Tập trung kiểm soát dịch bệnh

Để khống chế được dịch bệnh, bên cạnh việc giám sát vùng dịch, phát hiện sớm và tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm thì cần phải mạnh tay ngăn chặn việc buôn bán gia súc, gia cầm lậu.

 

Giám sát chặt, phát hiện dịch sớm

 

Hiện cả nước còn hai tỉnh là Long An và Sóc Trăng có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Theo Bộ NN&PTNT, các tỉnh này phải quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch. Cụ thể, cần hoàn thành việc tiêm phòng vắcxin bao vây ổ dịch, giao trách nhiệm cho chính quyền quản lý chặt ổ dịch, phát hiện các hộ có phát sinh lợn bệnh, tạm thời cấm vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn tại các huyện có dịch, tổ chức tiêu độc khử trùng liên tục để dịch không lây lan. Đồng thời, phải có phương án cụ thể bảo vệ đàn lợn tại các xã, phường chưa có dịch.


Đối với các tỉnh, thành phố khác cũng phải tăng cường công tác giám sát chặt địa bàn, nhất là những địa bàn giáp ranh vùng dịch. Cần rà soát kết quả tiêm vắcxin phòng bệnh nguy hiểm cho đàn lợn, tiêm phòng bổ sung cho những khu vực có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, phải chỉ đạo hệ thống thú y và chính quyền cơ sở chủ động rà soát diễn biến dịch bệnh trên đàn lợn, quán triệt thú y cấp xã phải báo cho cơ quan thú y cấp trên khi thấy lợn có dấu hiệu bệnh để có phương án xử lý kịp thời.


Riêng TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, để phòng chống dịch bệnh, quản lý và kiểm soát được lượng gia cầm từ các nơi vận chuyển về thì phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng thú y, lực lượng quản lý thị trường, công an giao thông, trong đó vai trò của các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông ở các cửa ngõ là rất quan trọng.


Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Các sản phẩm được vận chuyển từ các tỉnh miền Đông, miền Trung, miền Tây vào thành phố bằng các phương tiện, loại phương tiện công cộng và các tuyến đường khác nhau (đường tỉnh lộ, đường cao tốc, ngã rẻ, đường tắt…) gây nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý.


Thực tế một số phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật trái phép vẫn cố tình vượt trạm kiểm dịch hoặc che đậy tinh vi, có hành vi chống đối người thi hành công vụ khi bị kiểm tra. Thông thường các đối tượng này đối phó bằng cách cho người theo dõi quy luật hoạt động của lực lượng kiểm tra để chờ những lúc sơ hở sẽ vượt trạm, vận chuyển hàng vào ban đêm hoặc né trạm kiểm dịch động vật bằng cách cho xe đi vòng qua các tuyến đường khác.


Để ngăn chặn dịch bệnh xảy ra ở TP Hồ Chí Minh, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho biết: Ngành thú y thành phố đã phối hợp với chi cục thú y các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cùng kiểm tra lượng động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh nhập vào thành phố để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các quận, huyện tiến hành kiểm soát chặt chẽ tình hình vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban quản lý chợ, đoàn liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra, phát hiện và xử lý tịch thu tiêu hủy đối với các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc.

 

Kiên quyết “chặn” gà lậu


Thời gian qua việc nhập lậu và tiêu dùng gà thải loại không chỉ gây hại sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu thuế của Nhà nước mà còn có nguy cơ lây lan dịch bệnh và tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Vì thế, Bộ Công Thương đang soạn thảo đề án “Ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không được phép nhập khẩu” theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.


Theo dự thảo, Đề án sẽ được triển khai trong vòng 1 năm. Trong đó, từ ngày 15/12/2012 đến 15/2/2013 sẽ mở một đợt cao điểm ngăn chặn gà nhập lậu, sau đó sẽ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung cho các đợt kế tiếp.


Đề án cũng đặt ra mục tiêu phải kiểm soát và ngăn chặn việc nhập lậu gia cầm ở các tỉnh biên giới, đến 31/1/2013 chỉ để lọt không quá 30%, và đến 31/3/2013 không quá 20%. Đồng thời, đặt mục tiêu ngăn chặn vận chuyển gà lậu trên các đường quốc lộ trước khi tập kết các chợ, đến 31/1/2013 để lọt không quá 20%, đến 31/3/2013 không quá 10%. Đề án cũng đặt ra chỉ tiêu với hộ kinh doanh gia cầm đầu mối, đến 31/1/2013 không quá 10% số hộ còn kinh doanh gia cầm nhập lậu và đến 31/3/2013 không quá 5%.

 

Mạnh Minh

Nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh chăn nuôi
Nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định, những tháng cuối năm cùng với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng cao thì dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cũng có nguy cơ lây lan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN