Trong cái lạnh của núi rừng, chúng tôi vượt quãng đường hơn 100 km đến với Trường mầm non Mường Khong (xã Mường Khong, huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Nhịp sống của các thầy cô giáo ở mảnh đất khó khăn nhất của huyện Tuần Giáo vẫn đều đặn, các hoạt động dạy và học. Một ngày cùng sống với các thầy cô nơi đây, chúng tôi mới thấm hết nỗi nhọc nhằn của nghiệp “gieo chữ” vùng cao.Thầy giáo trẻ Đinh Quốc Quân với những em bé vùng cao. |
Trường mầm non Mường Khong có 18 giáo viên, bao gồm cả điểm trường trung tâm và 5 điểm bản. Hầu hết giáo viên ở độ tuổi từ 22 - 35, nhiều giáo viên là người miền xuôi, vượt núi non đến với con em đồng bào. Thầy giáo Đinh Quốc Quân năm nay 27 tuổi, nhưng đã có 5 năm lăn lộn với con chữ ở vùng cao này.
Sinh ra và lớn lên tại Phú Thọ, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp mầm non tại địa phương, anh đã tình nguyện lên Tây Bắc dạy học. Từ năm 2009, anh Quân nhận công tác tại Trường mầm non Tênh Phông (xã Tênh Phông, Tuần Giáo). Đến nay, anh đã trải qua 2 năm công tác ở 3 điểm bản khó khăn của xã. Đến năm 2011, anh được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo điều động về Mường Khong. Trong 3 năm 2011 - 2014, anh đã công tác ở 2 bản xa nhất, khó khăn nhất của xã là bản Hua Sát và Huổi Nôm, cách trung tâm xã đến 20 km đường núi. Đến tháng 9 vừa rồi, anh mới về điểm trường trung tâm.
Giờ học thể dục sáng sớm tại điểm bản Phai Mướng. |
Anh Quân chia sẻ: “Hai bản Hua Sát và Huổi Nôm là những bản người Mông, dân cư thưa thớt, không có sóng điện thoại, cũng chưa có điện thắp sáng. Điểm trường chỉ là nhà tạm, những ngày mưa gió, thầy trò ngồi trong lớp mà vẫn ướt sũng, lạnh đến thấu xương thịt. Tranh thủ những buổi sáng sớm hay tối đến, tôi lại đến từng nhà dân để vận động học sinh đến lớp. Ban đầu không hiểu tiếng, nên vô cùng khó khăn, nhưng bây giờ tôi có thể giao tiếp sơ sơ tiếng dân tộc Thái và tiếng dân tộc Mông”.
Cô giáo Phạm Thị Nga, ở điểm bản Phai Mướng, là một trong những người có thâm niên công tác lâu nhất ở Mường Khong. Hơn 7 năm công tác tại 3 điểm bản trong xã, cô đã trải qua những vui buồn, những nỗi nhọc nhằn của nghiệp dạy chữ. Cô Nga tâm sự: “Nhà tôi ở tận thị trấn Tuần Giáo, trước đây chỉ cuối tuần tôi mới về thăm chồng và con, nhưng thời gian này, chồng tôi bệnh nặng, nên hàng ngày dạy xong, tôi lại về nhà chăm sóc. Dù khó khăn, nhưng được nhìn các trò tung tăng với những khuôn mặt hồn nhiên, trong sáng, mọi mệt mỏi trong tôi dường như đều tan biến hết”.
Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng thầy cô giáo ở đây luôn gắn bó với trường, dường như chẳng muốn đi nơi đâu nữa.
Chia tay các thầy, cô giáo, đọng lại trong lòng chúng tôi sự cảm phục đối với những con người “gieo chữ” ấy.
Bài, ảnh: Trịnh Xuân Tư