Sau khi xảy ra sự cố chiếc máy bay Boeing 777-200 của Hãng hàng không Malaysia chở 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn bị mất tích, tại vùng biển đảo Thổ Chu (Kiên Giang, Việt Nam), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã nỗ lực vào cuộc triển khai công tác cứu nạn.
Chiều 9/3, tại trụ sở Bộ Quốc Phòng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp khẩn triển khai công tác tìm kiếm máy bay MH 370 của Malaysia bị mất tích.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện các biện pháp tìm kiếm máy bay Malaysia bị mất tích trong suốt 2 ngày qua, nhất là việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sẵn sàng mọi lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng yêu cầu, công tác tìm kiếm cứu nạn phải được triển khai liên tục 24/24 giờ, tập trung vào vùng khả nghi trên biển nhưng vẫn mở rộng vùng tìm kiếm, không bỏ sót vị trí nào. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần mở rộng ra hướng Tây theo dự kiến hướng bay của máy bay và phân công rõ các lực lượng tham gia tìm kiếm. Hiện có 6 nước tham gia tìm kiếm gồm: Việt Nam, Malaysia, Singapore, Mỹ, Trung Quốc và Philippines, do vậy cần phối hợp tốt giữa các quốc gia trong công tác tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc sẵn sàng thực hiện các phương án tìm kiếm cứu nạn, điều tra nguyên nhân vụ việc trong trường hợp máy bay gặp nạn tại vùng thông báo bay (FIR) của Việt Nam. Đặc biệt, do không loại trừ khả năng khủng bố nên Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nâng mức cảnh báo an ninh; Bộ Giao thông Vận tải triển khai phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo tốt nhất an ninh hàng không của Việt Nam.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, hôm qua (8/3), Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia. Phía Malaysia đánh giá cao và cảm ơn những nỗ lực tìm kiếm, hợp tác tìm kiếm của Việt Nam. Hôm nay (9/3), Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nhận điện đàm của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam.
Trước đó, sáng 9/3, tại Hà Nội, Cục Hàng không Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đánh giá tình hình. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu, chủ trì cuộc họp
Ít khả năng do thời tiết, kỹ thuật
Tại cuộc họp, phân tích những khả năng xảy ra với chiếc máy bay mất tích, ông Đinh Viết Tuấn, Phó trưởng phòng an toàn Tổng công ty hàng không Việt Nam, đồng thời là cơ trưởng của loại máy bay Boeing 777 - 200, khẳng định: Boeing 777 - 200 là loại máy bay được sản xuất để bay trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong khi đó, thời tiết khu vực đảo Thổ Chu nói chung, cũng như thời tiết trong thời gian máy bay đi qua, được đánh giá là thuận lợi, nên nhiều khả năng không phải vì lý do thời tiết.
Sáng 9/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với nước bạn tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng chủ động triển khai các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn tốt nhất. |
Phân tích dưới góc độ chuyên môn về khả năng máy bay mất tích, theo ông Tuấn, dù là trong trường hợp máy bay chết 2 động cơ, thì cũng vẫn có thể bay thêm khoảng 20 phút với tốc độ hàng trăm km/giờ và tổ bay hoàn toàn có thể ra tín hiệu cấp cứu, báo cáo tình trạng chuyến bay để có những hướng dẫn tốt nhất. "Trường hợp cháy dẫn đến phải hạ cánh khẩn cấp cũng rất khó xảy ra. Ngay cả trưởng hợp cháy trong buồng lái cũng rất khó xảy ra vì máy bay được sản xuất theo công nghệ cực kỳ hiện đại, đồng bộ và an toàn cao", ông Tuấn nhấn mạnh.
"Theo thống kê của Boeing, trong hơn 20 năm trở lại đây, chỉ có khoảng 9% máy bay gặp nạn khi đang bay đều. Trường hợp máy bay mất tích này là rất hy hữu vì đồng thời mất cả tín hiệu, liên lạc và dấu vết", một chuyên gia phân tích.
Về phía Bộ Quốc phòng, ông Hoàng Viết Quang, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, vết dầu loang hiện đã trôi lệch về phía Tây Nam 80 km. Bộ Quốc phòng chỉ đạo tiếp tục thống kê, tìm kiếm dấu vết tại khu vực nghi vấn. Hải quân sẽ điều thêm tàu, thông báo toàn bộ hệ thống để các tàu cá trong khu vực lưu ý tìm kiếm.
Vào cuộc nhanh, quyết liệt
Ngay sau khi mất tín hiệu liên lạc của chuyến bay MH 370, Trung tâm kiểm soát đường dài (ACC) Hồ Chí Minh đã thông báo ngay với ACC Singapore và ACC Kuala-Lumpur. Tiếp sau đó, hệ thống kết nối tìm kiếm cứu nạn giữa 3 nước gồm Malaysia, Việt Nam và Singapore, đã được kích hoạt. “12 giờ trưa ngày 8/3, Cục Hàng không Việt Nam đã kích hoạt hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng không để tìm kiếm chiếc máy bay Boeing 777 - 200 của hãng hàng không Malaysia mất tích trên Biển Đông”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết. Đồng thời với đó, Công ty Quản lý bay miền Nam cũng lập tức liên lạc với nhà khai thác tàu bay của Malaysia và các cơ quan hàng không liên quan để xác định tình trạng của chuyến bay. Còn Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã kích hoạt Sở chỉ huy tại Công ty Quản lý bay miền Nam và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không và đưa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn vào hoạt động. “Phạm vi tìm kiếm của Việt Nam là 12.000 km2 trên biển, vị trí tìm kiếm cách mũi Cà Mau 250 km, với 2 máy bay AN26 tìm kiếm, trong tổng số 7 chiếc được huy động sẵn sàng thực hiện tìm kiếm. Một trong hai chiếc máy bay đã phát hiện được hai vệt nghi vấn dầu loang kéo dài 15 - 20 km trong vùng biển gần đảo Thổ Chu và mũi Cà Mau”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Đến sáng ngày 9/3, công tác tìm kiếm cứu nạn càng được đẩy nhanh và tích cực hơn, đặc biệt công tác điều tra với hai vệt nghi vấn dầu loang đã được đẩy mạnh. Theo đó, 5 tàu tìm kiếm của Việt Nam đã tiếp cận khu vực nghi máy bay rơi và tích cực tìm kiếm, trong đó có 2 tàu hải quân, 2 tàu cảnh sát biển và 1 tàu chỉ huy. Hai chiếc máy bay AN26 cũng đã cất cánh sáng sớm, tiếp tục quần thảo tại khu vực nghi máy bay rơi với diện tích khu vực tìm kiếm đã được mở rộng khoảng hơn 40.000 km2. Đồng thời, các lực lượng cứu hộ được yêu cầu mở rộng phạm vi tìm kiếm rộng ra đảo Thổ Chu về phía Nam.
Miếng ốp cửa máy bay?
Chiều và tối 9/3/2014, ngoài lực lượng, phương tiện của không quân, hải quân, cảng sát biển Việt Nam tham gia tìm kiếm sẽ có thêm 6 máy bay, 6 tàu của Malaysia; 1 máy bay, 3 tàu của Philippines; 2 máy bay, 3 tàu của Singapore; 2 máy bay, 14 tàu của Trung Quốc; 1 máy bay, 2 tàu của hải quân Mỹ sẽ cùng tham gia tìm kiếm.
Đến 19 giờ ngày 9/3, công tác tìm kiếm trên biển tạm dừng lại và sẽ tiếp tục vào sáng ngày 10/3. Với một số phát hiện của chiều muộn ngày 9/3, hứa hẹn nhiều khả năng sáng 10/3 sẽ có những kết luận đầu tiên về chiếc máy bay mất tích này.
Theo đó, sau một số phát hiện của máy bay Singapore cũng như phía Thái Lan về dấu vết của máy bay bị rơi, nhưng không chính xác; đến 18 giờ 30 phút, tàu bay DSC6 báo về Trung tâm chỉ huy tìm kiếm là đã tìm thấy một mảnh vỡ nghi là của máy bay, mà cụ thể là miếng composite nghi là ốp phía trong cửa máy bay, tuy nhiên vì trời tối nên không thể hạ cánh mà chỉ có thể chụp lại ảnh và sẽ xác định tiếp vào sáng 10/3. Hiện tại, Trung tâm chỉ huy mới đã được thiết lập tại Phú Quốc để trực tiếp điều phối hoạt động tìm kiếm trong ngày 10/3.
P.V