộc cách mạng. Cùng với và tiếp theo cuộc cách mạng giành độc lập cho dân tộc là cuộc cách mạng giành quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
2 - Từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã coi "thực hiện nam nữ bình quyền" là một trong những chủ trương lớn. Đây cũng là một trong 10 mục tiêu được nhắc tới trong Lời kêu gọi của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân dịp thành lập Đảng.
Khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đã thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: Sự tiến bộ của nền kinh tế, văn hóa, xã hội là tiền đề để đi tới giải phóng triệt để phụ nữ. Sự bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi tư tưởng lạc hậu, mà chủ yếu là do chế độ kinh tế - xã hội và vì vậy, “thực hiện nam nữ bình quyền" không chỉ là những khẩu hiệu hô hào chung chung, mà phải được thực hiện ở những lĩnh vực cụ thể, nhất là trong hoạt động sản xuất và trong hôn nhân gia đình. Thông qua hệ thống chính sách xã hội, người phụ nữ phải là một động lực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Để làm được những điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu từ cả hai phía: Tổ chức Đảng, chính quyền và bản thân người phụ nữ. Người luôn quan tâm đến vị trí của phụ nữ trong các tổ chức của hệ thống chính trị, mong muốn ngày càng có nhiều chị em tham gia các công tác xã hội, trong các cấp ủy Đảng, cũng như trong các tổ chức quần chúng.
Phụ nữ TTXVN trong sự nghiệp xây dựng tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh Nhân kỷ niệm 82 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2012), chiều 18/10, tại Hà Nội, Công đoàn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Phụ nữ Thông tấn trong sự nghiệp xây dựng tập đoàn truyền thông quốc gia mạnh”. Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang 82 năm qua của Phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thông tấn xã nói riêng. Những năm qua, cán bộ nữ TTXVN luôn được bình đẳng và học tập để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, cũng như bản lĩnh chính trị. Hiện nay, 58% tổng số phụ nữ TTXVN đã được xếp ngạch chính; gần 80% nữ cán bộ có trình độ đại học và sau đại học. Từ năm 2007 đến nay, đã có 32% nữ cán bộ TTXVN được công nhận là chiến sĩ thi đua ngành; gần 50% là chiến sĩ thi đua cơ sở; hơn 20% đã được trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước; gần 200 lượt cán bộ nữ đạt giải báo chí. Trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phụ nữ TTXVN luôn là tấm gương, chỗ dựa tin cậy của gia đình và đồng nghiệp. Phụ nữ Thông tấn xã cũng luôn đi tiên phong trong các hoạt động hưởng ứng phong trào thi đua “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” do Công đoàn viên chức Việt Nam phát động. Bên cạnh đó, phụ nữ TTXVN luôn chia sẻ và tham gia các hoạt động từ thiện với tinh thần tương thân, tương ái cùng cộng đồng...
Nguyễn Cường |
Người cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo, quản lý là do: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...” 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ của người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực” 2. Người phê phán những người chưa hiểu đúng sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Giải phóng phụ nữ không chỉ là “hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát”, “mà phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội, để phụ nữ tham gia vào các công việc, ngành nghề như nam giới”. Để thực hiện bình quyền, bình đẳng nam nữ, Người yêu cầu: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” 3; “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập” 4; các cấp ủy Đảng và chính quyền "phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ" 5...
Cho đến những dòng thiêng liêng cuối cùng để lại cho hậu thế, Người vẫn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” 6.
3 - Lịch sử dân tộc Việt Nam đã sang một trang mới từ mùa thu năm 1945. Quyền bình đẳng của phụ nữ cùng với nhiều quyền khác đã được khẳng định trên thực tế. Phụ nữ Việt Nam tham gia tích cực và đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng không quên lo chu toàn công việc gia đình, xứng đáng với lời khen tặng "Giỏi việc nước - Đảm việc nhà". Những giá trị truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy tích cực đã mang lại những hiệu quả to lớn trong cả hai cuộc cách mạng.
Thành tựu Đổi mới của đất nước đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho phụ nữ Việt Nam thêm cơ hội thực hiện quyền bình đẳng và phát triển. Cũng nhờ những cố gắng tự thân, nỗ lực bền bỉ, vượt lên những khó khăn, thách thức và cả những định kiến về giới mà vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam ngày càng được khẳng định. Phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn trên các mặt đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã được nâng dần lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của đại bộ phận chị em được cải thiện. Kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian qua đã được quốc tế đánh giá như một “điểm sáng”. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng với những đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ!” 7.
Trong bước chuyển mới của đất nước, chúng ta mở cửa để hội nhập và phát triển, để đón thời cơ trong một thế giới đầy biến động. “Cửa mở” cũng là cơ hội thâm nhập, lan tràn của những ô nhiễm (cả thiên nhiên và xã hội); của những bệnh tật (cả tinh thần và thể xác). Việc đẩy những giá trị cá nhân (nhiều khi chỉ là giá trị biểu kiến, tự đặt ra) lên quá cao đến mức cực đoan, thoát ly những giá trị văn hóa gia đình và cộng đồng truyền thống (mặc dù tốt đẹp) đã và đang dẫn tới những bi kịch.
Những phụ nữ "hiện đại" theo hướng này đã hoàn toàn không còn những nét đẹp truyền thống cả tinh thần lẫn thể chất. Việc hiểu một cách máy móc và không đầy đủ về sự bình đẳng và quyền bình đẳng đã dẫn đến sự bình quân, đến cách phân chia quyền lợi và nghĩa vụ của những người trong gia đình một cách gần như cơ học; sự tính toán lạnh lùng đang dần thay thế cho tình yêu thương, sự tinh tế và tấm lòng thông cảm, vị tha... Đó không chỉ còn là bi kịch của mỗi cá nhân, trong mỗi gia đình mà đã trở thành bi kịch mang tính xã hội. Nhiều tiếng chuông cảnh báo đã được gióng lên nhưng vấn đề vẫn còn đang mở, chờ những câu trả lời, những giải pháp và hành động mạnh mẽ của toàn xã hội. Đây là những nhiệm vụ khó khăn đang đặt ra trước mỗi người có trách nhiệm và lương tâm với tương lai đất nước. Khó khăn, nhưng không thể không làm...
Bài và ảnh: Ngô Vương Anh
---------------------
1 Hồ Chí Minh Toàn tập, (2011), Nxb CTQG, Hà Nội, Tập 15, tr 275
2 Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr 121; 122.
3 Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 12, tr 301
4 Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr 313
5 Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 13, tr 260
6 Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, Tập 15, tr 617
7 Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 7, tr 340.