Việt Nam tham gia tích cực trong Hội đồng Nhân quyền

Khóa họp lần thứ 25 Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) đã bế mạc ngày 28/3 tại Geneva, Thụy Sĩ. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự họp cấp cao tại phiên khai mạc khóa họp này. Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sĩ, đã làm trưởng đoàn Việt Nam tại các phiên họp tiếp theo. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự phiên họp cấp cao với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016.

Đại diện Việt Nam tại khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ.


Bên cạnh hội nghị cấp cao, Hội đồng Nhân quyền đã tổ chức ba phiên thảo luận cấp cao về quyền của người di cư, án tử hình và các cách tiếp cận mang tính phòng vệ trong hệ thống LHQ để bảo đảm quyền con người. Có trụ sở tại Geneva, Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên, đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của LHQ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới.


Trưởng Phái đoàn Thường trực, Đại sứ Nguyễn Trung Thành cho biết: Trên cơ sở quan tâm đến bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã chủ động tham gia công việc chung của hội đồng, tích cực đóng góp vào quá trình thảo luận và thông qua các nghị quyết, quyết định của khóa họp lần thứ 25 này trên tinh thần thúc đẩy việc bảo vệ và mở rộng thụ hưởng các quyền của người dân, tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp và thực tiễn quốc tế, có tính đến một cách thỏa đáng các đặc thù về kinh tế, truyền thống văn hóa và phát triển của các quốc gia, khu vực.


Hơn 30 nghị quyết đã được thông qua bằng đồng thuận liên quan đến nhiều vấn đề thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế như thực hiện các quyền kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế về nhân quyền, thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong chống khủng bố; bảo vệ quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số...


Đoàn Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách khách quan, cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của LHQ về nhân quyền.


Trong bối cảnh quyền con người tiếp tục được các nước và dư luận quốc tế quan tâm, hội nghị đã thu hút được sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo của hơn 80 quốc gia và tổ chức quốc tế. Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John W. Ashe đã nhấn mạnh: Kể từ khi được thành lập, Hội đồng Nhân quyền đã ngày càng có nhiều tiến triển theo tiêu chuẩn toàn cầu trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên khắp thế giới, song cũng cần có các biện pháp ứng phó kịp thời với những thách thức không ngừng biến đổi.


Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, ông Guy Mettan, nhà nghiên cứu chính trị và hiện là Giám đốc Câu lạc bộ Báo chí Geneva, cho biết: Hội đồng Nhân quyền LHQ là một cơ chế mang tính toàn cầu và việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền thực sự có ý nghĩa. Việt Nam không chỉ thể hiện tiếng nói, bảo vệ quan điểm của quốc gia, mà còn có cơ hội trao đổi, chia sẻ hiệu quả với các nước khác như các quốc gia châu Á, châu Phi... trong Hội đồng Nhân quyền. Ông Guy Mettan cho rằng nhiều nước cũng như Việt Nam đều coi trọng việc tập trung vào các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng như vấn đề bảo vệ quyền con người. Do vậy, việc lắng nghe ý kiến của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền là rất quan trọng.


Cũng trong phiên họp này, hầu hết phát biểu của các nước đang phát triển tại Á, Phi, Mỹ Latinh đều chia sẻ quan điểm cho rằng Hội đồng Nhân quyền cần tránh chính trị hóa, tiêu chuẩn kép trong quá trình xử lý công việc của mình, tránh áp đặt, nhấn mạnh trao đổi cởi mở, thẳng thắng, hợp tác hữu hiệu và đối thoại xây dựng. Vai trò và đóng góp của các cơ chế cụ thể của Hội đồng Nhân quyền cũng được các nước ghi nhận và đánh giá cao tại hội nghị. Trong đó, Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) được xem là cơ chế hoạt động hiệu quả và đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, hợp tác cũng như tiến bộ trên thực tiễn về quyền con người tại các nước.


Bài và ảnh: Tố Uyên - Hoàng Long (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN