Hà Nội tổng xử lý học sinh phạm luật giao thông

Mặc dù tại các trường học, các tổ chức đoàn thanh niên cơ sở và các tổ chức đoàn thể khác, Luật Giao thông đường bộ đã được tuyên truyền sâu rộng đến các bậc phụ huynh, học sinh, thanh thiếu niên, đoàn viên, nhưng tình trạng các bạn trẻ tham gia giao thông vi phạm luật vẫn diễn ra phổ biến.

 

Học sinh trường Nguyễn Trãi (Hà Nội) vi phạm luật giao thông. Ảnh: Văn Điệp-TTXVN

Trước thực tế này, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Hà Nội đang tập trung tổng kiểm tra, phát hiện và xử lý tất cả các trường hợp vi phạm, trong đó chú trọng vào các đối tượng chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường. Đặc biệt, khi năm học mới đã bắt đầu, thì tình trạng học sinh vi phạm giao thông càng cần phải được các lực lượng chức năng phối hợp với các trường học tăng cường xử lý.

 

Dấu hiệu “nhờn” luật giao thông


Từ trung tuần tháng 8/2012, các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông tại Hà Nội đã bắt đầu nhập học, mùa tựu trường đã bắt đầu. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian tình trạng nhiều bạn trẻ đi xe máy đến trường vi phạm Luật Giao thông đường bộ như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ... có dầu hiệu gia tăng trên các đường phố Thủ đô.


Ðể ngăn chặn những hành vi này ngay từ đầu năm học mới, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội) đang tập trung ra quân tổng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.


Theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, đến nay sau khoảng một tuần triển khai tổng kiểm tra xử lý học sinh vi phạm luật giao thông đã phát hiện nhiều trường hợp các bạn trẻ có biểu hiện coi thường các quy định pháp luật.


Ngoài hàng trăm trường hợp bị xử phạt do cố tình mang theo mũ bảo hiểm trên xe, nhưng vẫn để đầu trần điều khiển xe gắn máy; vượt đèn đỏ; phóng nhanh; lạng lách, tụ tập dưới lòng đường gây cản trở giao thông... đáng chú ý là có nhiều trường hợp còn ngang nhiên đi xe gắn máy mang biển số giả. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp sau khi kiểm tra giấy tờ xe, lực lượng cảnh sát giao thông còn phát hiện một số học sinh lớp 10, chưa đủ tuổi đi xe gắn máy, nhưng có mang theo cả hung khí và bình xịt hơi cay giấu trong cốp xe máy...


Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nước ta, đáng nói là hơn 70% nguyên nhân gây tai nạn ở nhóm tuổi 15 - 19 liên quan đến việc đi xe gắn máy.


Còn theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, những người chưa đủ 18 tuổi chưa được phép thi bằng lái điều khiển xe gắn máy từ 70 cm3 trở lên, thế nhưng ở Hà Nội và các thành phố lớn, tình trạng học sinh “phớt lờ” luật, đi xe gắn máy phân khối lớn vẫn diễn ra phổ biến. Có mặt tại cổng các trường trung học phổ thông như Trần Phú, Việt - Đức (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Trãi (quận Ba Đình)... không khó để có thể thấy cảnh học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đa số các em điều khiển xe gắn máy khi chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe.


Do bị nhà trường cấm, nên các em thường gửi xe ở nơi khác và đi bộ vào trường. Khi được hỏi đa phần học sinh cho biết, đi xe máy khi chưa đủ tuổi là phạm luật nhưng vẫn cố tình vi phạm vì nhiều lý do khác nhau.


Tập trung xử lý tình trạng học sinh đi xe máy đến trường Thượng tá Nguyễn Duy Ngọc, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội): Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay các chuyên đề về xử lý học sinh đi xe máy đến trường sẽ được thực hiện chặt chẽ, kiên quyết hơn, nhằm giải quyết triệt để tình trạng này. Từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc tăng cường xử phạt các hành vi vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tích cực phối hợp với các gia đình, nhà trường và xã hội để tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên chấp hành Luật Giao thông đường bộ, để từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng. Các điểm trông xe gián tiếp tiếp tay các em vi phạm Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an TP Hà Nội): Những điểm trông xe này hoạt động thoải mái về giờ giấc, nhận trông giữ xe cho học sinh dễ dàng mà không bị ai quản lý. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có điều kiện mua xe cho con em mình đi học để đỡ vất vả ngay từ khi mới vào học bậc trung học phổ thông. Điều này cũng là hành động tiếp tay cho các em vi phạm luật giao thông, còn nhà trường thì cũng chưa xử lý nghiêm. Sự phối hợp thiếu chặt chẽ này nếu không sớm khắc phục sẽ khó lòng ngăn chặn lỗi vi phạm của học sinh.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên thì đa phần các nhà trường đến nay đều chưa xử lý được tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông, vì hầu hết các hành vi vi phạm của các em diễn ra ngoài đường, do đó các nhà trường khó kiểm tra, giám sát.


Bên cạnh đó, thực hiện Thông tư 38/BCA (ngày 12/10/2010) của Bộ Công an quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, thì đến nay, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt đã chuyển hàng chục ngàn giấy thông báo về các nhà trường để kiểm điểm giáo dục học sinh, sinh viên vi phạm, nhưng hình thức xử phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe đối với các bạn trẻ. Thực tế này ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giáo dục học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên ý thức chấp hành luật.


Nhiều năm nay, ngành giáo dục đã ban hành các quy định cấm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy tới trường. Các cơ quan chức năng cũng có nhiều biện pháp mạnh tay, nhiều đợt ra quân rầm rộ, nhưng tình trạng học sinh vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn diễn ra, từ năm học này qua năm học khác.


Một số em không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ, thường xuyên vi phạm luật giao thông. Nhiều gia đình có điều kiện, do quá nuông chiều con em mình đã không giáo dục và giám sát về việc thực hiện luật an toàn giao thông. Thậm chí có gia đình đã "tiếp tay" cho vi phạm thông qua việc mua sắm hoặc giao xe máy cho con em tới trường khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có bằng lái xe.


Mặt khác, sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với các nhà trường trong việc giáo dục, quản lý giám sát việc đi lại của học sinh cũng chưa chặt chẽ, khiến cho tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến, không chỉ gây nguy hiểm cho chính các em học sinh, mà còn ảnh hưởng người tham gia giao thông khác.

 

Mạnh tay xử lý vi phạm


Để đợt tổng kiểm tra xử lý học sinh vi phạm luật giao thông lần này đạt hiệu quả cao, lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe và phối hợp chặt chẽ với các trường nâng cao ý thức tự giác cho học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học mới


Theo đó, mỗi đội cảnh sát giao thông thành lập tổ công tác mạnh, bố trí quân số được phép hóa trang, mật phục để phối hợp với những tổ tuần tra kiểm tra vi phạm và xử lý công khai các trường hợp vi phạm bị phát hiện, trong đó chú trọng các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy tới trường. Những trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm đều được các đội cảnh sát giao thông thông báo lỗi về nhà trường, gia đình và phải có xác nhận của những nơi này thì các trường hợp vi phạm mới được giải quyết.


Riêng các điểm nhận trông giữ xe cho học sinh, sinh viên vi phạm, Phòng CSGT Hà Nội cũng sẽ phối hợp với công an các phường sở tại, Thanh tra giao thông... kiểm tra, lập biên bản xử lý nếu có dấu hiệu sai phạm.


Đáng lưu ý là theo ghi nhanh của phóng viên tại các điểm xử phạt vi phạm giao thông, khoảng 70% số trường hợp học sinh, sinh viên khi bị phát hiện, bắt giữ đều gọi điện thoại cầu cứu người thân. Thậm chí, khi bị dừng xe có em còn tuyên bố có người nhà làm trong ngành công an hoặc sếp nọ sếp kia để gây sức ép.


Thực tế này cho thấy sự buông lỏng quản lý, nuông chiều thái quá của nhiều gia đình, vô tình tạo thói quen xấu cho không ít bạn trẻ. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, tất cả các trường hợp vi phạm đều kiên quyết xử lý theo đúng thẩm quyền, đảm bảo không để “lọt lưới.


Trao đổi về vấn đề quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên nói không với vi phạm luật giao thông tại một số trường, nhiều thầy cô giáo cho rằng: “Việc học sinh đi xe máy đến trường khi chưa đủ tuổi là do sự nông nổi của tuổi trẻ, do gia đình thiếu sự quản lý và giáo dục con em. Nhiều chủ cơ sở, chủ hộ kinh doanh trông giữ xe cũng đã tiếp tay cho sự vi phạm của các em”.


Do đó, để xử lý những trường hợp vi phạm thì cần có sự phối hợp của nhiều cấp, ngành, trong đó, sự quản lý của gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội cũng rất quan trọng, trong đó, nhà trường và gia đình phải kết hợp giữa tuyên truyền và giáo dục học sinh, gia đình không nuông chiều con em và lực lượng cảnh sát giao thông phải xử phạt nghiêm khắc để răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm.

 


Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN