Video hàng quán kinh doanh "bủa vây" phố đi bộ Hồ Gươm, phớt lờ biển cấm:
Phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm được UBND TP Hà Nội đồng ý cấp phép hoạt động trở lại trong bối cảnh bình thường mới từ ngày 18/3/2022, nhằm tạo điều kiện cho phát triển du lịch với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và tạo không gian đi bộ, vui chơi, thư giãn, giải trí văn minh, thanh lịch, xanh sạch đẹp cho người dân Thủ đô vào mỗi dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng hàng quán kinh doanh dịch vụ vi phạm quy định cấm trên tuyến phố đi bộ này có chiều hướng gia tăng, diễn ra ngang nhiên, gây mất trật tự, lộn xộn, thiếu văn minh đô thị.
Những hình ảnh hàng rong bủa vây vỉa hè, người bán hàng rong mời chào, đeo bám du khách tham quan phố đi bộ Hồ Gươm, cửa hàng bán trà đá, đồ ăn nhanh mọc lên như nấm, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... khiến người dân ơ nơi xa đến không có không gian thông thoáng để đi lại. Hầu hết số hàng quán này, ngoài số hộ dân có nhà mặt tiền trên tuyến phố, còn lại chủ yếu là những cá nhân từ nơi khác đến kinh doanh hàng quán tự phát. Mặc dù lực lượng công an, dân phòng phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở bắt giữ, xử phạt hành chính các cá nhân, hộ kinh doanh vi phạm, nhưng sau khi rút đi, mọi chuyện đâu lại vào đấy...
Đáng quan ngại, mặc dù có biển cấm kinh doanh các loại xe điện scooter trên vỉa hè, dưới lòng đường xung quanh tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, nhưng tại hai đầu và cuối phố Hàng Khay hay đoạn tuyến phố Đinh Tiên Hoàng trước cửa Nhà hát Múa rối Thăng Long từ lâu được các cá nhân, hộ kinh doanh tự ý "khoanh vùng" để dành chỗ cho thuê xe điện scooter các loại hoạt động, vừa gây cản trở người dân, du khách tham quan đi bộ, vừa gây lộn xộn, mất an ninh trật tự tuyến phố. Loại hình xe điện scooter thu hút sự tò mò, thích thú đối với trẻ em, thiếu nhi đi cùng gia đình dạo chơi, nhưng không ít lần gây nguy hiểm cho các bạn trẻ và người lớn khác vì bị xe scooter cỡ lớn đâm phải. Nhưng không hiểu sao, loại hình kinh doanh này vẫn tồn tại?...
Để thu hút du khách tham quan du lịch tuyến phố đi bộ Hồ Gươm, các đơn vị chức năng cần nhắc nhở, trường hợp cần thiết, phải có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị kinh doanh làm ảnh hưởng không tốt, nhằm tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, để tuyến phố đi bộ thực sự trở thành điểm hấp dẫn của Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành quy chế quản lý hoạt động trong không gian phố đi bộ Hồ Gươm và phụ cận. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 27/5/2022. Theo đó, các tổ chức, cá nhân không đi, để các phương tiện giao thông đường bộ trên hè, lòng đường và các vị trí công cộng khác trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, xử lý sự cố điện, xe thu gom rác và các phương tiện thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và xe lăn của người khuyết tật).
Đồng thời, không dừng, đỗ các phương tiện giao thông trước các điểm chốt ra vào của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không tổ chức biểu tình, tuần hành, tụ tập dòng người trái pháp luật; tuyên truyền các nội dung trái pháp luật; tổ chức các hoạt động gây mất trật tự công cộng; không mang vật nuôi, gia súc, gia cầm vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Các tổ chức, cá nhân khi mang phương tiện, dụng cụ, thiết bị âm thanh vào trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để tổ chức hoạt động phải xuất trình văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức hoạt động...
Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong thời gian hoạt động của không gian đi bộ phải kê khai, đăng ký kinh doanh, chỉ được phép kinh doanh các mặt hàng phù hợp với quy hoạch theo phương án tổ chức hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch được TP Hà Nội phê duyệt (bao gồm: Các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống; hoạt động tổ chức các chương trình, sự kiện về văn hóa, nghệ thuật, xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư, dịch vụ văn hóa, thể thao, nghệ thuật, giải khát, ăn nhanh), đóng nộp các khoản thuế, lệ phí theo quy định; sử dụng đúng phạm vi diện tích kinh doanh được phép; kinh doanh đúng giờ, không bày hàng hóa, vật dụng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Tổ chức, cá nhân trông giữ phương tiện giao thông phải được cấp phép, không thu phí trông giữ xe quá giá quy định tại các tuyến phố phụ cận với các tuyến phố trong không gian đi bộ...
Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các đơn vị như UBND quận Hoàn Kiếm, Công an TP Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Y tế, Tổng công ty Điện lực Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm; Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội; UBND các phường thuộc phạm vi không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận...
Theo quyết định 159 của TP Hà Nội, các tuyến phố (khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận) cấm phương tiện lưu thông từ 19 giờ Thứ Sáu đến 24 giờ Chủ Nhật gồm: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Lê Thái Tổ (1/2 đường Lê Thái Tổ phía bên hồ Hoàn Kiếm, đoạn từ Hàng Trống đến Hàng Khay), Lê Lai (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Tràng Tiền (đoạn từ Ngô Quyền đến Hàng Bài), Lò Sũ (Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Hàng Dầu (Đinh Tiên Hoàng đến Cầu gỗ), hồ Hoàn Kiếm, Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Hàng Bài (đoạn từ Hai Bà Trưng đến Hàng Khay), Bảo Khánh (đoạn từ Ngõ Bảo Khánh đến Lê Thái Tổ).
Điểm c khoản 3 Điều 8 ghị định 100/2019/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2019, xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện chịu mức phạt tiền từ 200.000 - 300.000 đồng nếu mắc lỗi đi vào đường cấm, khu vực có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.