Công tác phòng, chống dịch bệnh chưa bao giờ là một việc làm dễ dàng, nhất là đối với những địa phương thuộc vùng cao Tây Bắc. Một phần do địa hình và tập quán sinh hoạt của đồng bào bản địa, phần khác do các loại dịch bệnh ở khu vực này thường có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, do thời tiết đang giao mùa nên đã xuất hiện nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Công tác phòng chống dịch bệnh vì vậy càng rất cần đến sự tự giác phòng chống bệnh từ phía người dân...
Yên Bái còn chủ quan trong phòng chống bệnh dại
Ngày 3/4, khi đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái), ông Vũ Văn Vàng, sinh năm 1960, trú tại xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn đã tử vong do lên cơn dại. Tháng 11/2012, ông Vàng bị chó của nhà nuôi cắn, nhưng chủ quan nên không đi tiêm phòng. Chỉ khi ông bị suy hô hấp nặng, sốt cao, sợ gió, nước, gia đình mới vội vã đưa ông vào bệnh viện cấp cứu, nhưng lúc đó thì đã muộn....
Phun thuốc phòng chống dịch bệnh tại các trường mầm non tỉnh Lào Cai. Ảnh: Nguyễn Thắng |
Ông Vàng là nạn nhân thứ tư chết vì mắc bệnh dại của huyện Văn Chấn từ đầu năm đến nay. Và trong nửa đầu tháng tư này, số người đến tiêm phòng dại tại Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ cũng đã tăng đột biến.
Hiện nay, bệnh dại đã bùng phát ở hầu hết 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Chấn. Cùng với các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên, huyện Văn Chấn đang là một trong những vùng trọng điểm của bệnh dại bùng phát và lây lan mạnh. Riêng trong ngày 9/4, tại huyện Văn Chấn đã phát hiện 9 trường hợp bị phơi nhiễm bệnh dại do chó cắn, nhưng chỉ 7 người trong số đó đi tiêm phòng. Từ đầu năm đến nay, riêng huyện Văn Chấn đã có 543 trường hợp bị phơi nhiễm nhưng chỉ có 381 trường hợp tiêm phòng. Trung bình mỗi tháng có một trường hợp tử vong do lên cơn dại.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh dại bùng phát và lây lan mạnh tại huyện Văn Chấn là do tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi chỉ đạt gần 60%. Hơn nữa, tình trạng chó thả rông không được rọ mõm vẫn còn phổ biến, bởi vậy rất khó khống chế và kiểm soát khi bệnh dại bùng phát. Bên cạnh đó, sự hiểu biết về bệnh dại của một bộ phận người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa về bệnh dại còn hạn chế nên dẫn đến chủ quan, thờ ơ với bệnh dại.
Ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn khẳng định: Tình trạng bùng phát bệnh dại một phần là do nhận thức của bà con nơi đây còn hạn chế; công tác tuyên truyền chưa tới với bà con ở những nơi xa trung tâm huyện. Huyện đang đặc biệt quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống bệnh dại đến từng thôn bản, hộ gia đình; đồng thời khuyến cáo người dân nhốt chó mèo trong nhà, không được thả rông. Ngành Y tế chuẩn bị đủ vắcxin để tiêm cho các bệnh nhân bị phơi nhiễm. Huyện Văn Chấn cũng ra chỉ thị cấm vận chuyển chó, mèo vào và ra khỏi địa bàn, góp phần giảm thấp nhất khả năng lây lan của bệnh.
Lào Cai nỗ lực phòng dịch
Tuy mới đến thời điểm bắt đầu vào mùa nóng, nhưng thời tiết tỉnh Lào Cai diễn biến thất thường, vì vậy nhiều dịch bệnh có nguy cơ phát sinh mạnh. Từ đầu năm đến ngày 28/3, ngành Y tế Lào Cai đã ghi nhận được 526 trường hợp bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng vắcxin dại (119 ca ở Văn Bàn, 106 ca ở Bảo Yên, 8 ca ở Bảo Thắng…) và 59 ca tiêm huyết thanh. Nghiêm trọng hơn, có 3 trường hợp bị chó dại cắn, không đến cơ sở y tế tiêm vắcxin, nên đã tử vong. Ngoài ra, còn có 37 trường hợp ở huyện Bát Xát mắc chứng sốt phát ban, tuy chưa có kết quả xét nghiệm, nhưng nghi mắc rubella; 37 ca mắc bệnh tay chân miệng ở Sa Pa, thành phố Lào Cai; 63 trường hợp mắc bệnh quai bị ở xã Bảo Hà (Bảo Yên)… Các bệnh: Tả, sốt xuất huyết, bạch hầu, ho gà, uốn ván gần đây không xuất hiện ở tỉnh, nhưng không thể không đề phòng, vì vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh.
Bên cạnh đó, Lào Cai là tỉnh biên giới, hoạt động xuất - nhập khẩu, mua bán gia cầm diễn ra sôi động, nên luôn phải đề phòng dịch cúm A/H5N1, nhất là chủng cúm gia cầm mới A/H7N9 đang lây lan ở Trung Quốc.
Ông Nông Tiến Cương, Giám đốc Sở Y tế Lào Cai, cho biết: Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, các Trung tâm y tế dự phòng các huyện, thành phố đã luôn cập nhật nhanh những nhận định, đánh giá diễn biến dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh như dịch sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, quai bị, đặc biệt là nguy cơ diễn biến của cúm A/H7N9 gửi về tỉnh để có biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Cũng theo bà Bùi Thị Lộc, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Lào Cai cũng cho biết: Nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Lào Cai rất cao, bởi Lào Cai với nhiều cửa khẩu và lối mở trên đất liền và trên sông, suối trải dài tiếp giáp với Trung Quốc. Mỗi ngày có hàng nghìn khách du lịch Trung Quốc và cư dân biên giới sang Hà Khẩu (Trung Quốc) làm ăn, buôn bán nhập cảnh vào nội địa. Trong khi đó, tình hình buôn lậu gà, trứng gà, nội tạng động vật có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn tái diễn. Đây là những nguy cơ để dịch cúm A/H7N9 từ Trung Quốc lây nhiễm, xâm nhập vào nội địa Việt Nam. Do vậy, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ du khách và cư dân biên giới nhập cảnh vào Việt Nam, các ngành chức năng liên quan cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn lậu gia cầm qua biên giới và nội địa. Có như vậy, mới hạn chế nguy cơ lây nhiễm cúm A/H7N9 vào Lào Cai.
Trước tình hình đó, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Biện pháp quan trọng nhất hiện nay là cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, hệ thống y tế ở cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hiểu được tác hại, sự nguy hiểm của dịch bệnh, nâng cao nhận thức về việc phòng, chống dịch bệnh mùa hè nói riêng và dịch bệnh theo mùa nói chung. Lực lượng cán bộ y tế thôn, bản đóng vai trò rất quan trọng trong công tác này, nên cần phát huy tinh thần, trách nhiệm với việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện các ca bệnh để xử lý triệt để ngay từ đầu, tránh để lây lan ra diện rộng...
Rõ ràng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các địa bàn vùng cao vẫn luôn tiềm ẩn. Cần lắm sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các ngành chức năng liên quan, cũng như từ sự tự giác phòng, chống dịch bệnh của đồng bào các dân tộc tại mỗi địa phương, mới có thể phòng chống dịch bệnh một cách an toàn và hiệu quả.
Tuấn Anh - Nguyễn Thắng