Tái cơ cấu mạng lưới y tế cơ sở:

'Bắt bệnh' cho 'xương sống' ngành y

Mạng lưới y tế cơ sở vốn được coi như “xương sống” của ngành y vì bao gồm những đơn vị y tế gần dân nhất, có thể phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản ( gần 80% bệnh tật). Do đó, việc “tái cơ cấu” mạng lưới y tế cơ sở là hết sức cần thiết nhằm cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng, không chỉ tiết kiệm cho người bệnh mà còn giải quyết căn cơ tình trạng quá tải bệnh viện.

Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm y tế xã Vĩnh Trung (Hậu Giang) mới được đầu tư xây dựng.



Tuy có vai trò rất quan trọng trong hệ thống y tế nhưng lâu nay, mạng lưới y tế cơ sở vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Vậy nên, đến nay, nhiều trạm y tế đang xuống cấp, nhiều bệnh viện (BV) huyện đang thiếu nhân lực, nhiều trung tâm y tế dự phòng chưa đủ trang thiết bị, thậm chí còn phải đi “ở nhờ”…
Người bệnh dửng dưng với trạm y tế

Về tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) bao gồm các đơn vị y tế từ tuyến huyện trở xuống, gồm: BV quận/huyện, trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã/phường/thị trấn, y tế thôn bản. Trong đó, trạm y tế xã/phường, BV quận/huyện là những đơn vị y tế trực tiếp triển khai nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám, chữa bệnh cho người dân; còn trung tâm y tế huyện chủ yếu triển khai các hoạt động y tế dự phòng.

Thế nhưng, hiện nay, do thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao… nên người dân chưa tin tưởng vào chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến YTCS. Nhiều trạm y tế (TYT), BV huyện vì vậy rất vắng vẻ còn các BV tuyến tỉnh, đặc biệt tuyến trung ương lại luôn quá tải trầm trọng.

Khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại TYT phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh, cho thấy, tại đây được cấp hầu như đủ các trang thiết bị y tế để thực hiện được các kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, như BS Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng TYT phường 16, cho biết: “Trung bình mỗi ngày chỉ có 4 - 5 bệnh nhân đến khám cho dù TYT cũng triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Nguyên nhân có thể do người dân vẫn chưa tin tưởng các TYT phường/xã”.

Theo bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, các TYT phường/xã ở khu vực ngoại thành, xa thành phố như Củ Chi, Cần Giờ, Hóc Môn... đang hoạt động mạnh và thu hút được người bệnh. Còn ở nội thành, tập trung nhiều BV lớn, phòng khám đa khoa nên khó thu hút bệnh nhân đến khám tại TYT.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế:

“Cần tăng cường đầu tư và xác định trọng điểm” Cần tăng cường đầu tư cho YTCS. Hiện nay, việc đầu tư cho YTCS thường được bố trí lẫn vào đầu tư cho y tế dự phòng, trong khi ngay cả đầu tư cho y tế dự phòng cũng chưa được bố trí đủ theo chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao. Mặt khác mạng lưới YTCS rất rộng lớn, nên không thể cùng một lúc đầu tư dàn trải mà phải xác định trọng điểm. Ngành y tế cần cầm nhắc việc quy hoạch xây dựng BV liên huyện thay vì mỗi huyện có 1 BV như hiện nay. Hay TYT phường ở các đô thị lớn, nơi đã có BV liệu có cần bố trí bàn đỡ đẻ và nữ hộ sinh hay không…

Tại Hà Nội, tình hình cũng tương tự. Nhiều TYT dù được trang bị đầy đủ, cơ sở vật chất khang trang nhưng vẫn vắng hoe. Chị Nguyễn Thị Thắng, quận Hai Bà Trưng Hà Nội chia sẻ, đã từ lâu, chị và người thân trong gia đình thường lên thẳng BV tuyến Trung ương, không đi khám đúng tuyến tại TYT hay BV quận/huyện nữa. Bởi lẽ mẹ và chị gái của chị Thắng đã suýt chết vì khám chữa bệnh tại tuyến y tế này.

Chị Thắng kể: “Chị gái tôi bị đau ruột thừa nhưng bác sĩ tại tuyến YTCS lại chẩn đoán là đau bụng giun và cho thuốc tẩy giun. Nhưng do chị tôi bị đau bụng ngày càng dữ dội, bất thường nên gia đình vội vã đưa lên BV Việt Đức để khám và mổ ruột thừa cấp cứu kịp thời. Bác sĩ nói, chỉ chậm chút xíu nữa thì tình hình rất nghiêm trọng”.

Tại các BV huyện, mặc dù nhiều nơi đã được đầu tư cải tạo, xây mới khang trang từ nguồn trái phiếu Chính phủ nhưng do thiếu cán bộ y tế nên người dân cũng không mấy mặn mà. TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho biết: “Thực tế, nhiều người bệnh vào BV tuyến huyện khám nhưng sau đó vì e ngại chất lượng khám, chữa bệnh, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế nên họ bỏ hết các kết quả xét nghiệm đã điều trị và vay mượn để lên BV Trung ương để điều trị. Do đó, muốn thu hút bệnh nhân thì YTCS cần được hỗ trợ nhiều hơn về nhân lực và trang thiết bị…”.

Cán bộ bỏ bằng cấp để… “nhảy việc”

Chia sẻ những khó khăn về nhân lực và trang thiết bị, nhiều đại diện Sở Y tế cho biết, việc thu hút bác sĩ có trình độ về công tác tại các bệnh viện tuyến tỉnh hiện nay còn khó khăn, chứ nói đến về làm việc ở bệnh viện huyện hay TYT. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều đơn vị YTCS hiện đã bị xuống cấp, chưa được cải tạo hoặc đầu tư thêm trang thiết bị. Trong khi đó, chế độ lương bổng cho cán bộ thì thấp, cơ hội nâng cao tay nghề hầu như không có vì ít bệnh nhân, ít có cơ hội đào tạo nâng cao chuyên môn… Như tại tỉnh Lai Châu, dù đã có chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ riêng nhưng mỗi năm toàn tỉnh mới có 1- 2 bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy về công tác. Trong khi nhu cầu của toàn ngành y tế Lai Châu cần 600 bác sĩ thì đến nay mới chỉ đáp ứng được 50%. Đó là chưa nói đến chuyện 3 năm trở lại đây, đã có 23 bác sỹ chuyên tu bỏ Lai Châu về xuôi công tác. Trong đó, nhiều bác sĩ sẵn sàng bỏ lại hồ sơ, chứng chỉ, bằng cấp, các chế độ bảo hiểm, phụ cấp để “ra đi”.

Theo đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, ngoài các bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa huyện và bệnh viện đa khoa khu vực liên huyện đã được đầu tư tương đối về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì các trung tâm y tế huyện, nơi đã tách riêng bệnh viện, chỉ làm nhiệm vụ dự phòng - hầu như chưa được quan tâm đầu tư. Do đó, cơ sở vật chất của nhiều trung tâm đã xuống cấp, chưa có trang thiết bị, nhiều nơi còn chưa có cơ sở, phải ở tạm… nên không thể thu hút cán bộ y tế về công tác.

Đến nay, tỷ lệ các TYT kiên cố, bán kiên cố cũng chưa có sự thay đổi nhiều. Theo thống kê của Bộ Y tế (năm 2012), trong số 10.997 TYT xã có báo cáo thì có 408 xã chưa có nhà trạm hoặc mới chỉ là nhà tạm và 2.772 TYT xã dột nát, xuống cấp (25,2%), số trạm cần xây dựng mới là 3.180, cần được sửa chữa lớn, nâng cấp là 3.597 trạm. Khảo sát tại một số địa phương cho thấy các TYT thiếu đến 44% số danh mục trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định. Những nhóm trang thiết bị thiếu nhiều nhất là trang thiết bị sản khoa (thiếu 68,6%) và trang thiết bị khám, điều trị (thiếu 50,7%).

Từ thực trạng YTCS nêu trên cho thấy, ngành y tế và các địa phương hẳn sẽ phải triển khai đồng bộ rất nhiều giải pháp mới có thể tái cơ cấu được mạng lưới YTCS. Trong đó, vấn đề mà người bệnh quan tâm nhất đó là chất lượng cán bộ, chỉ khi nào người bệnh tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ tuyến cơ sở thì khi ấy tình trạng “nơi quá tải, chỗ đìu hiu” mới có cơ may được giải quyết.

P.Liên - Đan Phương - TTN


Tập trung đầu tư cho vùng khó khăn
Tập trung đầu tư cho vùng khó khăn

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho mạng lưới YTCS trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN