Ngày 12/8, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã bãi nhiệm Bộ trưởng quốc phòng và Tham mưu trưởng quân đội nước này, và bổ nhiệm các nhân vật thay thế. Động thái này được coi là phép thử cán cân quyền lực giữa phe quân đội hùng mạnh và vị tổng thống dân sự đầu tiên của Ai Cập.
Bộ trưởng Quốc phòng Tantawi (trái) đã bị Tổng thống Morsi (giữa) bãi nhiệm. |
Các sắc lệnh mới đã bổ nhiệm Tướng Abdel Fattah al-Sisi - 57 tuổi - làm việc trong lực lượng tình báo quân sự, thay thế vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và chức Chủ tịch Hội đồng quân sự tối cao (SCAF) của người tiền nhiệm Hussein Tantawi; và Tướng Sidki Sobhi - 56 tuổi - vào vị trí Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ai Cập, thay cho ông Sami Enan. Ông Tantawi từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong 20 năm dưới chính quyền của Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak, sau đó đứng đầu SCAF sau làn sóng biểu tình lật đổ ông Mubarak hồi năm 2011, cho đến khi chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Morsi hôm 30/6.
Ngay sau khi phát ngôn viên Tổng thống Ai Cập thông báo về các sắc lệnh trên, hàng nghìn người ủng hộ phong trào Hồi giáo đã hân hoan đổ ra quảng trường Tahir ở thủ đô Cairô và nhiều thành phố khác chào mừng quyết định của Tổng thống Morsi. Trong một cuộc tái cơ cấu triệt để tầng lớp lãnh đạo quân sự Ai Cập, Tổng thống Morsi cũng đã quyết định cho về hưu các lãnh đạo lực lượng hải quân, phòng không và không quân.
Các nhà phân tích tại Ai Cập đã tán dương động thái mà họ cho là "bước đi đầu tiên nhằm xây dựng một nhà nước do dân làm chủ". Nhà phân tích Gamal Soltan nhận định: "Xung đột giữa Tổng thống và SCAF đã được dự báo trước, song không ngờ lại nhanh như vậy". Một số nhà quan sát so sánh sự kiện hôm 5/8, khi 16 binh sỹ Ai Cập thiệt mạng trong một vụ tấn công nhằm vào một đồn biên phòng giáp với Ixraen tại bán đảo Sinai, như là “giọt nước tràn ly”, thúc đẩy ông Morsi hành động cứng rắn hơn nhằm khẳng định quyền lực đối với giới tướng lĩnh cấp cao quân đội. Sau vụ này, Tổng thống Morsi đã cách chức Giám đốc Cơ quan Tình báo Murad Muwafi.
Tuy nhiên, lực lượng quân đội Ai Cập đã thao túng quyền lực tại quốc gia này suốt từ sau cuộc đảo chính năm 1952. Các nhà phân tích nhận định việc cách chức ông Tantawi và Enan không đồng nghĩa với việc quân đội, thể chế quyền lực nhất tại Ai Cập, sẽ dễ dàng từ bỏ quyền lực và các đặc quyền trong suốt 60 năm qua.
Nhưng với các sắc lệnh táo bạo hôm 12/8, giới phân tích cho rằng Tổng thống Morsi đã khôi phục hoàn toàn quyền lực của một tổng thống, kiểm soát việc dự thảo hiến pháp và quyền ban hành luật. Tổng thống Morsi quyết định rằng nếu quốc hội gồm 100 thành viên thất bại trong việc dự thảo hiến pháp vì bất kỳ lý do gì, chính Tổng thống sẽ là người đưa ra một bản hiến pháp mới trong vòng 15 ngày, và cho phép hoàn thiện bản hiến pháp này trong 3 tuần sau đó. Một cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo này sẽ được tiến hành trong 30 ngày. Cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra sau đó nếu bản dự thảo được áp dụng.
T.L