Giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh - Bài 4: Hiệu quả từ phương pháp tiếp cận giảm nghèo đa chiều

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Qua đó, từng bước nâng chuẩn nghèo của thành phố cao gấp 3 lần của cả nước, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân thoát nghèo, duy trì kết quả giảm nghèo được bền vững.

Tăng thu nhập, nâng chất lượng sống

Chú thích ảnh
Đại diện Hội Liên Hiệp Phụ nữ Quận 3 trao quà cho các hộ nghèo đồng bào dân tộc Chăm. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Chuẩn nghèo của thành phố trong giai đoạn 2016-2020 không chỉ là cách nhìn nhận về thu nhập mà còn hướng đến nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cho người dân diện nghèo, hộ cận nghèo theo 5 chiều dịch vụ đo lường cơ bản của xã hội gồm giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, điều kiện sống, tiếp cận thông tin.

Với cách đánh giá chuẩn nghèo đa chiều này, Thành phố Hồ Chí Minh hướng chính sách hỗ trợ ngày càng sâu rộng hơn, hiệu quả, phù hợp hơn về mức sống, hưởng thụ của người dân thành phố, nhất là người nghèo, hộ nghèo. Thành phố cũng chỉ đạo, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể các cấp tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tác động đến nhu cầu tối thiểu của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo như trợ vốn vay, dạy nghề, tạo việc làm để tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện hỗ trợ về chỗ ở; cấp bảo hiểm xã hội miễn phí; khám chữa bệnh; cung cấp thông tin, nước sạch...

Điển hình tháng 7/2020 vừa qua, Quận 11 đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận quận đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2019-2020. Theo đó, toàn quận không còn hộ dân có thu nhập bình quân đầu người từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống; 100% người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được sử dụng nguồn nước sạch, có đủ phương tiện để tiếp cận thông tin truyền thông đại chúng và con em được hỗ trợ, miễn giảm học phí; tổng số điểm thiếu hụt các chiều dịch vụ xã hội từ 40 điểm trở lên.

Theo ông Trần Phi Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 11, những năm qua, công tác giảm nghèo trong đã đi vào chiều sâu, lan tỏa đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xác định đúng thực trạng nghèo, nhu cầu cần hỗ trợ của từng hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được các cấp quan tâm đúng mức. Công tác giải ngân, tiếp cận các nguồn vay để tổ chức sản xuất kinh doanh, nâng cao tay nghề, thu nhận lao động nghèo đã cải thiện dần mức thu nhập của người dân lao động nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Ngoài chính sách, hộ cận nghèo, hộ nghèo ở đây còn thường xuyên được tư vấn, trợ giúp pháp lý, mặt trận và các đoàn thể chăm lo toàn diện thông qua các chương trình như “Người có giúp người khó”, “Ngày Tiết kiệm phụ nữ nghèo”; mô hình phiếu rửa xe của Đoàn thanh niên, công trình “Tem phiếu thanh niên”, “Shipper 0 đồng”, sửa chữa nhà tình bạn... Đặc biệt, Ủy ban nhân dân các phường tiến hành kẻ vạch sơn trên các tuyến đường, lấy ý kiến của các hộ dân xung quanh sắp xếp cho các hộ nghèo được tiếp tục kinh doanh để tạo nguồn thu nhập của các hộ vẫn được đảm bảo ổn định mà không gây ảnh hưởng đến trật tự đô thị.

Tại quận Tân Phú, đầu giai đoạn 2019 - 2020, có 419 hộ nghèo, 536 hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2019, bằng nhiều giải pháp an sinh xã hội thiết thực, hiệu quả, trợ vốn, trợ nghề, giới thiệu việc làm cùng với các hình thức chăm lo về mặt xã hội khác như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, tặng học bổng, nâng cấp cơ sở hạ tầng về cải thiện môi trường, điều kiện sinh hoạt cho hộ nghèo. Qua đó, quận Tân Phú đã giảm được 296 hộ nghèo, 370 hộ cận nghèo.

Theo ông Phạm Minh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Phú, đạt được kết quả trên là do địa phương thực hiện nhiều mô hình linh hoạt trong hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo, kéo giảm các chiều thiếu hụt về mặt xã hội; qua đó giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố nhận định, tại nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, của các thành phần kinh tế tham gia. Đồng thời xây dựng các kế hoạch lồng ghép hiệu quả chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội thành phố, đặc biệt gắn chặt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, thực hiện cuộc vận động “Vì người nghèo” để hoạt động thật sự trở thành phong trào thi đua yêu nước, thu hút sự tham gia của toàn dân thành phố vào sự nghiệp giảm nghèo.

Tính đến thời điểm này, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, cách làm thiết thực mang tính tác động, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi, tạo cơ hội cho người nghèo an tâm, tự tin tổ chức làm ăn sinh sống giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. “Chương trình giảm nghèo đa chiều ở thành phố thành công nhất chính là khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, hộ nghèo; có sự chung tay của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong hỗ trợ người nghèo, khơi sức dân để lo cho dân”, ông Lê Minh Tấn nhận xét.

Thu hẹp chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư

Chú thích ảnh
Bà Trương Minh Kiều (thứ 5 từ phải sang), Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5 cùng lãnh đạo Liên đoàn lao động Thành phố, Quận 5, bàn giao mái ấm công đoàn cho người lao động nghèo. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình giảm nghèo bền vững đã góp phần giảm dần chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư trong xã hội của Thành phố, trước hết là giữa các nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các quận nội thành và nông thôn ngoại thành.

Mức chuẩn nghèo của Thành phố được chủ động nâng lên theo từng giai đoạn, tiếp cận với chuẩn nghèo của khu vực và quốc tế, mức thụ hưởng các nhu cầu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, hộ nghèo cũng từng bước được cải thiện do các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Thành phố đã thực sự tác động và bao phủ gần như hầu hết các lĩnh vực cuộc sống của người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố.

Đến 30/6/2020, thành phố còn 9.672 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,39% tổng số hộ dân thành phố và 22.864 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,93% tổng số hộ dân thành phố. Theo UBND Thành phố, chương trình giảm nghèo đa chiều ở thành phố đã có 5 quận và 85 phường của 12 quận không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm và thu nhập từ 28 triệu đồng đến dưới 36 triệu đồng/người/năm là hộ cận nghèo. Đặc biệt có, 1 quận và 22 phường của 8 quận không còn hộ cận nghèo theo chuẩn của thành phố giai đoạn 2019 - 2020. Đây là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo thành phố và cả hệ thống chính trị từ thành phố, quận huyện, xuống từng tổ dân phố.

Chương trình Giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã tạo điều kiện và cơ hội cho hàng chục ngàn người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau, để tổ chức vươn lên thoát nghèo như: chính sách hỗ trợ vay vốn từ các nguồn Quỹ Xóa đói giảm nghèo, các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, các chính sách an sinh xã hội…

Cùng với đó, nhiều địa phương đã tập trung phát triển các mô hình giảm nghèo hiệu quả từ các giai đoạn trước, được nhân dân đồng tình hưởng ứng như: mô hình đảng viên giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo được xây dựng triển khai thực hiện ở nhiều địa phương, các Đảng bộ từ quận, huyện đến phường, xã, thị trấn, khu phố, ấp đều có chương trình, kế hoạch, chuyên đề về giảm nghèo; mô hình này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo ở từng địa bàn dân cư.

Từ kết quả đạt được, các hoạt động chăm sóc, hưởng thụ về các dịch vụ cơ bản như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận thông tin, điều kiện sống... cho các đối tượng khó khăn, người nghèo được đặc biệt quan tâm, nâng lên rõ được. Theo ông Lê Minh Tấn, chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2016 - 2020 theo phương thức giảm nghèo đa chiều đã góp phần đảm bảo cho người dân được đáp ứng đầy đủ yêu cầu về giáo dục và đào tạo; y tế; việc làm và bảo hiểm xã hội; điều kiện sống; tiếp cận thông tin…Từ đó, thu hẹp mức sống giữa các cộng đồng dân cư. 

Từ thực tế trong việc triển khai chương trình tại địa phương, bà Trương Minh Kiều, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 5, cho rằng: Việc đặt trọng tâm giải quyết dứt điểm thiếu hụt các chiều về trình độ giáo dục trẻ em, bảo hiểm y tế, tiếp cận dịch vụ y tế, nước sạch, phương tiện tiếp cận thông tin; hạn chế thiếu hụt chiều dịch vụ xã hội như trình độ giáo dục người lớn, trình độ nghề, diện tích nhà ở, bảo hiểm xã hội… đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo, qua đó từng bước đưa họ vươn lên, có cuộc sống tốt hơn, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Bài cuối: Đảm bảo toàn diện và bền vững

Thanh Vũ - Xuân Khu - Anh Tuấn (TTXVN)
Giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Điểm sáng giữa đại dịch
Giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Điểm sáng giữa đại dịch

Dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống. Đây cũng là một “liều thuốc thử” liều cao đối với chương trình giảm nghèo bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cả người dân, nhiều địa phương của Thành phố đã “về đích” không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo ngay giữa đại dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN