Tưng bừng lễ hội Ok Om Bok

Tối 28/11, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer đã diễn ra tại khu văn hóa Ao Bà Om (tỉnh Trà Vinh), thu hút hàng ngàn người dân trong tỉnh và du khách các nơi về cùng vui lễ.


Đua ghe ngo mừng lễ hội Ok Om Bok ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung hiếu


Trong lễ hội Ok Om Bok năm nay, lễ cúng Trăng (lễ chính) đã được sân khấu hóa, dàn dựng công phu, với sự thể hiện của các nghệ sĩ đến từ đoàn nghệ thuật Khmer "Ánh bình minh", tái hiện hình ảnh bà con Khmer cúng trăng tạ ơn Thần Mặt trăng trong năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới thời tiết được thuận lợi, giúp người dân trúng mùa, no đủ…


Tiếp theo đó là nghi thức thả hoa đăng và diễu hành quanh khu vực Ao Bà Om. Đặc biệt, lần đầu tiên 8 “ngôi nhà chung”, đại diện cho 8 huyện, thành phố trong tỉnh, cũng đã được dựng tại Ao Bà Om, trưng bày những nông cụ, cổ vật, giới thiệu những thành tựu kinh tế, văn hóa đặc sắc của địa phương mình cho khách tham quan.


Nằm trong chuỗi hoạt động mừng lễ hội Ok Om Bok, sáng 28/11, cũng tại khu văn hóa Ao Bà Om đã diễn ra trận thi đấu chung kết giải bóng chuyền thanh niên dân tộc Khmer, cùng nhiều trò chơi dân gian như chạy vòng quanh Ao Bà Om, kéo co, đẩy gậy. Trong thời gian diễn ra lễ hội (từ ngày 24 - 28/11), tỉnh Trà Vinh còn đăng cai tổ chức nhiều giải đấu mang tầm quốc gia như Giải đua ghe ngo toàn quốc năm 2012, Giải đua xe môtô 125 phân khối tranh cúp các câu lạc bộ toàn quốc năm 2012.


Ngoài ra, còn có Hội chợ xúc tiến thương mại và du lịch với quy mô cấp khu vực, thu hút 150 doanh nghiệp với 360 gian hàng của 20 tỉnh thành, phục vụ đông đảo bà con Khmer, nhân dân trong tỉnh và du khách tham quan, mua sắm, thưởng thức những đặc sản, sản phẩm độc đáo đặc trưng của Trà Vinh và các tỉnh, thành khác.


* Trong khuôn khổ lễ hội Ok Om Bok, tại tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức giải đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer trên sông Maspero (thành phố Sóc Trăng).


Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, với sự cổ vũ nhiệt tình của cả trăm ngàn lượt khán giả đến từ khắp nơi trong cả nước, 42 ghe ngo nam và 6 ghe ngo nữ trong và ngoài tỉnh Sóc Trăng (với gần 2.500 vận động viên là các tay bơi nông dân tham gia tranh tài) đã hoàn thành những nội dung đua và xác định xong các ngôi thứ sau những vòng đua tranh quyết liệt.


Ở cự ly 1.000 m nữ, đội ghe Ngo chùa Đầu Sấu (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) đã xuất sắc bảo vệ thành công chức vô địch sau khi tranh tài với ghe Ngan Dừa (cũng của tỉnh Bạc Liêu) ở vòng đua chung kết; đội ghe chùa Đơm Pô (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) giành vị trí thứ 3.


Hấp dẫn nhất là cuộc tranh tài giữa các đội ghe ngo nam cự ly 1.200 m. Có 42 đội tham dự, trong đó có 2 ghe ngo đến từ Cà Mau và 4 ghe ngo của tỉnh Bạc Liêu. Các ghe được chia làm 13 bảng lấy 16 đội vào tranh chung kết xếp hạng.


Sau 7 vòng đấu với 64 trận đua tài quyết liệt diễn ra từ vòng loại đến vòng chung kết, kết quả cuối cùng, đội ghe ngo chùa Tức Prây (chùa Nước Mặn) của huyện Long Phú đã xuất sắc giành chức vô địch sau khi giành chiến thắng rất khó khăn trước đội ghe ngo vô địch mùa giải năm trước là Pông Tức Chăs của huyện Thạnh Trị (đội ghe chùa Pông Tức Chăs đoạt hạng nhì). Đội ghe ngo chùa Rạch Giồng (tỉnh Cà Mau) cũng đã chiến thắng trong gang tấc trước đội ghe ngo chùa Bốn Mặt của huyện Châu Thành (Sóc Trăng) để giành vị trí thứ 3 chung cuộc.



Lê Hiền - Thanh Hòa- Trung Hiếu

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN