Du khách nhảy sạp, đốt lửa trại cùng bà con bản Pa Búa, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa. |
Bản Pa Búa nằm cách trung tâm thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa khoảng 50km. Trước đây, đường xá đi lại còn nhiều khó khăn nên để vào được bản là cả một hành trình vất vả. Tuy nhiên, nhờ có dự án Thủy điện Trung Sơn, con đường từ trung tâm thị trấn Hồi Xuân đến xã Trung Sơn đã được đầu tư, tạo thuận lợi cho việc đi lại và giao thương của người dân.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình, quê thành phố Thanh Hóa, người đã gắn bó với học sinh vùng cao Trung Sơn gần 20 năm cho biết: Từ khi có dự án lòng hồ Thủy điện Trung Sơn, bản Tà Bán được tách thành 4 khu tái định cư: Keo Đắm, Pom Chốn, Co Pùng, Pa Búa, với 221 hộ dân, 854 nhân khẩu. Bản Pa Búa có 48 hộ dân, hơn 200 nhân khẩu.
Trước đây, người dân trong bản chủ yếu làm nương, rẫy, trồng và khai thác luồng, đóng bè đưa về xuôi bán. Nghề làm rẫy vất vả, thu nhập thấp, trồng cây luồng phải mất từ 5-7 năm mới cho thu hoạch, giá cả không ổn định. Do vậy, cuộc sống người dân vẫn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo.
Dự án thủy điện được triển khai, người dân Pa Búa được hỗ trợ xây dựng nhà ở, cây con giống phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, người dân còn được tập huấn, tư vấn chuyển giao kỹ thuật để thay đổi tập quán canh tác. Nhờ vậy, hiện nay, đời sống của người dân Pa Búa đã khấm khá hơn. 100% trẻ trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Bản có 3 cháu đang học đại học...
Trong ngôi nhà sàn kiên cố, chị Đinh Thị Chật, bản Pa Búa cho biết: Từ ngày chuyển lên nơi ở mới, cuộc sống gia đình chị và các hộ dân nơi đây khấm khá hơn nhiều. Trước kia, chị sống trong vùng lòng hồ, đến mùa mưa bão rất lo có lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, trước đây, Pa Búa nói riêng và Trung Sơn nói chung là “điểm nóng” về ma túy và tệ nạn xã hội. Từ khi chuyển đến nơi ở mới, đời sống ổn định hơn, tệ nạn xã hội đã được đẩy lùi. Người dân trong bản đoàn kết, đồng sức, đồng lòng xây dựng đời sống mới.
Anh Phạm Bá Du, bản Pa Búa phấn khởi nói: Trước đây, gia đình anh là hộ nghèo, kinh tế chỉ trông chờ vào việc trồng cây luồng nên cái đói, nghèo đeo đẳng mãi. Từ khi chuyển đến nơi ở mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình anh đã hoàn thành ngôi nhà mới khang trang.
Anh và người dân trong bản còn được tập huấn phát triển cây trồng, vật nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến nay, gia đình anh đã thoát khỏi diện hộ nghèo, đời sống ổn định. Xã Trung Sơn đã ra Nghị quyết phát triển du lịch cộng đồng bản Pa Búa, anh và một số hộ đã được tập huấn về làm du lịch. Hiện nay, ngoài thời gian làm nương rẫy, khi có khách du lịch, anh lại trực tiếp nấu nhiều món ăn đặc trưng của dân tộc Thái để phục vụ du khách.
Trưởng bản Pa Búa Phạm Bá Mạo phấn khởi cho biết: Pa Búa trước kia dưới lòng hồ thủy điện chưa có điện, đường, nhà văn hóa…. Nay bản đã có đường bê tông vào tận các ngõ. nhà văn hóa được xây dựng khang trang là nơi tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt cộng đồng. Có điện, hầu như các gia đình trong bản đều sắm thiết bị điện tử như ti vi, tủ lạnh… Nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Pa Búa đã thành lập đội văn nghệ thường xuyên tập luyện, biểu diễn, giao lưu với các bản khác trong dịp lễ, Tết; qua đó tăng cường tình đoàn kết giữa các hộ trong bản, động viên nhau xây dựng đời sống mới.
Với lợi thế sẵn có, Pa Púa có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. |
Bản Pa Búa nói riêng, xã Trung Sơn nói chung đã và đang “thay da đổi thịt”. Tuy nhiên, để có những bước đột phá mới trong phát triển kinh tế, du lịch, địa phương cần có sự đầu tư bài bản, đồng bộ hơn. Hy vọng thời gian tới, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đi vào hoạt động sẽ mở ra cơ hội để phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đất này. Bởi từ Trung Sơn, du khách có thể sang Vân Hồ (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Bá Thước) và thăm một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Quan Hóa như hang Co Phương, đền Ông, đền Bà, Thủy điện Thành Sơn, Hồi Xuân...