Thị trường lao động còn nhiều thách thức

Các chuyên gia lao động khuyến nghị, trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần có những hành động tích cực để giải quyết một số thách thức về thị trường lao động thời gian tới.

Tăng trưởng việc làm còn bất cập


Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất điện thoại di động ở
KCN Yên Phong, huyện Yên Phong. Ảnh: Trần Việt

Hôm qua (23/6), lần đầu tiên Báo cáo về xu hướng lao động và xã hội Việt Nam được công bố. Nghiên cứu này do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thực hiện với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam. Báo cáo cho thấy thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta khá mạnh mẽ nhưng tốc độ tăng trưởng việc làm vẫn còn hạn chế. Mức độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 7,5%, trong khi đó tăng trưởng việc làm trung bình hàng năm giai đoạn 2000 - 2007 là 2,5%. Các chuyên gia cho rằng với một đất nước mà dân số tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao thì tăng trưởng việc làm với mức trên 2% là mức khá khiêm tốn.

"Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian vừa qua chủ yếu là tăng trưởng nóng. Nghĩa là tăng trưởng tập trung nhiều vào vốn. Đóng góp của lao động, đóng góp của năng suất lao động vào tăng trưởng kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tăng trưởng kinh tế", TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phân tích.

Nghiên cứu cho thấy sự dịch chuyển lao động theo cơ cấu ngành nhiều năm qua đã có dấu hiệu tích cực nhưng chất lượng lao động vẫn còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đã giảm từ 65,3% (năm 2000) xuống còn hơn 50% (năm 2007). Điều này góp phần đưa tổng năng suất lao động tăng thêm 5,1%/năm. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, năng suất lao động nước ta nhìn chung vẫn khá thấp, chỉ bằng 1/5 năng suất trung bình của khu vực ASEAN và bằng khoảng 1/10 năng suất của Xinhgapo. Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn khoảng 70%.

Ba thách thức chủ yếu

Thách thức thứ nhất, theo nhóm nghiên cứu là giải quyết áp lực do sự tăng trưởng nhanh về số lượng lao động. Từ năm 2010 - 2015, lực lượng lao động của nước ta sẽ tăng đáng kể, bình quân là 1,5%/năm. Với mức tăng này, Việt Nam trở thành nước có mức tăng tuyệt đối của lực lượng lao động, cao thứ 3 của khu vực ASEAN, chỉ sau Inđônêxia và Philíppin. Xu hướng này sẽ gây nên sức ép to lớn đến nền kinh tế vì phải tạo đủ cơ hội việc làm cho những người mới gia nhập lực lượng lao động. Ước tính, năm 2015, sẽ có khoảng 8,9 triệu thanh niên tham gia hoạt động kinh tế. Với lực lượng lao động trẻ tiềm năng này, cần có những hỗ trợ đặc biệt cho quá trình chuyển đổi từ ghế nhà trường sang môi trường làm việc như: Tăng khả năng tiếp cận của thanh niên với hệ thống hướng nghiệp, với thông tin thị trường lao động đầy đủ và hệ thống các cơ sở dạy nghề...

Thách thức thứ hai được chỉ ra là tăng năng suất lao động và tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam. Việc dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp tiếp tục là một động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, lao động xuất thân từ nông thôn trình độ thấp sẽ hạn chế việc tăng năng suất lao động nếu không có những giải pháp cần thiết.

Trong Dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của nước ta là 45%, năng suất lao động tăng 1,5 lần so với năm 2010. Song, "với năng lực thể chế và hạ tầng cơ sở còn hạn chế, chỉ tiêu này là thách thức to lớn đối với hệ thống giáo dục và đào tạo nghề hiện nay của nước ta", nhóm nghiên cứu kết luận. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hệ thống đào tạo nghề hướng tới thị trường lao động, đặc biệt là tăng cường hạ tầng cơ sở và mạng lưới hệ thống dạy nghề, cải thiện khả năng tiếp cận, nhất là cho phụ nữ và thanh niên nông thôn. Đồng thời, phải hỗ trợ cho lao động nông thôn tiếp cận đào tạo nghề ở cả đầu đi là vùng nông thôn và đầu đến là vùng đô thị.

Việc mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội cũng là vấn đề bức thiết của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015. Theo báo cáo, một trong những thách thức lớn nhất là tìm ra biện pháp để khai thác các tiềm năng phát triển và đồng thời vẫn bảo vệ được nhóm người nghèo nhất và nhóm người dễ bị tổn thương trước những nguy cơ và rủi ro về kinh tế, xã hội và môi trường ngày càng lớn. Nhóm cư dân dễ bị tổn thương gồm: Người nghèo, dân tộc thiểu số, phụ nữ, những người dễ bị tác động bởi mặt trái của cải cách thị trường và hội nhập...

Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu cho rằng cần có một chiến lược an sinh xã hội toàn diện để hỗ trợ người dân ứng phó với những rủi ro đe dọa thu nhập, chi tiêu và cuộc sống của họ. Ví dụ như việc Chính phủ chủ trương mở rộng dần diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội cùng với việc thúc đẩy hoạt động của chương trình bảo hiểm thất nghiệp và mở rộng diện bao phủ của nó. Song song với việc tăng cường hệ thống an sinh xã hội cần cải cách các quy định về thị trường lao động nhằm hỗ trợ người lao động trước một thị trường lao động linh hoạt nhưng cũng có nhiều biến động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN