TP Hồ Chí Minh tăng học phí năm học 2013 - 2014: Tạo môi trường học tập tốt hơn

Kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh mới đây đã thông qua tờ trình điều chỉnh mức thu học phí đối với các trường công lập. Theo đó, mức học phí sẽ tăng gấp 3 - 4 lần so với trước đây, áp dụng từ năm học 2013 - 2014. Trong khi ngành giáo dục cho rằng mức tăng học phí như vậy là phù hợp thì nhiều phụ huynh lại tỏ ra lo lắng với gánh nặng học phí mới.

 

Nhà trường vui


Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, từ nhiều năm nay, việc xây dựng mức thu học phí thường dựa theo mức thu lần trước, chứ không xây dựng trên cơ sở thu đủ bù chi sau khi được phân bổ ngân sách. Bên cạnh đó, từ năm 2004 khi thực hiện chế độ lương mới, các trường phải trích 40% tổng thu học phí để phục vụ cải cách tiền lương. Với mức thu học phí thấp, lại phải trích học phí chi lương, nên kinh phí dành cho hỗ trợ giảng dạy của các cơ sở giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu.


 

Học phí tăng sẽ tránh được tình trạng lạm thu trong nhà trường.

 

Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), chia sẻ: “Giá cả mỗi lúc mỗi tăng, các trang thiết bị dành cho hoạt động trong nhà trường cũng tăng. Mỗi khi vào đầu năm học mới, việc sửa chữa lại phòng ốc phục vụ cho học tập rất tốn kém, chưa kể đầu tư cho trang thiết bị; trong khi kinh phí hạn hẹp đã làm cho nhà trường thiếu trước hụt sau. Nếu như tăng học phí, nhà trường sẽ có điều kiện để đầu tư thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phục vụ cho việc học và dạy tốt hơn”.


Cùng chung suy nghĩ này là cô Thùy Hân, Hiệu trưởng một trường mầm non ở quận 4: “Mỗi năm tiền chi cho đầu tư, tu sửa lại cơ sở vật chất rất tốn kém. Đặc biệt, ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo phải đầu tư rất nhiều về đồ chơi trong nhà và đồ chơi ngoài trời cho trẻ. Trong khi đó, nhà trường chỉ được trích ra 15% từ tiền học phí để chi trả cho phần cơ sở vật chất. Số tiền đó thì cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Bởi vậy, mỗi khi vào năm học mới, nhà trường lại gồng mình làm sao cân đối giữa một số tiền ít với nhiều khoản phải chi sao cho phù hợp. Để nâng cao chất lượng hoạt động, nhà trường cũng phải đi vận động các Mạnh thường quân, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, việc vận động này lại tạo ra sự hiểu lầm giữa nhà trường và phụ huynh”.


“Do mức học phí thấp, không ít nhà trường, đặc biệt là các trường phổ thông công lập thực hiện những khoản thu khác, tạo ra tình hình phức tạp, thiếu minh bạch trong cơ cấu tài chính nhà trường, dẫn đến tình trạng lạm thu, gây bức xúc trong dư luận”, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhìn nhận. Chính vì thế, việc Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua mức thu học phí mới đã được các trường rất đồng thuận. Hiện việc thu chi học phí mới như thế nào các trường đều vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên nhiều trường đều cho rằng, nếu học phí tăng, các trường sẽ sử dụng vào đầu tư trang thiết bị vật chất để giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn.

 

Phụ huynh lo lắng


Việc tăng học phí khiến nhiều người dân tỏ ra lo lắng, vì từ trước đến nay, để con em mình được đến trường, phụ huynh không chỉ lo mỗi gánh nặng về học phí, mà còn phải chi thêm rất nhiều khoản đóng góp khác.
Chị Nguyễn Thị Thủy, có con đang học lớp 9 tại một trường THCS ở quận Gò Vấp, rầu rĩ nói: “Mỗi khi vào đầu năm học mới, bên cạnh tiền học phí thì còn rất nhiều khoản phải chi như tiền xây dựng, tiền vận động của ban đại diện cha mẹ học sinh, tiền học thêm, tiền đồng phục... trong khi tôi làm công nhân, lương tháng chỉ trên 3 triệu đồng. Thời buổi cái gì cũng tăng liên tục, trong khi đó việc làm thì không ổn định, lúc nào cũng trong tình trạng thấp thỏm lo bị cho nghỉ việc, việc tăng học phí sẽ tăng thêm gánh nặng cho chúng tôi”.


Còn chị Hoàng Kiều Oanh, có 3 người con đang theo học ở các cấp THPT, THCS và tiểu học, tỏ ra lo lắng: “Những năm học trước, chỉ riêng chi cho tất cả các khoản tiền học của 3 đứa vào đầu năm đã mất hết gần chục triệu. Nay nghe nói học phí lại tăng gấp 3 - 4 lần thì chắc gia đình tôi phải “chắt chiu” hơn trong việc chi tiêu”.


Trước những lo lắng của phụ huynh, ông Lê Hồng Sơn cho rằng, việc điều chỉnh mức học phí ít nhiều ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, việc áp dụng mức thu học phí mới sẽ giúp các trường có thêm nguồn thu để phát triển hài hòa các hoạt động giáo dục, tạo môi trường dạy và học tốt hơn.


Còn ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Để giảm bớt chi phí học hành cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thành phố và các quận, huyện đều có chính sách miễn giảm từ 50 - 100% học phí, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường. Đối với các trường chuyên, lớp chuyên thì học sinh học lớp chuyên không thu học phí, học sinh học lớp thường thu theo mức học phí phổ thông cùng cấp”.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN