Rắc rối thực hiện BHXH: Người lao động chịu thiệt thòi

Thời gian vừa qua, lực lượng thanh tra phát hiện hàng chục ngàn doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH. Một trong những nguyên nhân chính là quy định xử phạt chưa đủ sức răn đe.


Bên cạnh đó, nhiều quy định trong chi trả BHXH đang khiến người lao động chịu thiệt.

Đã có nhiều doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh phải hầu tòa vì nợ tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác “vô tư” vi phạm khiến hàng ngàn lao động bị mất quyền lợi trong việc hưởng các chế độ BHXH như: Ốm đau, bệnh tật, thai sản, hưu trí, trợ cấp thất nghiệp...

Chế tài chưa đủ mạnh

Thống kê của BHXH TP Hồ Chí Minh, năm 2010, có hơn 19.139 doanh nghiệp nợ BHXH của 687.130 lao động với tổng số tiền trên 373 tỷ đồng. BHXH TP.HCM cũng đã kiện 150 doanh nghiệp ra tòa, thu hồi trên 11 tỷ đồng và hiện tại đang khởi kiện 130 doanh nghiệp.

Quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo khi những bất cập của Luật BHXH được tháo gỡ. Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, trên địa bàn TP có nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách trốn tránh, đối phó hoặc chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.


Bên cạnh đó, quy định tính lãi chậm nộp BHXH thấp hơn lãi suất doanh nghiệp vay ngân hàng khiến nhiều doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt hơn là đi vay ngân hàng nộp phạt. Mặt khác, do các chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe doanh nghiệp. Thực tế, nhiều doanh nghiệp nợ hàng chục tỉ đồng khi bị thanh tra đã sẵn sàng nộp phạt, vì thà chịu mức phạt tối đa 30 triệu đồng hơn là phải đóng BHXH tới hàng chục tỉ đồng.

Có một thực tế, các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật BHXH để trốn đóng BHXH. Cụ thể, theo Luật BHXH thì tiền lương, tiền công hàng tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trên hợp đồng lao động.


Tuy nhiên, để giảm số tiền đóng BHXH, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách khai mức lương thấp, thậm chí có doanh nghiệp chỉ tham gia đóng BHXH cho người lao động theo mức lương tối thiểu. Từ đó, có tình trạng DN sử dụng 2 bảng lương cung cấp cho 2 cơ quan khác nhau. Với cơ quan BHXH, doanh nghiệp cung cấp bảng ít lao động và lương thấp để giảm số tiền đóng BHXH, còn với Cục Thuế doanh nghiệp lại khai báo nhiều lao động và lương cao.

Theo quy định trong Luật BHXH, người sử dụng lao động được giữ lại 2% số tiền đóng BHXH để kịp thời chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản cho người lao động, sau đó hàng tháng hoặc hàng quý quyết toán với cơ quan BHXH.


nhiên, theo ông Cao Văn Sang, nhiều doanh nghiệp nợ BHXH hoặc chủ bỏ trốn nên người lao động không thể nộp chứng từ để được thanh toán hưởng trợ cấp. Còn tại doanh nghiệp, người phụ trách chế độ BHXH thường xuyên thay đổi nên việc tính toán trợ cấp cho người lao động không kịp thời, thiếu chính xác. Bên cạnh đó, cũng theo đại diện BHXH TP Hồ Chí Minh, khi có sự thay đổi lương tối thiểu chung thì cách tính trợ cấp ốm đau, thai sản rất phức tạp và kéo dài.

“Nên sửa luật BHXH tại Điểm a Khoản 1 Điều 92 theo hướng: Hàng tháng, người sử dụng lao động nộp đủ 3% tiền lương, tiền công đóng BHXH vào quỹ ốm đau, thai sản; và sửa đổi Điều 17 Luật BHXH theo hướng: Hàng tháng, người sử dụng lao động tập hợp các chứng từ ốm đau, thai sản, dưỡng sức của người lao động nộp cho cơ quan BHXH. Căn cứ danh sách người lao động được cơ quan BHXH duyệt, người sử dụng lao động sẽ chi trả trợ cấp” - ông Cao Văn Sang kiến nghị.

Loay hoay xác định đối tượng

Bên cạnh vướng mắc trong việc xử lý doanh nghiệp nợ BHXH, việc quản lý, xác định đối tượng tham gia BHXH cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp.
Theo ông Cao Văn Sang, hiện vẫn chưa thể xác định chính xác số lao động đủ điều kiện tham gia BHXH trên địa bàn là bao nhiêu. Bởi, đối tượng thu của BHXH là người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên và nếu doanh nghiệp tự nguyện đi khai báo thì BHXH kiểm soát được. Tuy nhiên, số lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh của gia đình, doanh nghiệp nhỏ... không có công đoàn, doanh nghiệp không khai báo thì BHXH không thể nào kiểm soát được. Con số này ước tính mấy chục ngàn lao động.

Ông Đỗ Quang Khánh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, viện dẫn: Trong đợt kiểm tra ngẫu nhiên 51 DN theo danh sách do Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cấp phép, thì chỉ có 27 đơn vị đang hoạt động, còn 22 đơn vị đã… mất tích. Tuy nhiên, trong 27 DN hoạt động thì chỉ có 7 đơn vị đóng BHXH cho người lao động.

Rắc rối thủ tục, người lao động thiệt

Theo quy định Khoản 2, Điều 114 của Luật BHXH, để được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn giao thông, người lao động phải cung cấp bản sao biên bản của công an giao thông. Nhưng trên thực tế rất khó thực hiện điều này vì không phải tất cả các vụ tai nạn giao thông đều có công an giao thông đến lập biên bản.

Các chế tài hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp nợ BHXH hàng chục tỉ đồng, khi bị thanh tra đã sẵn sàng nộp phạt, vì thà chịu mức phạt tối đa 30 triệu đồng hơn là phải đóng nợ BHXH tới hàng chục tỉ đồng.

Biên bản tai nạn giao thông rất quan trọng vì nó cho biết vụ tai nạn xảy ra ở đâu, lúc mấy giờ, nhằm chứng minh người lao động có trên đường đi làm không. Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Sang, rất khó có được biên bản đó vì khi bị đụng xe, người ta chỉ nghĩ đến việc chở người bị nạn đi cấp cứu chứ ai đâu mà ngồi chờ công an giao thông tới lập biên bản. Còn công an giao thông cũng chẳng dám xác nhận khi không trực tiếp thụ lý hiện trường tai nạn. Trước đây, trong trường hợp này, người lao động chỉ cần làm một tờ giấy tường trình, có người bán vé số hay xe ôm xác nhận vào rồi mang tới công an phường xác nhận... để tới BHXH nhận trợ cấp.

Mặt khác, theo BHXH TP.HCM, việc xác định chế độ thương tật khi bị tai nạn giao thông cũng không phải dễ. Theo luật, khi xác định thương tật ổn định mới được hưởng trợ cấp BHXH, nghĩa là trong giấy xuất viện không có chữ “tái khám”, còn nếu yêu cầu tái khám thì vẫn tính. Tuy nhiên, không một bệnh viện nào khi cho bệnh nhân xuất viện mà không yêu cầu “tái khám”.


Người lao động khi không xin được giấy chứng nhận thương tật thì chuyển sang tính BHXH từ ngày ra giám định y khoa. Tuy nhiên thời gian xin giám định lại do doanh nghiệp quyết định, rồi mới đưa ra hội đồng giám định y khoa. Để có quyết định của hội đồng này phải mất cả tháng, thậm chí có người mất cả năm. Thời gian chờ đợi quá dài nên nhiều lao động đành phải từ bỏ quyền lợi mà họ đáng được hưởng từ việc đóng BHXH.


Ý KIẾN:

Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội:
Xác định trách nhiệm để làm tốt hơn

Qua nhiều cuộc khảo sát, tôi thấy việc thu tiền BHXH còn nhiều bất cập, trong đó có bất cập về quản lý đối tượng thu và mức thu. Dự kiến, trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội kỳ sau, chúng tôi sẽ kiến nghị sửa Luật BHXH sao cho việc quản lý nguồn thu và sử dụng quỹ BHXH tốt nhất, bảo đảm an sinh xã hội. Mặt khác, việc xác định đối tượng, cơ quan nào chính để chịu trách nhiệm hiện vẫn chưa làm rõ được vì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì bảo Sở Kế hoạch - Đầu tư chịu trách nhiệm, còn Sở Kế hoạch - Đầu tư thì bảo trách nhiệm thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội... Trong khi đó, BHXH chỉ là một đơn vị sự nghiệp không có quyền thanh tra, kiểm tra và phạt những DN trốn, nợ BHXH. Vì vậy, việc quản lý nguồn thu dự kiến sẽ giao cho cơ quan thuế.

Bà Trần Thị Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội):
Cục Thuế đang nghiên cứu

Hiện nay có rất nhiều ý kiến về nội dung thu BHXH. Có ý kiến cho rằng nên giao cho cơ quan thuế tổ chức thu. Tôi được biết hiện nay Cục Thuế (Bộ Tài chính) đang tiến hành đề tài nghiên cứu về nội dung trên, tuy nhiên đến nay chưa có kết luận cuối cùng.


“Nên để người lao động giữ sổ BHXH”

Thực tế hiện nay, mức xử phạt đối với doanh nghiệp (DN) trốn đóng BHXH vẫn thấp nên chưa đủ sức răn đe DN vi phạm; cơ quan BHXH lại không có chức năng thanh tra, xử phạt những trường hợp này. Theo ông Nguyễn Đình Khương (ảnh), Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cần sửa Luật BHXH và nên để người lao động giữ sổ BHXH.

Theo kết quả thanh tra việc thực hiện BHXH những năm gần đây, số DN chây ì đóng BHXH và số DN trốn đóng BHXH năm nào cũng lên đến hàng chục ngàn. Tại sao các DN vẫn vi phạm đều đều, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân căn bản nhất là mức xử phạt việc trốn tránh thực hiện nghĩa vụ BHXH đối với người sử dụng lao động còn thấp. Mặc dù, Chính phủ đã sửa, nâng mức xử phạt nhưng trên thực tế mức này vẫn chưa đủ sức răn đe. Một nguyên nhân nữa rất quan trọng là cơ quan BHXH chỉ có chức năng kiểm tra, phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm nhưng không có chức năng xử phạt.

Thực tế, có rất nhiều người lao động đến lúc về hưu mới phát hiện mình chưa đóng đủ BHXH. Theo ông, làm thế nào để hạn chế tình trạng này và đảm bảo quyền lợi cho người lao động?

Đây là lỗi của chủ sử dụng lao động chứ không phải của người lao động (NLĐ). BHXH đã giải quyết cho phép DN đóng riêng BHXH cho NLĐ về hưu để hưởng chế độ kịp thời. Tuy nhiên, ở tuyến huyện, nghiệp vụ yếu nên hướng dẫn không chu đáo cho DN ở các địa phương.

Do vậy, cần phải sửa luật. Hiện nay, chủ sử dụng lao động giữ sổ BHXH của NLĐ nên NLĐ không biết được DN đã đóng BHXH cho mình hay chưa, đóng bao nhiêu. Để đảm bảo quyền lợi NLĐ, BHXH sẽ kiến nghị nên để NLĐ giữ sổ BHXH. Như vậy, NLĐ sẽ biết mình đã được DN đóng hay chưa và mức đóng là bao nhiêu.

Xin cảm ơn ông!



Hoàng Tuyết - Minh Hương
thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN