Do ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu, kết hợp với tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây phát triển và mở rộng về phía Đông Nam, ngày 4/3, nhiệt độ các địa phương trong tỉnh Lào Cai tăng dần. Đặc biệt, loại gió địa phương ấm, khô nguy hiểm Ô Quý Hồ đã quay trở lại, tiếp tục đe dọa những cánh rừng tại Sa Pa.
Gió Ô Quý Hồ bắt đầu nổi lên tại thị xã Sa Pa từ trưa 3/3. Lúc 19 giờ cùng ngày, Trạm Khí tượng Sa Pa quan trắc được bầu trời ít mây. Nhiệt độ tăng cao đột ngột và đạt mức 18,3 độ C; cao hơn ngày hôm trước tới 11,1 độ C; gió hướng Tây, tốc độ 4m/s, độ ẩm giảm xuống còn 60%. Theo các chuyên gia khí tượng, với bản chất ấm khô nên mỗi khi xuất hiện, gió núi Ô Quý Hồ sẽ đẩy cấp báo động cháy rừng tại Sa Pa tăng lên mức nguy hiểm đến cực kỳ nguy hiểm (cấp IV, cấp V).
Ngày 4/3, vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam. Theo đó, gió Ô Quý Hồ thổi dữ dội hơn và lan tỏa ra diện rộng, nhiệt độ tiếp tục gia tăng, độ ẩm thấp nhất giảm xuống còn 30 - 35%. Hiện vùng áp thấp nóng phía Tây tiếp tục phát triển và mở rộng về phía Đông Nam. Dự báo, trong những ngày tới, gió Ô Quý Hồ sẽ thổi mạnh hơn, nhiệt độ tiếp tục gia tăng. Đợt gió này có khả năng kéo dài thêm vài ngày nữa.
Các cấp chính quyền, người dân thị xã Sa Pa đang tăng cường cao nhất công tác bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng đặc biệt trong thời điểm gió Ô Quý Hồ vẫn hoạt động mạnh. Cơ quan chức năng khuyến cáo, biện pháp tốt nhất là thiết lập thêm các chòi canh lửa cơ động; tích cực tuần tra, giám sát cháy hằng ngày, phát hiện và xử lý kịp thời khi có cháy nhỏ; thực hiện nghiêm phương án “4 tại chỗ” trong công tác ứng cứu nếu cháy xảy ra để giảm thiểu mọi thiệt hại.
Lần gần nhất gió Ô Quý Hồ hoạt động vào thời điểm từ ngày 19 - 23/2/2024, trên địa bàn thị xã Sa Pa đã phát sinh các điểm cháy rừng trong khu vực Vườn Quốc gia Hoàng Liên, xã Tả Van và một số xã lân cận. Tổng diện tích bị cháy khoảng 36,97 ha. Trong đó có, 6,77ha rừng trồng thay thế trong giai đoạn đầu tư năm thứ 3 thuộc dự án trồng rừng thay thế trong phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên, giai đoạn 2021 - 2027; còn lại 30,2 ha chủ yếu là rừng không có trữ lượng, rừng nghèo, cỏ tranh, lau lách và thảm thực bì.