1. Câu chuyện bắt đầu bằng những điều tưởng như trong cổ tích. Rằng mùa lũ miền núi dài và đầy gian nan. Thường thường, cứ mỗi cuối tuần là trò về nhà, thầy cô miền núi về xuôi gồng gánh đồ ăn cho một tuần sắp tới. Nhưng vào mùa lũ, những cơn mưa ào ạt quá đã khiến những lạch suối nhỏ trở thành một con sông khúc rộng, khúc sâu. Đi bộ hơn chục cây số đường núi bị mưa dầm nát bấy thì gặp khúc sông khó đi, nhiều cô giáo đã phải òa khóc trên đường trở lại trường mà không có gạo mang lên cho học sinh.
Cô Hoàng Thị Huyền, điểm trường Ngọ Lành, Nậm Lành, Văn Chấn, Yên Bái. |
Rồi chuyện các thầy, cô gạt cả nỗi sợ hãi ngồi lên những chiếc gàu máy xúc để qua sông. Những người lái máy xúc, cả cơn mưa, cả con sông đang gào thét kia như biết tầm quan trọng chuyến qua sông của người thầy đồng lòng tặng hai chữ an lành. Đó là chuyện tôi được nghe kể lại khi đến với điểm trường Khe Kim, trường dân tộc nội trú Nậm Mười, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
2. Cô Hoàng Thị Huyền năm nay đã ngoài 40 tuổi, cô nguyện không lấy chồng để gắn bó với điểm trường sát chân núi Ngọ Lành. Điểm trường Ngọ Lành, nơi chỉ có 26 học sinh người Mông và người Dao theo học và ở lại nội trú là điểm trường xa xôi nhất của trường dân tộc nội trú Nậm Lành, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Gần chục năm dạy học ở đây, cô đã chứng kiến gia cảnh nghèo khó của nhiều em học sinh, nhưng không ít trong số đó vẫn cố bám trường bám lớp học cái chữ. Riêng lớp cô đang dạy có 11 em thì quá nửa trong số đó thường xuyên không đủ ăn. Cô kể, có khi hết gạo, 5 - 6 em chung nhau một gói mì, nấu nhiều nước rồi húp cho no bụng. Còn ngày thường món ăn của các em là cơm với ít ớt dầm muối cũng ngon rồi.
Điểm trường vùng cao đơn sơ. |
Hôm tôi đến thăm điểm trường Ngọ Lành, cô Huyền buồn bã khi phát hiện ra 2 chị em học sinh Mùa A Páo đã trốn lớp tự khi nào. Nhà các em tuy chỉ cách trường 5 km nhưng lại thuộc diện đặc biệt khó khăn do bố mất sớm. Chỉ thêm một ngày nữa là đến thứ 6, ngày các em được về nhà khi kết thúc buổi học nhưng các em vẫn bỏ về vì hết gạo.
Cô Vũ Thị Minh Thu, Phó Hiệu trưởng của trường Nậm Lành cho biết: “Thiếu quần áo, sách vở là chuyện bình thường của học sinh vùng cao. Có những em nhà cách xa gần 20 km đường đèo, đường núi, các em đi học đều đã là may mắn. Cô kể, trong các giờ học, nhiều em đột nhiên ngất xỉu rồi lịm đi. Biết ngay các em bị đói, có khi mấy ngày chưa ăn gì, cô giáo đi úp gói mì cho ăn, các em mới tỉnh lại. Tình trạng đó với học sinh vùng cao còn không ít, nhất là những lúc giáp hạt.”
Chi đoàn báo Tin Tức tặng quà học sinh điểm trường Làng Cò. |
3. Trẻ con vùng cao, vùng lũ yêu cái chữ lắm. Cha mẹ các em cũng yêu con chữ, yêu thầy cô nhiều như vậy, bởi họ biết những thầy cô từ xuôi lên đây dạy học đang cố gắng mang tri thức, đem đến cho con em họ tương lai sáng hơn. Nhưng những tập tục cũ cứ cuốn họ đi, giữ chân con cái họ ở nhà. Các cô, thầy mỗi lần cho các con về nhà lại lo các con không về lớp đúng hẹn. Cơn cớ là từ tập tục kiêng của người Dao. Một năm, người Dao có đủ thứ ngày kiêng như "kiêng gió", “kiêng dao - cuốc”, “kiêng chuột”, “kiêng sấm”... Gặp vào ngày đó thì không nên làm bất cứ công việc gì, bởi nếu có làm cũng sẽ gặp trắc trở, không được thuận chèo mát mái. Tốt nhất là hãy gác lại mọi công việc trong đó có cả công việc đi học của các con để ở nhà chơi. Đó là chưa kể đến những ngày cúng ma làng hoặc nếu nhà có người chết thì các em học sinh phải nghỉ học cả một tháng theo đúng luật tục.
Giờ đây, người dân đã quen với việc các thầy cô hàng tuần, hàng ngày vào bản làm công tác vận động, trò chuyện với già làng, trưởng bản để từ đó khiến cho người dân, cha mẹ các em học sinh tin tưởng, coi trọng tấm lòng người giáo viên trên mảnh đất nghèo. Nhờ vậy, thay vì phải lên nương làm rẫy hay đi nhặt quế cả ngày, bọn trẻ đã được học cái chữ tròn méo ra sao, được nô đùa cùng nhóm bạn đồng trang lứa.
4. Hạnh phúc nhất trong những chuyến đi là chứng kiến tình yêu của các em học sinh dành cho thầy cô giáo gần gũi và chân thành. Để có thể lên được điểm trường sát chân núi Ngọ Lành, thầy hiệu phó đã đèo tôi leo 7 cây số dốc núi đúng vào giờ các con tan trường về. Thế là suốt dọc đường 7 cây số ấy, tôi nghe tiếng râm ran “em chào thầy”, “em chào thầy Toàn”, “em chào thầy... (là tôi)”. Bao nhiêu lời chào là bấy nhiêu lời đáp của thầy. Những lời đáp ấy không chỉ là “thầy chào em” mà thầy còn nhớ rõ từng tên học trò. Thi thoảng trên đà lao dốc, thầy còn kịp đáp lời một phụ huynh, hay chậm lại chào hỏi một bà cụ đang ngồi khâu giữa sân. Còn gì hơn những tấm lòng của người thầy.
Trăn trở bên trang vở của các con. |
5. Đa phần thầy cô giáo cắm bản từ khi còn rất trẻ. Trên điểm trường Hồng Ngài, xã Ý Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, chúng tôi cũng gặp thầy giáo còn rất trẻ đang nghiên cứu tiếng Mông để có thể giảng bài cho các em lớp 1 bằng tiếng Mông. Hồng Ngài cách trục đường chính tới gần 20 cây số đường đất sỏi gồ ghề nên nhiều khi thầy tình nguyện ở lại không về nhà vì sợ không kịp trở lại trường đúng giờ chào cờ sáng thứ hai, gạt đi nỗi nhớ gia đình nhỏ.
Ở điểm trường Khe Kim, trường dân tộc nội trú Nậm Mười cũng có những gương mặt cô giáo sinh năm 1990, 1991 vừa mới ra trường đã lên nhận nhiệm vụ cắm bản dạy con học chữ. Các cô cắt tóc, tắm rửa cho các con mỗi ngày thành thạo như những người mẹ thật sự, cho dù chưa cô giáo trẻ nào có người yêu.
Miền núi thiếu đủ thứ, thua thiệt nhiều bề so với vùng đồng bằng, song mỗi tấm lòng, mỗi cử chỉ giản dị, đơn sơ đều ấm áp suy nghĩ dành cho học trò. Nếu ngoài kia gió có căm căm, mưa có rả rích thì hãy cứ để cho tình người mênh mang phía sau những lớp học đắp đất, ván gỗ kia. Để tôi lại được đi, được nghe nơi lòng tôi cũng ấm tự khi nào.
Bài và ảnh: Lê Sơn