Thượng viện lạc quan Mỹ sẽ không vỡ nợ

Khi thời điểm chính phủ Mỹ cạn tiền đang đến gần (ngày 17/10), lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện dường như đã xích lại gần hơn tới một thỏa thuận nhằm tránh cho nền kinh tế nước này, cũng như kinh tế thế giới nói chung, khỏi một thảm họa nhãn tiền.


Kế hoạch cứu cánh


Hi vọng cứu nước Mỹ chính là một kế hoạch do lãnh đạo phe đa số Dân chủ ở Thượng viện, ông Harry Reid và lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa, ông Mitch McConnell đề xuất. Kế hoạch này sẽ cho phép gia hạn trần nợ công đến ngày 7/2/2014, cấp tiền cho chính phủ hoạt động đến ngày 15/1/2014, đồng nghĩa chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa suốt từ đầu tháng đến giờ.


Cựu chiến binh Mỹ biểu tình ngày 13/10 đòi chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa. Ảnh: AFP/TTXVN


Kết thúc phiên làm việc tại Thượng viện hôm 14/10, ông Harry Reid cho biết ông rất lạc quan rằng các bên sẽ đạt thỏa thuận hợp lý trong tuần này để mở cửa chính phủ lại, trả nợ quốc gia và bắt đầu các cuộc đàm phán dài hơi về ngân sách tài khóa mới. Ông Reid nhấn mạnh rằng dù chưa đạt được thỏa thuận nhưng “đang tiến triển rất tốt”.


Chia sẻ tinh thần lạc quan, nghị sĩ McConnell nói thêm rằng họ sẽ đạt được một kết quả mà cả phe Dân chủ và Cộng hòa đều có thể chấp nhận được.
Bình luận của hai nhà lãnh đạo tại Thượng viện Mỹ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy phe Cộng hòa và Dân chủ, ít nhất là ở Thượng viện, đều muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng đang làm lung lay vị thế quốc tế của Mỹ.


Trước đó, Tổng thống Barack Obama đã hủy một cuộc họp với các lãnh đạo lưỡng viện để Thượng viện có thêm thời gian tiếp tục bàn bạc về kế hoạch nói trên.


Tuy nhiên, không có đảm bảo nào cho thấy nỗ lực của bộ đôi Reid - McConnell sẽ thành công. Dù Thượng viện Mỹ có ủng hộ kế hoạch nói trên thì Chủ tịch Hạ viện Mỹ, nghị sĩ Cộng hòa John Boehner, vẫn sẽ không dễ dàng giành đủ số phiếu ủng hộ tại Hạ viện để thông qua kế hoạch rồi chuyển cho Tổng thống Obama ký thành luật. Trong khi đó, Hạ viện luôn luôn có những gương mặt nghị sĩ bảo thủ do Đảng Trà hậu thuẫn, “lăm le” phản đối gần như bất kỳ thỏa thuận nào ủng hộ đạo luật chăm sóc sức khỏe “Obamacare” hoặc không hạn chế chi tiêu liên bang. Bản thân giới lãnh đạo Hạ viện cũng chưa quyết định thuyết phục những nghị sĩ bảo thủ có “máu mặt” trong khi thời điểm Mỹ “cháy túi” 17/10 đang cận kề.


Nguy cơ cận kề


Trung Quốc và Nhật Bản - hai nước mà Mỹ đang nợ tổng cộng hơn 2.400 tỷ USD - đã kêu gọi Washington giải quyết “việc nhà” để tránh ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới.


Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc, ông Zhu Guangyao, nhấn mạnh: “Chúng tôi yêu cầu rằng Mỹ, với tư cách là nước phát hành đồng tiền dự trữ quan trọng và là nền kinh tế lớn nhất thế giới, phải có trách nhiệm tương xứng. Điều này nhằm bảo vệ và tăng cường sự ổn định của thị trường tài chính quốc tế”. Ông Zhu Guangyao cho rằng Mỹ phải giải quyết bế tắc tài khóa, giữ động lực tăng trưởng kinh tế an toàn để tránh đẩy nền kinh tế thế giới thụt lùi.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Taro Aso ngày 15/10 cũng cho rằng nhiều chính khách Mỹ dường như không hiểu rõ mức độ ảnh hưởng toàn cầu nếu Mỹ vỡ nợ.


Chính phủ Mỹ đã phải cho ngừng hoạt động một số cơ quan từ ngày 1/10 do hai viện quốc hội không thông qua được ngân sách cho năm tài khóa mới.


Hạ viện Mỹ đã đề xuất một dự luật riêng cho vấn đề nêu trên. Dự luật này cũng tương tự kế hoạch của Thượng viện, nhưng khác ở một điểm là có điều khoản ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình “Obamacare”. Ngay lập tức, Chính phủ Mỹ đã bác bỏ đề xuất này.



Thùy Dương

Obamacare, nợ nần và thảm họa
Obamacare, nợ nần và thảm họa

Sau 7 năm, chính quyền liên bang Mỹ lại bị buộc phải đóng cửa một phần. Cùng lúc này, Cục Dự trữ Liên bang cũng đã "cạn kiệt thủ thuật" mượn tiền bởi nợ đã kịch trần. Nguy hiểm đã cận kề, vậy mà các nhà làm luật vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung đối với vấn đề tài chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN