Phần lớn tuồng tích sân khấu truyền thống của người Khmer đều có nhân vật chằn trong vai diễn phản diện. Tuy là tưởng tượng, nhưng hình tượng chằn đã trở nên quen thuộc với đồng bào Khmer Nam Bộ.
Chằn là nhân vật hoang đường, có sức mạnh phù phép có thể hóa thân thành người hoặc các loài vật khác. Hình tượng chằn trên sân khấu Dù kê có tính chất tổng hợp từ quan niệm truyền thống của đạo Bà la môn lẫn quan niệm chính thống của Phật giáo nguyên thủy. Chính điều này đã giải thích những khác biệt ít nhiều về những nhân vật chằn trong truyện cổ dân gian của đồng bào Khmer.
Trong Dù kê, vai chằn thường được người cao lớn đóng |
Trong sân khấu Dù kê, chằn không phải là kẻ bần tiện, rách rưới đói khát, mà là những kẻ giàu sang, lắm mưu nhiều kế, quỉ quyệt và háo sắc. Sở trường của chằn là sử dụng ma thuật gây chiến tranh, chém giết, cướp vợ người…, đặc biệt là các nàng công chúa xinh đẹp. Mâu thuẫn giữa chằn và người thường xuất hiện trong nội dung tuồng cổ của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Chằn cũng có chằn hề để gây cười và tạo sự gần gũi với khán giả. |
Trong sân khấu Dù kê, chằn xuất hiện với tên tuổi khác nhau, với nhiều thủ đoạn gian ác, diệt được lũ chằn là kết thúc, người hùng sẽ được lấy cô gái mà mình cứu thoát - thường là cô công chúa xinh đẹp và được phong vương khi vua cha qua đời.
Một tiết mục Dù kê của đoàn nghệ thuật Khmer Ron Ron tỉnh Sóc Trăng. |
|
Đặc biệt, trong truyện kể, cốt truyện thường được xoay quanh sự tranh chấp quyền lực ở cung đình. Trong tuồng tích Rut Thi Sen - Neang Kong Rey, lũ chằn là các bà thứ phi gian ác, cam tâm ám hại hoàng hậu để độc chiếm sự sủng ái của nhà vua, mong chiếm đoạt ngai vàng. Sứ mệnh diệt chằn được giao cho con trai của hoàng hậu, nhằm vạch trần bộ mặt thật của lũ chằn mỹ nhân kế.
Có lúc chằn phải hóa thân thành người để thực hiện mưu đồ hung ác. |
Nói cách khác, diệt chằn là sự phá hỏng mưu đồ đen tối, giúp người tốt và người hùng sống lại. Đây cũng chính là cách giải quyết xung đột thường gặp trong vở diễn Dù kê cũng như các thể loại truyện cổ khác của cộng đồng dân tộc Khmer.
Trong vỡ diễn Rut Thi Sen - Neang Kong Rey, trách nhiệm diệt chằn thuộc về con của hoàng hậu. |
Hình tượng chằn trên sân khấu Dù kê gần giống như kép núi trong tuồng tích của Hát Bội và Hồ Quảng, với cặp nanh cong và dài, lúc ngậm vào lúc lồi ra hai bên mép, làm tăng thêm tính hung ác và quyền lực đen tối…
Một tiết mục Dù kê của đội Thông tin - Văn nghệ Khmer tỉnh Cà Mau. |
Hiện nay, dù nhận thức về hình tượng chằn có thay đổi, song cấu trúc song tuyến đối lập - thiện và ác, nhân đức và bạo tàn, chính nghĩa và phi chính nghĩa, yêu nước và phản quốc trong tuồng tích truyền thống dường như đã trở thành một quán tính của thị hiếu tâm lý thưởng ngoạn sân khấu, chưa thay đổi được đối với các thầy tuồng và trong lòng khán giả nói chung, trong đó có người Khmer Nam Bộ nói riêng.
Bài và ảnh: Xuân Trang