Thị trường chứng khoán 12 năm thăng trầm

Thời kỳ hoàng kim của thị trường chứng khoán (TTCK) với lượng người đến giao dịch đông như trẩy hội, các công ty chứng khoán (CTCK) “mọc” lên như nấm sau mưa. Thế nhưng tại “phố Wall của Sài Gòn” - phố Nguyễn Công Trứ (quận 1, TP.HCM), hiện nay chỉ còn lác đác vài CTCK với lượng người giao dịch đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là nét chính của bức tranh thăng trầm của TTCK sau 12 năm đi vào hoạt động.

 

Khó chồng khó


Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), huy động vốn của TTCK qua 12 năm được 700.000 tỷ đồng. Với con số này, TTCK được xem là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh ngân hàng khó khăn.


 


Nhà đầu tư theo dõi diễn biến các chỉ số tại sàn giao dịch chứng khoán Rồng Việt (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phạm Hậu - TTXVN

 

Tuy nhiên, trong 12 năm qua, TTCK Việt Nam đã không ít lần biến động mạnh. Năm 2007, khi TTCK ở thời kỳ hoàng kim, nhiều nhà đầu tư đã xem TTCK như một “canh bạc” lớn, nhà đầu tư đổ xô đầu tư chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận. Bước sang 2008, TTCK đã bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sự đi xuống chỉ là nhất thời và TTCK sẽ sớm trở lại về thời hoàng kim đã có. Vì thế, số lượng nhà đầu tư và các CTCK vẫn tiếp tục tăng. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, TTCK đã “tuột dốc không phanh” bất chấp các chuyên gia nhận định thị trường sẽ sớm khởi sắc.


Nhìn nhận về nguyên nhân đi xuống của TTCK, các chuyên gia kinh tế cho rằng TTCK vẫn bị làm giá và báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết phần lớn chưa minh bạch. Chưa kể, tình hình kinh tế khó khăn đã kéo các doanh nghiệp niêm yết rơi vào khó khăn, nợ nần chồng chất. Một hệ quả khác là sự tăng trưởng nóng của tín dụng do sự cho vay dễ dãi, cùng với sự suy yếu của kinh tế đã làm TTCK liên tục đỏ điểm. Mới đây, sau thông tin “bầu Kiên” (ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á châu - ACB) và nguyên Tổng giám đốc ACB Lý Xuân Hải bị bắt đã làm rúng động giới đầu tư. Khi niềm tin bị sụp đổ thì thanh khoản của TTCK theo đó cũng “bốc hơi”. Chỉ tính từ ngày 20 - 23/8, VN - Index giảm 10%, rơi xuống 392,8 điểm; còn HNX - Index giảm 13,4% giá trị, rơi xuống 61,2 điểm. Cùng với sự giảm điểm, vốn hóa sàn HoSE mất 67,5 nghìn tỷ, xuống còn 604,8 nghìn tỷ đồng. Tương tự, vốn hóa sàn HNX giảm 12,6 nghìn tỷ xuống còn 82,5 nghìn tỷ đồng.


Rõ ràng, TTCK tuy hoạt động 12 năm nhưng vẫn là lĩnh vực kinh doanh mới, chứa đựng nhiều khó khăn và rủi ro. Thực tế, vài năm trở lại đây đã có nhiều CTCK thua lỗ. Theo đại diện của UBCKNN, nếu để rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt 6 tháng liền, kèm với lỗ luỹ kế 50% vốn điều lệ, sẽ có nhiều CTCK bị đình chỉ hoạt động. Hiện có 40/105 CTCK khó khăn về thanh khoản không đảm bảo chỉ tiêu an toàn tài chính; có 71 CTCK bị thua lỗ (do giá cổ phiếu giảm thấp và đầu tư không hiệu quả). Chưa kể quý I/2012, đã có 4 CTCK xin rút nghiệp vụ môi giới, điều này đồng nghĩa những CTCK này sẽ xóa sổ hoạt động. Nhiều chuyên gia dự báo, trong tổng số các CTCK hiện nay, sẽ chỉ còn khoảng 1/3 tồn tại, khi mà các quy định quản lý CTCK ngày càng chặt chẽ.

 

Hy vọng một tương lai sáng


Dù vậy, theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, dù đối mặt với những “vấp ngã” trên, TTCK Việt Nam vẫn có sự trưởng thành. Việc đảm bảo thị trường vận hành an toàn, ổn định ngay trong những thời điểm khó khăn nhất là điều mà không phải TTCK non trẻ nào cũng đạt được.


Theo thống kê của UBCKNN, sự trưởng thành của thị trường được thể hiện sinh động qua nhiều con số. So với cách đây 12 năm, quy mô thị trường hiện tăng trên 50 lần, vốn hóa năm đầu tiên dưới 1% GDP, nhưng cuối năm 2011 đạt gần 27%. Khối lượng giao dịch cũng tăng 30 - 40 lần so với năm đầu tiên giao dịch. Công ty niêm yết trong năm đầu tiên thị trường hoạt động chỉ hơn 10 doanh nghiệp, nay tăng lên gần 800 doanh nghiệp.


Năng lực huy động vốn thực sự là điểm đáng chú ý với gần 700.000 tỷ đồng huy động cho nền kinh tế qua 12 năm, đỉnh cao là năm 2007 đạt 127.000 tỷ đồng. Luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thời điểm cao nhất lên đến 12 tỷ USD, nay khoảng 6,7 tỷ USD, góp phần cân bằng cán cân thanh toán, cũng như gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế.


Mặt khác, các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã có những bước phát triển về quy mô, mạng lưới công nghệ và trở thành một tổ chức trung gian phục vụ cho hoạt động tư vấn, cổ phần hóa kết nối cung cầu trên thị trường chứng khoán. Ngay cả các tổ chức thị trường như Sở, Trung tâm Lưu ký cũng ngày càng phát triển, công nghệ thông tin đã được cải thiện, nhiều dịch vụ, nghiệp vụ, sản phẩm mới cũng đã được triển khai đảm bảo cho hoạt động thị trường được thông suốt, không xảy ra đổ vỡ. Khung pháp lý cho thị trường cũng ngày càng được hoàn thiện và từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế. Về số lượng tài khoản, nhà đầu tư cũng ngày một gia tăng, khi mới có thị trường chứng khoán chỉ có khoảng 3.000 tài khoản, nhưng đến hiện nay đã có 1,2 triệu tài khoản. Lượng vốn huy động qua thị trường, đặc biệt là từ khối nhà đầu tư nước ngoài đến đạt khoảng 8 tỷ USD.


Mặt khác, trước những khó khăn của TTCK, UBCKNN đã trình Bộ Tài chính, Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020, đồng thời xây dựng tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đó, định hướng dài hạn thời gian tới là tập trung vào tái cấu trúc 4 trụ cột: hàng hóa, nhà đầu tư, công ty chứng khoán và các sở giao dịch chứng khoán.

 

H.Y

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN