“Lại hết tiền rồi phải không?”
Cứ mỗi lần tôi gọi điện, chị cả lại nói câu đấy. Phải hôm nào hết tiền thật thì tôi sẽ rất cảm động, từ tận đáy lòng tôi sẽ hết lời khen chị tôi tâm lý hết sức, chị là người duy nhất trên đời này luôn hiểu tôi. Nhưng nếu không phải thế thì tôi thấy hơi bực. Từ mấy hôm trước mẹ ốm, tôi gọi điện về hỏi chị là đã đưa mẹ đi khám chưa thì lại bị chị quát một câu xanh rờn, “không đến lượt cưng phải lo, lo cho cái thân mày trước đi!”. Đã thế hôm nay là sinh nhật chị hai mươi sáu tuổi, tôi chỉ muốn gọi điện chúc chị một câu mà còn bị chị hạnh họe, tôi định tắt máy luôn nhưng may sao bình tĩnh lại, may quá còn biết kiềm chế chứ tôi mà cũng nóng tính như chị thì hỏng mất.
“Vâng em hết tiền rồi nên không mua quà sinh nhật tặng chị được, chị ở nhà vui vẻ nhé, hôm nay đừng làm gì nữa nghỉ đi chơi một ngày đi chị!”
Không nghe thấy chị tôi nói gì, qua đầu dây bên kia chỉ nghe thấy tiếng người, tiếng xe cộ ồn ào qua lại, tiếng leng keng, sột soạt, tiếng Lào, tiếng Việt và biết bao nhiêu thứ tiếng khác xen lẫn vào nhau. Chắc là chị lại đang bận bán hàng rồi, có lẽ chị chẳng nghe thấy lời chúc mừng sinh nhật của tôi, tôi vẫn cố nói tiếp:
“Chị yêu ơi, em chúc mừng sinh nhật chị nha!”
“Yêu yêu cái đầu mày, nghỉ ngơi gì, nếu hôm nay chị nghỉ thì mày cũng nhịn luôn đi. Sinh với chả nhật năm nào chả vậy, chị bận tối mắt tối mũi đây, thương chị thì cố mà học cho tốt”.
Nói xong chị tắt máy luôn. Chị Mi của tôi là vậy đấy. Nói năng lúc nào cũng bốp chát, chanh chua. Tôi mà ở nhà thì cứ động tí là ăn đòn của chị ngay. Năm nay chị đã hai sáu tuổi rồi, suốt ngày tất bận với công việc cắt may, thêu dệt thổ cẩm và bán hàng ở chợ vùng biên. Nhà tôi có bốn chị em, không ai gọi chị là chị Mi mà chỉ gọi là chị cả, thế nên hồi bé tôi còn tưởng tên của chị là Cả chứ không phải Mi. Hai chị trước tôi học xong cao đẳng là đi lấy chồng luôn mà lấy rõ xa, cả năm mới về thăm bố mẹ được một lần, có khi còn chẳng về.
Tôi là con út và cũng là thằng con trai duy nhất, có lẽ là đứa em mà chị cả tôi thương chiều nhất nhà dù chẳng bao giờ chị biểu hiện những cử chỉ hay lời nói âu yếm dịu dàng với tôi cả. Mỗi lần tôi phạm sai lầm, dù to hay bé chị đều than thở một câu nghe đến quen thuộc, “không biết tao sinh giờ gì mà số khổ như thế này hả trời?”. Chị tôi sinh vào tháng đầu năm, tuổi chị là tuổi ngựa và đúng là chị phải đi nhiều, phải gánh vác nhiều như ngựa thật, (mà tôi không biết ngựa ở nơi khác như thế nào chứ ngựa quê tôi chỉ có quanh năm suốt tháng thồ hàng và cuối cùng là đi vào nồi thắng cố mà thôi).
Từ bé đến lớn tôi chỉ biết có chị cả, chị hơn tôi bảy tuổi nhưng lúc nào trông chị cũng già hơn so với tuổi. Ngày bé bố mẹ tôi hay đi làm nương xa đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, chị tôi phải ở nhà làm tất cả mọi việc và trông chừng một lũ em. Sáng dậy mở mắt đã chẳng thấy bố mẹ đâu, chỉ thấy chị hai và chị ba đang soạn sách vở chuẩn bị đi học, chị cả thì ở ngoài sân cho lợn cho gà ăn, trước đó chị đã ra suối gánh nước rồi lại tưới vườn rau xong hết rồi… Hồi bé tôi cứ có thói quen ngủ dậy xong là khóc, mãi đến năm sáu tuổi mới hết. Nghe thấy tiếng khóc của tôi là chị cả chạy ngay vào trong nhà, đến bên giường dắt tôi ra lu nước để tôi đánh răng, rửa mặt, lấy quần áo cho tôi thay rồi cho tôi ăn một cái gì đó.
Thường là món cháo bí ngô, ngày đó nhà tôi nghèo lắm, người dân bản cứ vãi hạt bí ngô lên nương vào đầu mùa mưa đến mùa đông hết gạo lại đi lấy bí ngô nương đó về nấu trừ cơm ăn mãi như thế đến tận vài tháng, nhà tôi cũng vậy. Xong xuôi hết mọi việc, đôi khi chả kịp thay quần áo gì cả cứ thế chị cả lại địu tôi lên lưng ôm theo cái cặp sách và đến trường, chị hai và chị ba thì đã đi trước rồi. Lớp mẫu giáo hồi đó chỉ nhận trẻ từ 4 tuổi trở lên nên chị tôi đã phải khổ sở địu tôi đi học theo suốt hai năm trời. Cứ đến giờ vào lớp là chị tôi lại thả tôi ở lại với bà nội ở gần trường, đến giờ ra chơi các chị lại vào thăm tôi, hết giờ học chị nào nghỉ trước là ra đón tôi về. Nhưng tôi hay làm nũng, phải có chị cả đến đón tôi mới chịu về, có hôm tôi khóc quá chị cả còn phải địu tôi lên lưng ru tôi ngủ và cứ thế mang tôi đến lớp học tiếp.
Tôi được cho đi học mẫu giáo sớm nhất bản, ba tuổi đã được theo các chị lon ton đến trường rồi. Rồi chị dạy cho tôi những con chữ đầu tiên, không có thời gian dạy ở nhà chị đưa tôi lên nương cùng học, không có vở và bút chị dùng lá cây và đất đá. Năm tháng qua đi, tôi lớn lên như cây cỏ, ngày xưa tôi thấy chị cả mình to lớn bao nhiêu thì giờ càng ngày tôi lại càng cảm thấy chị nhỏ gầy đi bấy nhiêu. Giờ chị chỉ cao đến vai tôi, da chị sạm màu đi vì nắng gió biên cương, vì cuộc đời bươn chải nuôi cả gia đình.
Chị cả tôi không xinh nhưng ai cũng bảo trông chị rất có duyên với hai cái răng khểnh và hai cái má lúm đồng tiền. Người chị nhỏ nhắn nhưng rất nhanh nhẹn và hoạt bát, chị cũng có một sức khỏe cực kỳ dẻo dai, tôi chưa thấy chị ốm yếu bao giờ cả. Ba năm tôi đi học trường phổ thông dân tộc nội trú là ba năm vất vả và nhiều cay đắng nhất trong cuộc đời chị tôi. Chị bắt đầu đi buôn. Chị dồn hết những số vốn mà chị có mua tất cả các hàng hóa lặt vặt đi sang biên giới bán. Mới đầu làm chị bị lỗ rất nhiều, rồi chị phải đi vay mượn tiền để gửi cho hai chị tôi đóng học phí, không ai biết chị đang gặp khó khăn, chị cũng chẳng nói cho ai biết. Có lần chị còn bị người ta hại suýt phải ngồi tù oan, lần ấy bộ đội biên phòng phát hiện ra trên xe hàng của chị có một gói hàng cấm chị tôi bị bắt đưa đi.
Họ bắt chị tôi phải khai báo thành thật chị chỉ biết khóc vì chị không biết đó là cái gì cả. Lần đó đúng dịp tôi được về nhà nghỉ hè, có người bạn hàng của chị báo tin nên tôi mới biết tôi không nhớ mình đã năn nỉ một bác tài lái cái xe chở sắn như thế nào để bác ấy đưa tôi đến nơi chị tôi bị tạm bắt giữ. Hôm sau bộ đội biên phòng lại bắt được một kẻ buôn hàng cấm, chính bà ta đã giấu gói hàng cấm vào trong thùng hàng của chị tôi để tránh bị kiểm tra… Nhìn thấy tôi, chị ôm chầm lấy và hai chị em òa khóc nức nở. Thoát nạn lần đó, chị tôi trở nên cẩn thận hơn, tiếp tục đi buôn bán, nhưng không đi sang bên kia biên giới nữa mà chỉ chở hàng đi khắp các bản vùng sâu. Chị cứ đi bán hàng rong như thế gần hai năm trời, mặc cho ngày mưa bão, nắng gió.
Mỗi cuối tuần chị vẫn qua trường thăm tôi, gửi vào cho tôi chút ít đồ ăn gì đó, cuối tháng lại đón tôi về nhà chơi một lần. Tết năm lớp 11 trường tôi cho nghỉ sớm, về nhà tôi đòi theo chị đi buôn một lần cho biết, năn nỉ mãi chị mới đồng ý. Đến lúc ấy tôi mới biết thế nào là sự vất vả của chị gái mình, sáng dậy từ lúc ba giờ đi lấy hàng hóa, chuẩn bị rồi chất đầy lên một cái xe máy cũ rích. Chở đi qua hàng chục cây số đường đồi ngoằn nghèo, đến giờ ăn trưa phải nghỉ tạm ở một cái bóng cây bên đường nào đó để ăn những đồ ăn đã nguội ngắt. Đến tối mịt, hàng hóa cũng vơi đi ít nhiều chị mới trở về nhà.
Cố gắng tiết kiệm, sau gần ba năm đi bán hàng chị tôi cũng mở được cửa hàng tạp hóa và may dệt đồ thổ cẩm ở gần chợ thị trấn. Dạo đấy thầy giáo dạy Toán của tôi là thầy Hải cũng biết chị tôi, cảm phục sức chịu đựng mạnh mẽ, rắn rỏi của chị tôi thầy Hải đã đem lòng yêu chị. Tôi hết sức ủng hộ tình yêu đó, tôi biết chị cũng rất thích thầy và đó là lần đầu tiên tôi thấy chị tôi yêu.
Chị cả tôi và thầy giáo Hải yêu nhau một thời gian thì gia đình thầy biết và họ phản đối, họ nói chị tôi không “môn đăng hậu đối” với thầy và với gia đình họ. Vốn lòng tự trọng và tự ái cao, chị cả tôi chia tay với thầy Hải. Tôi thấy chị buồn và khóc nhiều lắm, từ đó lúc nào chị cũng bảo tôi cố gắng mà học hành cho tốt. Vì chị, tôi cố gắng học hành chăm chỉ hơn, ngày đầu tiên tôi thấy chị khóc vì vui mừng là ngày mà tôi nhận được giấy báo đỗ đại học. Hết lo cho hai chị kia xong lại lo cho tôi, chị cả tôi chưa bao giờ hết vất vả, dường như càng ngày chị càng rũ bỏ hết vẻ dịu dàng đi. Công việc buôn bán phải tiếp tiếp xúc với nhiều hạng người chợ búa dường như cũng đã làm cho chị tôi chanh chua hơn.
Mái tóc của chị, làn da của chị dãi dầm qua những cơn mưa biên thùy, những nắng gió khô hanh của đất Lào cũng dường như mất dần đi vẻ mềm mại vốn có. Tôi thấy thương chị tôi hơn và tình yêu thương của chị dành cho tôi lúc nào cũng đong đầy. Chị luôn là người gọi điện cho tôi trước, tôi ít khi phải gọi cho chị, chị tôi luôn nói chị tất bận suốt không có thời gian tán gẫu qua điện thoại với lại hình như càng lớn tôi lại càng có ít điều để nói với chị hơn, chỉ khi nào có việc gì đó tôi mới gọi. Cứ lâu lâu chị lại gửi xuống cho tôi một thùng các-tông nhỏ chứa đựng đồ ăn, có khi cả quần áo và đồ dùng linh tinh…
Đã hai mươi sáu tuổi đời, chị cả tôi vẫn chưa một lần biết thế nào là ngày sinh nhật, mắng mỏ thế thôi nhưng chị làm sao giấu được giọng nói nghẹn ngào khi tôi nói chúc mừng sinh nhật chị. Tôi về đến chợ thị trấn khi trời đã tối mịt, chị tôi vẫn tất bận dọn hàng, tôi đi tới đưa bó hoa phăng đỏ rực ra trước mặt chị, chị tôi giật mình ngạc nhiên không nói nên lời, một lúc sau chị mới đập mạnh vào vai tôi quát:
“Trời đất, thằng quỷ nhỏ mày làm cái gì ở ở đây hả?”
“Em về chúc mừng sinh nhật chị chứ còn gì nữa”
“Thế sáng nay mày gọi chị là không phải mày đang ở Hà Nội à?”
“Không lúc ấy em đang trên xe chuẩn bị về rồi, chị bất ngờ không, em là một món quà đấy”.
“ Thằng khỉ, mau giúp chị dọn hàng đi!”
Chị tôi ôm bó hoa đi vào trong nhà, tôi biết chị đã thầm khóc vì cảm động, chị vẫn vậy buồn vui luôn giấu kín đi. Sáng hôm sau, chị tôi đóng cửa hàng có lẽ đó là lần đầu tiên trong cuộc đời chị đi chơi, hai chị em xuất phát từ sáng sớm tinh mơ gà gáy vì chị lo đến chiều tôi không kịp xuống trường, tôi còn nói đùa chị.
“Đi chơi mà cứ như đi buôn vậy?”
Chị chỉ phì cười, Tôi đèo chị bằng chiếc xe mô tô địa hình đi qua những bản làng dọc biên giới nơi ngày xưa chị đã từng rong ruổi, chắt chiu từng xu lẻ để gửi cho các em thân yêu của mình đóng tiền ăn học. Những bản làng bé nhỏ ấy ít nhiều đã đổi thay bớt đi vẻ nghèo khó, cô quạnh. Chị tôi bảo muốn lên chỗ nào cao cao để ngắm nhìn sương tan trên các đỉnh núi. Tôi đèo chị lên dốc Bản Ban một cái dốc cao gần đồn biên phòng, chúng tôi ngắm nhìn nắng lên, sương mờ tan dần trên núi xa, từ trên ngọn đồi cao hai chị em chúng tôi còn nhìn thấy những vạt hoa vàng rực rỡ trên các vách đá. Lặng im ngắm nhìn một hồi lâu, chị tôi nói - một giọng nói dịu dàng đã lâu tôi chẳng được nghe:
“Đây là lần đầu tiên chị thấy quê hương biên cương của chúng mình đẹp đến như vậy đấy”.
Lúc ra về có một anh lính biên phòng đi tới tặng chị tôi một bó hoa vàng như nắng, tôi nhận ra đó là trung úy Cường. Chị tôi ôm thật chặt bó hoa trong tay, nắng mai biên cương tỏa chiếu ấm áp theo lối hai chị em tôi đi về.
Hoa Thược Dược