Tôi nhớ mãi lần cuối được gặp cô, cũng là sau nhiều năm xa cách. Lúc đó cô nằm liệt giường, một người già bước vào giai đoạn cuối của cuộc đời như bao người khác, có điều đây là cô giáo đã dạy tôi từ hồi mười ba, mười bốn tuổi.
Ngày ấy cô tết tóc đuôi sam, thật dài. Cô mặc áo ga-ba-din màu ghi nhạt, đồng phục của lưu học sinh Khu Học xá Trung Ương. Cô không cười, nhưng tươi sáng, nhẹ nhõm đi sánh đôi bên thầy. Thầy cao lớn, vạm vỡ, mặt chữ điền, râu quai nón cạo nhẵn, áo bộ đội bốn túi, đi hiên ngang, đúng một chiến sĩ Điện Biên trở về. Bọn trẻ mới lên cấp II chúng tôi chỉ trỏ, bàn tán. Cô sẽ dạy Trung Văn, còn Thầy thì dạy văn.
Bây giờ thầy một giường, cô một giường. Thầy không bị liệt nhưng đã phải mổ tim. Thời gian vô tình trôi mà tàn phá sức khỏe người ta ghê gớm. Tôi ái ngại nhìn thầy, nhìn cô xót xa. Thầy cô cười cười ngụ ý: Đấy, giờ thầy cô là như thế này đây. “Sông có khúc, người có lúc”, cũng là công bằng thôi, nửa thế kỷ chèo đò. Tôi may mắn là người khách trong chuyến đò đầu tiên khi cô bước vào đời nhà giáo. Cô cầm phấn viết hai chữ “Trung Văn” bằng chữ Nho lên bảng và nói: “Chữ Trung Quốc mỗi chữ là một hình vẽ”. Cô dặn nét nào viết trước, nét nào viết sau. Cô nói tiếng Bắc Kinh hệt một cô gái Hoa trong phim Trung Quốc. Tôi tiếc chỉ được học cô có hai năm, lên lớp 7 đã phải bỏ học đi kéo xe bò phụ giúp gia đình. Một lần gặp tôi đẩy xe bò lên dốc, cô cười nhìn bằng ánh mắt cảm thông.
Trong chiến tranh tôi cũng có dịp ghé thăm thầy cô. Hôm ấy chiều đã muộn, tôi dắt xe đạp chuẩn bị qua phà. Thầy cô đang ở đây, ngôi nhà tranh đơn sơ dưới tán cây trám cổ thụ. Nghe nói khi mẹ thầy mất, quan tài không khiêng được qua cửa chính, phải đưa ra bằng cửa sổ. Ngoài sân, thầy mặc quần cộc, áo may ô, xoay trần sửa lại chiếc xe đạp cũ. Trông thầy vất vả quá. Từ trong bếp đặc khói, cô chúi đầu chạy ra gọi tên tôi, tóc đầy tro rơm rạ. Cô bưng rổ rau muống ra bờ giếng. Mấy đứa trẻ sàn sàn bằng nhau đang chơi ngẩng lên nhìn khách lạ. Ngày ấy nhà giáo là nghèo nhất, nhưng được cả xã hội kính trọng. Hình như các thầy giáo tốt đều nghèo và để lại trong lòng học trò những kỷ niệm khó quên.
Một sáng mùa đông, đầu giờ là tiết Trung Văn của cô. Trống vào lớp đã đánh được một lúc, chúng tôi ngồi yên vị ngóng ra ngoài, mãi vẫn không thấy cô đến. Vì cô ở gần trường, chúng tôi quyết định kéo đến nhà xem sao. Cửa khép, chúng tôi gõ gõ phên liếp một hồi rồi cứ thế đẩy vào. Cô nằm lả trên giường, mặt tái nhợt, ra dấu vẫy mấy bạn nữ lại. Cô nhờ mấy bạn nữ thay giúp quần áo, rồi các bạn trai cáng cô đi cấp cứu. Đêm hôm trước cô thức đến mười hai giờ để làm bột sắn dây, kinh tế phụ của gia đình. Mài củ sắn thành bột chỉ cần kiên trì, nhưng lọc bột khá vất vả. Nậy lớp bột lắng xuống đáy thùng là việc nặng nhọc, có khi bật cả móng tay.
Bột quánh như đất sét, bám chặt vào đáy thùng. Khó khăn lắm mới cậy được miếng nhỏ, bóp cho tan trong nước lạnh. Vì vội, cô nhúng cả hai tay vào làm. Dầm nước suốt từ chập tối, bỗng cô thấy ớn lạnh, rùng mình đau thắt ruột, vội lau qua hai cánh tay, lên giường kéo chăn đắp. Sáng ra cả nhà đi làm, trẻ con đi học, yên chí để cô ngủ yên, vì đêm qua thức khuya. Cô bị xuất huyết dạ dày phải nằm viện. Lớp chia thành nhiều tốp chăm sóc cô và lo việc nhà. Trên giường bệnh, lúc tỉnh cô vẫn nở nụ cười hiền hậu cám ơn tụi nhỏ chúng tôi và nói: "Bột sắn dây là thứ giải khát mùa hè, nhưng lại được làm vào mùa đông. Nó chỉ ưu ái người ăn thôi, chứ không thương người làm". Tôi nhớ mãi câu này.
Nhìn cô nằm liệt giường, tôi nhớ ngay đến những năm tháng ấy và nói: "Cô hành hạ thân xác mình nhiều rồi, bây giờ nó đòi nợ đấy!". Đúng vậy, những năm quan hệ quốc tế khó khăn, cô phải nghỉ dạy trông thư viện và cuốn thuốc lá để cải thiện. Cô tiếc chữ nghĩa thánh hiền, đành lấy hai chữ "thời thế" để tự an ủi mình. Về hưu, tiếng Hoa lại lên ngôi. Nhiều người cắp sách đến xin học, cô tận tình dạy nhưng không lấy tiền. Hình như đồng tiền làm cho con chữ mất thiêng, và vì thế cứ bán cơm bụi vỉa hè để có thêm thu nhập.
Trưa hôm ấy trời oi bức, nắng như đổ lửa, người đi đường vội vã tìm bóng mát trú chân. Tôi ngồi quán cóc uống nước nhìn vỉa hè xi măng bỏng rẫy, hầm hập, dình dình bốc lên một chất lỏng vô hình, làm biến dạng cả những vật phía sau. Chợt thấy một bà già lưng áo đẫm mồ hôi, chụp chiếc nón lá cũ, gục mặt xuống chậu nước rửa bát. Bà định nhấc chậu nước bưng đi đổ nhưng bị nó níu lại ngồi phệt xuống thở. Tôi chạy đến bưng giúp thì nhận ra cô. Cô tranh thủ rửa bát đĩa, phơi khô trước khi khách đến.
Nom cô già xọm, tóc bạc trắng, da nhăn nheo đồi mồi. Tôi bảo để tôi mua hết cơm cho thợ. Không được, cô từ chối, vì sẽ có người đói. Tôi hỏi họ ăn tháng chăng. Cô lắc đầu: "Ăn tháng thì không, nhưng trưa nào họ cũng đến. Nếu họ không đến, cơm ế dành cho bữa tối của gia đình. Lãi là ở chỗ ấy". Chao, cô giáo tôi nhiều nghề quá. Nuôi lợn, trồng sắn dây, khâu vá thuê, đan len mướn, dán túi nilon, cuốn thuốc lá, làm bánh rán, nấu chè đậu đen, bán nước vối, cơm bụi vỉa hè... Cô là tất cả đại học nông nghiệp, bách khoa, thương nghiệp, tổng hợp... cộng lại. Rõ khổ cho nhà giáo thời bao cấp, dạy học chỉ là nghề phụ thôi.
Ngôi nhà thầy cô đang ở bây giờ chính là quà tặng của học sinh cũ chúng tôi. Bao nhiêu năm bôn ba lý tưởng, học thêm nhiều thầy cô nữa, nhưng Tết ấy tự nhiên chúng tôi nhớ đến thầy cô cũ và rủ nhau đi chúc Tết. Nhắc đến tên thầy cô chúng tôi trẻ lại và gần nhau hơn, thân thiết như ruột thịt. Sau Tết chúng tôi quyết định xúm vào xây tặng thầy cô một ngôi nhà. Người góp tiền, kẻ góp sức, riêng tôi nhận chân vận chuyển vật liệu vì sở hữu hai chiếc xe tải. Ai cũng nghĩ phải làm cái gì đó cho thầy cô. Nhà xây xong, cô làm bữa bún chả mừng tân gia.
Các bạn nữ xắn tay áo trổ tài, cô bảo riêng món nước chấm để cô, vì chỉ cô mới biết mắm muối, tỏi ớt để ở đâu. Thật tình cô chưa tin lắm vào khả năng của họ, mặc dù họ cũng đã là những ông nội bà ngoại cả rồi. Thầy trò quây quần bên mâm cơm giải chiếu giữa nhà, xuýt xoa vì cay chảy cả nước mắt, nhìn nhau tóc đã trắng đầu. Gặp nhau đông đủ thế này có phải là lần cuối không? Chúng tôi vẫn "mày tao" như ngày nào, khiến đám cháu nội ngoại của thầy cô trố mắt ngạc nhiên. Hôm ấy cô cho chúng tôi xem lại ảnh lớp chụp ngày xưa, nước ảnh đen trắng đã ố vàng, có chỗ loang lổ, phải dùng cây tăm chỉ vào những khuôn mặt non choẹt bằng hạt đậu xanh để gọi tên từng đứa.
Tôi hỏi cô làm sao có thể nhớ hết tên học sinh trong đời dạy học của mình. Cô bảo cô chỉ nhớ những học sinh cũ, càng cũ càng nhớ, những lứa sau này thì lại quên. Bây giờ nhiều người trong chúng tôi cũng làm thầy giáo, có người là giáo sư, song đó là nghề bán chữ. Dạy bao nhiêu giờ, mỗi giờ bao nhiêu tiền, hết hợp đồng thì thanh lý, thế thôi. Một khi chữ nghĩa trở thành hàng hóa trong thị trường chất xám, thì nó phải theo qui luật thị trường. Phải có hàng thật, hàng giả, học trò là khách hàng, tức thượng đế. Có lần bạn tôi dạy thuê luyện thi, thấy có trò ngồi gác chân lên bàn, định đuổi liền bị chặn lại: "Không được, vì bố nó đóng tiền rồi!".Thầy phải nghiêm, mà muốn nghiêm được phải đúng, phải trong sáng, quang minh chính đại, khổ vẫn không vụ lợi, khó đấy! Thế mà cô giáo tôi đã làm được.
Lần cuối gặp cô, phải chăng là định mệnh xui khiến, cô nói: "Đời cô thế là mãn nguyện, con cái có hiếu, học trò có nghĩa". Tôi hỏi: "Chữ "nghĩa" viết thế nào em quên mất rồi". Cô cười: "Em cứ sống như em đã sống. Không phải ân hận là có nghĩa rồi. Còn chữ, nhớ được thì càng hay".
Miên man nghĩ về cô, tôi quên mất bạn mình đang cầm ống nghe đầu dây bên kia. Mấy phút trước tôi gọi điện thoại, hỏi xem Tết này có gặp nhau ở nhà cô nữa không, thì được bạn trả lời: "Cô mất rồi! Đám tang to lắm...". Ai cũng tưởng tôi đã biết. Đầu dây, bạn chờ cho sự bàng hoàng của tôi lắng xuống, giờ mới lại tiếp tục, giọng trầm buồn: "Thôi thế nhé...".
Còn gì để nói nữa, tôi bần thần đặt ống nghe sau tiếng cạch ở đầu dây bên kia, nhào vào giường trùm chăn kín đầu. Mới đây thôi, cô có vẻ lạc quan lắm: "Cô đã trả hết nợ rồi, và bây giờ sống bằng lãi, mà lãi mẹ đẻ lãi con...". Cô bảo đời cô không khổ, chỉ vất vả thôi. Nhưng cô quên, cô đã thâm nợ với thân xác mình, cũng như học trò chúng tôi nợ nghĩa, không sao trả được.
Tại sao cứ phải đến lúc người thân yêu ra đi mình mới tốt đẹp hơn lên. Trong chăn tối, một giọt nước mắt nóng bỏng cộm lên nơi đầu mí, giọt nọ nối giọt kia thành dòng, âm thầm chảy...
Chu Bá Nam