“Vua bò” Pắc Nặm làm giàu ở huyện nghèo nhất nước

Bắc Kạn là tỉnh nghèo nhất nước ta, trong đó huyện Pắc Nặm là huyện nghèo nhất tỉnh, với hơn 40% hộ nghèo, phần lớn dân cư sinh sống là các dân tộc ít người như Mông, Dao, Nùng, Tày... dân trí thấp, trình độ canh tác còn lạc hậu. Bởi vậy, câu chuyện làm giàu ở nơi nghèo nhất đất nước này của ông Hoàng Văn Thân thật sự là tấm gương sáng cho người dân nơi đây noi theo.

Nỗ lực thoát nghèo

Từ một hộ nghèo không có đất sản xuất, nhưng sau hơn 10 năm lăn lộn phát triển kinh tế, gắn bó với công việc chăn nuôi bò, đến nay gia đình ông Hoàng Văn Thân, ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pắc Nặm, đã có một cơ ngơi khang trang. Thăm gia đình ông Thân, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí vươn lên làm giàu của “lão nông” người dân tộc Tày. Trang trại nuôi bò của ông hiện có xấp xỉ một trăm con, trị giá cả tỷ bạc. Đó là một tài sản không hề nhỏ đối với một gia đình nông dân là người dân tộc thiểu số ở Pắc Nặm. Gia đình ông Thân từ Cao Bằng chuyển đến ở thôn Thôm Mèo từ những năm 70 của thế kỷ trước với tài sản đáng giá nhất là ngôi nhà sàn năm gian, không một đồng vốn trong tay, không có đất sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài, gia đình ông sống chủ yếu dựa vào thiên nhiên, được mùa thì có cái ăn, còn mất mùa thì hoàn toàn nương nhờ vào bà con trong bản.

"Vua bò" Hoàng Văn Thân chăm sóc đàn bò. Ảnh: Quý Đôn


Có lẽ cuộc sống khó khăn của ông vẫn sẽ tiếp diễn như những bà con trong thôn nếu như không có cơ hội và biết nắm bắt cơ hội. Từ năm 1997, Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, ông đã bàn bạc với vợ con, quyết định thế chấp tài sản, vay được 15 triệu đồng từ ngân hàng. Cầm đồng vốn trong tay, sau nhiều đắn đo, cân nhắc, ông quyết định mua bò nuôi để nhân đàn. Sau vài năm, đàn bò của ông đã sinh năm, sinh mười rồi tới vài chục con. Với ông Thân, nuôi bò lúc đó chủ yếu để lấy sức kéo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chứ tính gì đến chuyện làm giàu, bởi một con bò tại thời điểm những năm 2000 chỉ đáng giá từ 1 đến 2 triệu đồng. Rồi đến kỳ trả lãi và gốc cho ngân hàng, ông phải bán liền một lúc hơn chục con. Số tiền còn dư, ông mua được hơn 3.000 m2 ruộng để sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài.

Đất không phụ công người, sau hơn mười năm làm lụng vất vả, gia đình ông đã có của ăn, của để. Ông Thân tâm sự: “Để có được ngày hôm nay, thực sự là nhờ những chú bò sinh sản mà gia đình chúng tôi đã đầu tư bao năm qua. Vài năm trở lại đây, bò trở thành thứ hàng hóa vô cùng giá trị, mỗi con bò bán ra thị trường có giá trên chục triệu đồng... Đến nay có thể khẳng định, gia đình tôi đã thoát nghèo và vươn lên khá giả ở địa phương”.

Đến mong ước làm giàu cho thôn, bản


Nhận thấy diện tích đất nông nghiệp của thôn phần lớn là trồng cây ngô đồi, ông Thân đã đứng ra nhận làm đại lý giống và phân bón cho đồng bào ở địa phương. Mỗi mùa vụ, những hộ nghèo không có vốn thường được ông giúp cho vay giống, phân bón để sản xuất, cuối vụ mới hoàn trả. Đến nay đã có hơn 300 người ở 6 xã trong huyện được ông giúp đỡ, với tổng số tiền vay lên tới trên một tỷ đồng.

Ông Thân tâm sự: “Gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, bởi từ con bò, gia đình tôi mới có cơ nghiệp như ngày hôm nay. Hơn thế, trên thị trường gia súc ở địa phương hiện nay, giá trao đổi mua bán trâu, bò rất cao và ổn định. Cũng từ việc bán bò cho các thương lái, tôi đã có tiền để mở rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Quan trọng hơn là tôi góp một phần nhỏ vào việc giúp đỡ những hộ nghèo ở huyện trong các vụ sản xuất nông nghiệp vừa qua”.

Hoàng Nam
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN