Là 1 trong 5 dân tộc thuộc nhóm dân tộc có dân số ít hơn 1.000 người trên toàn quốc, tại Điện Biên, cộng đồng dân tộc Si La sinh sống duy nhất ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, huyện Mường Nhé) với 50 hộ, 214 nhân khẩu, mang các dòng họ Hù, Lỳ, Lý, Pờ và Giàng, trong đó họ Hù chiếm dân số lớn nhất.
Nằm cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 200km, cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 40km, bản Nậm Sin là 1 trong 15 bản của xã biên giới Chung Chải, bản được thành lập từ năm 1973 khi những người Si La đầu tiên từ hai bản Seo Hay và Sì Thâu Chải (nay là huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) về đây định cư.
Theo ông Lý Hồng Sơn, Trưởng bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết, Tết cổ truyền của người Si La được tổ chức vào ngày Sửu, tháng 12 (dương lịch) có tên là Ô Xị Chờ; khi mùa màng xong xuôi, công việc thu hoạch lúa, ngô trên nương, trên rẫy hoàn tất thì bà con trong bản tạm ngừng việc nương rẫy để mừng năm mới Ô Xị Chờ. Hòa chung vào không khí đón xuân Kỷ Hợi của dân tộc, cùng với nhiều dân tộc khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên, người Si La cũng tổ chức đón Tết với mong muốn cầu mong cho bản làng bình an, đoàn kết, mọi người dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt và cầu cho mùa màng bội thu, cây trồng, vật nuôi sinh sôi, phát triển. Việc đón Tết chung với cả nước đã có từ nhiều năm qua và được người Si La tổ chức chu đáo, mọi người ai cũng háo hức, không khí bản làng thật nhộn nhịp, tưng bừng như xua tan đi cái rét ngọt của miền biên viễn cực Tây.
Để chuẩn bị cho ngày Tết, trước đó nhiều ngày, các gia đình đã phải chuẩn bị gà, lợn, các loại bột làm bánh và đặc biệt là việc lên rừng săn, bẫy sóc. Mâm cúng tổ tiên trong các sự kiện trọng đại, ý nghĩa của người Si La gồm mừng nhà mới, dựng vợ gả chồng, mừng năm mới thì ngoài các loại thực phẩm cua, cá bắt ở suối, thịt động vật có nguồn gốc từ rừng, chăn nuôi và các loại ngũ cốc trồng được trên nương rẫy, không thể thiếu vắng thịt sóc khô. Thịt sóc khô là thức ăn thờ cúng tổ tiên nên gia đình nào cũng phải có, đòi hỏi đàn ông, thanh niên trai tráng trong bản phải trực tiếp lên rừng tìm kiếm, sẵn bẫy cho bằng được, càng nhiều càng tốt, nếu không cũng phải có một đến hai con.
DịpTết, người dân trong bản đã có ý thức trang trí lại nhà cửa, đường sá để bản làng sạch sẽ, khang trang hơn: Cửa ngõ vào bản và nhà văn hóa của bản đã được treo băng rôn “chúc mừng năm mới”, những mảnh vườn trồng các loại rau, củ, quả đã được gia chủ rào lại chắc chắn hơn. Đặc biệt, dọc từ đầu bản đến cuối bản, trên mỗi nóc nhà dân đều có cờ Tổ quốc được treo lên trang trọng. Vào những ngày Tết, dễ dàng bắt gặp những tốp trẻ em đang vui vẻ chơi các trò chơi truyền thống bên hiên nhà. Thanh niên trai tráng thì rủ nhau đi các nhà để thăm hỏi, chúc Tết nhau. Tiếng hát, tiếng nhạc và cả tiếng nói cười rộn vang khắp bản làng. Đàn ông trong bản í ới gọi nhau mổ lợn, chia thịt cho từng gia đình, tiếng dao, thớt băm chặt thịt từ những góc bếp rộn cả bản.
Theo Trưởng bản Lý Hồng Sơn, tên bản “Nậm Sin” nghĩa là “nước lặng”, bản nằm bên dòng suối nước chảy bình lặng. Người Si La trước kia sống biệt lập, kinh tế tự cung tự cấp với phương thức canh tác “chọc lỗ, tra hạt”; bản làng không đường, không điện, không trường trạm; một thời giao thông vào Nậm Sin rất khó khăn, cách trở nên bản làng Nậm Sin rất hạn chế về mọi mặt văn hóa, y tế, giáo dục... Cũng vì vậy mà cái nghèo, cái đói cứ đeo bám người dân quanh năm, suốt tháng. Cuộc sống tự cung, tự cấp trong thung lũng mây mù nên người Si La cũng ít giao lưu với cộng đồng các dân tộc khác. Thời điểm năm 2004, thu nhập bình quân của bản chưa đến 100.000 đồng/người/tháng; 35 hộ dân với hơn 170 khẩu đa phần phải sống trong những căn nhà đất gọi là “dạ sơ” gồm một gian hai chái hoặc hai gian, hai chái nhỏ, mái nhà thấp, lợp cỏ tranh, xung quanh nhà bưng liếp đan bằng nứa. Mỗi nhà có một cửa ra vào, riêng nhà của trưởng họ thì có hai cửa, trong đó cửa phụ ở gian chái chính, dành cho anh em họ hàng thân thuộc vào thờ cúng tổ tiên nhân các dịp lễ tết, cưới xin, giỗ chạp, vào nhà mới.
Từ năm 2005, Dự án "Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La” được triển khai, bản làng được đầu tư xây dựng đường giao thông, công trình nước sinh hoạt, công trình thủy lợi, trường học; người dân trong bản được trực tiếp thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ như: được hỗ trợ đào ao thả cá, mua trâu giống, triển khai các mô hình ươm cá giống, nuôi cá thịt; chương trình chăm sóc sức khỏe; bảo tồn văn hóa… Từ những thành quả từ dự án, bản làng Nậm Sin đã có diện mạo mới với những ngôi nhà gỗ khang trang, mái lợp pro-ximang chắc chắn. Trong chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế, người dân đã thay đổi trong tư duy, từ bỏ tập quán canh tác lạc hậu. Các điều kiện về y tế, điện thắp sáng, nguồn nước hợp vệ sinh đến được với bà con trong bản nên chất lượng cuộc sống của bà con cũng được nâng lên.
Không khí đón Tết của người dân Si La biểu hiện rõ nhất từ trước đêm Giao thừa một tuần, khi đó nhà nhà thi nhau mổ lợn, trên gác bếp của mỗi gia đình đã lúc lỉu những miếng thịt ướp muối, treo lên hun khói; bên bếp lửa hồng quây quần nhiều chị em phụ nữ, người nhanh tay khâu vá những bộ trang phục truyền thống, người chăm chú nấu những loại bánh đặc trưng của dân tộc, khuôn mặt ai cũng rạng ngời những nét cười. Kể từ sau đêm Giao thừa kéo dài đến các ngày mùng 3, mùng 4 Tết và nhiều ngày sau, bản Nậm Sin luôn “đóng cửa rừng” tạm gác các công việc ruộng nương và “mở cửa bản” để đón tiếp khách. Dịp này, bất kể người ở bản khác hay du khách phương xa khi đặt chân vào bản Nậm Sin đều là khách quý, trở thành “người con của bản” bởi luôn nhận được sự cởi mở, trọng tình, mến khách từ các chủ nhà. Sau đêm giao thừa, các gia đình đều có sẵn mâm cơm với đầy đủ các món ăn theo mâm cơm truyền thống của dân tộc Si La để tiếp khách. Ai đến chúc tết cũng được gia chủ mời ngồi vào mâm cơm, uống chén rượu thơm lừng men lá, ấm áp tình người và được hòa mình vào không gian văn hóa bản địa khi được chơi những trò chơi dân gian đầy tinh thần đoàn kết cộng đồng mà thanh niên nam nữ trong bản tổ chức.
Bữa cơm trong những ngày Tết của người Si La là bữa cơm có tính cộng đồng rất cao, gia chủ luôn sẵn sàng bát đũa và cửa ngõ luôn mở để chờ đón bước chân người khác vào cùng nâng chén chung vui; bữa cơm là dịp để gia chủ giao lưu với người trong bản, với người cộng đồng các dân tộc khác ở lân cận đến chúc mừng sức khỏe, mùa màng bội thu, chăn nuôi thuận lợi. Không gian bữa cơm trong thời gian Tết còn là dịp để người lớn trong bản kể cho con cháu nghe về quá trình tìm đất, dựng bản của cha ông và những khó khăn của những ngày đầu vừa đặt chân đến mảnh đất quanh năm sương mù bao phủ; về hành trình con chữ “bén rễ, ươm mầm” nơi đây nhờ những người lính biên phòng với tình yêu thương dân bản đã không quản khó khăn, gian khổ đã băng rừng, vượt suối về dạy chữ cho bản làng; cả những câu chuyện về quá trình người Si La lần đầu biết đến hạt thóc và cách gieo trồng hạt thóc, biết gặt lúa, giã gạo và nấu cơm chín cơm để ăn hàng ngày thay cho việc ăn củ quả và thịt thú săn bắn trong rừng… Già làng, trưởng bản cũng không quên động viên, răn dạy con cháu cách làm ăn, rèn tính chịu thương, chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất, không nghe theo lời kẻ xấu, không làm những việc trái với pháp luật, trái với hương ước của bản.
Nhiều già làng, người uy tín, trưởng dòng họ trong bản cho biết: Dòng họ của người Si La là một hình thức dòng tộc khép kín, tính theo dòng họ cha. Hàng năm, mỗi dòng họ đều có ít nhất hai lần họp mặt sinh hoạt cộng đồng vào dịp ăn cơm mới (mừng lúa mới) và ăn tết đầu năm mới. Dịp Tết này, các gia đình trong dòng họ sẽ mang lễ vật đến nhà trưởng họ để cúng tổ tiên, tạ ơn và cầu phúc; Đồng thời biếu trưởng họ những lễ vật như tim, gan, thận lợn, một vò rượu cần và một ít sáp ong để thắp lên bàn thờ tổ tiên. Cũng chính vì vậy, dịp Tết là thời gian để các gia đình trong dòng tộc càng gần gũi, có quan hệ mật thiết nhau hơn, tình cảm bản làng càng thêm gắn bó, đoàn kết, bền chặt.
Như thường lệ, cứ dịp Tết, bản làng Nậm Sin càng vui hơn vì có đông đảo các chiến sĩ biên phòng công tác tại Đồn biên phòng Leng Su Sìn, các thầy cô giáo giảng dạy, công tác tại trường Tiểu học đóng chân trên địa bàn và các bộ xã Chung Chải đến chung vui, trao nhau những cái bắt tay, tiếng cười, nói, lời chúc thăm hỏi, mừng bà con dân bản.
Trưởng bản Nậm Sin Lý Hồng Sơn cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, những năm qua cùng với sự đổi thay về các mặt đời sống, kinh tế, y tế… thì lĩnh vực giáo dục, bản Nậm Sin cũng có những thành quả vượt bậc. Hơn 10 năm trước, tỷ lệ người biết tiếng phổ thông ở Nậm Sin thấp lắm (khoảng từ 10 đến 15%), đến nay, con em trong bản khi đến tuổi đều được đi học đầy đủ. Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chung Chải số 2 đóng chân ngay tại bản Nậm Sin, trong tổng số hơn 420 học sinh thì có hơn 20 cháu là con em dân tộc Si La đang theo học. Kinh tế của người dân trong bản không còn thiếu đói nữa, kể cả thời điểm giáp hạt người dân vẫn không bị dứt bữa. Chính quyền địa phương xã Chung Chải cùng với các chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Leng Su Sìn (Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên) luôn bám nắm địa bàn cơ sở; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội; đồng thời vận động, tập huấn những kiến thức về chăn nuôi, phát triển kinh tế; tình trạng di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy cũng không xảy ra như trước đây. Nhờ thế càng tạo điều kiện cho người dân Si La phát triển, đời sống càng khấm khá hơn, bản làng yên ấm hơn.
Rời bản Nậm Sin, ấn tượng đọng lại trong chúng tôi là lời cụ già Hù Chà Xí khi tiễn chúng tôi cửa ngõ đầu bản, trong chếnh choáng hơi men của loại rượu chưng cất bằng lúa nương ủ men lá, lời cụ Xí giản dị mà đượm tình: “Bà con sẽ nhớ mọi người, Tết năm sau hãy còn nhớ đường về bản”. Tiếng suối của dòng Nậm Sin vẫn róc rách chảy như theo chân chúng tôi trên con đường ra lại trung tâm xã Sín Thầu của vùng ngã ba biên; vọng lại sau lưng chúng tôi vẫn là tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ đang đánh cù bên những khoảng trống sau con dốc bảng lảng khói lam chiều.