Sức bật để thoát nghèo bền vững

Được sự tăng cường đầu tư của Nhà nước, nhất là từ Chương trình 135 giai đoạn II, đã “tiếp sức” giúp các tỉnh bắc miền Trung phát huy nội lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương…

 

Cầu treo Na Tao (huyện Mường Lát) làm từ vốn 135 giúp bà con đi lại dễ dàng.

 

Rút kinh nghiệm từ giai đoạn I, chương trình 135 giai đoạn II đã gắn bó với đời sống của bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa bằng những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, có sự tham gia giám sát chặt chẽ của người dân và đáp ứng nguyện vọng thiết thực của bà con.


Chúng tôi về xã Cát Vân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa), một xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chương trình 135. Xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Thổ sinh sống. Con đường được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình 135 (kế hoạch năm 2011, thực hiện năm 2012), dài hơn 1 km vào thôn Vân Thượng chỉ có kinh phí 1 tỷ đồng, nhưng nhờ huy động sức dân, thôn Vân Thượng vẫn hoàn thành được con đường cấp phối rộng hơn 4 m.


Gia đình chị Lê Thị Đức là hộ khó khăn trong thôn, được chương trình cấp 4 con dê cái sinh sản. Thời gian đầu, do không biết chăm sóc, 2 con dê mẹ bị chết. Chị Đức mày mò tìm hiểu kinh nghiệm qua sách báo, và những hộ chăn nuôi dê khác, quyết tâm chăm 2 con dê còn lại. Đến nay, nhờ sự cần mẫn, chịu khó, đàn dê của chị đã hơn 20 con. Gia đình đã bán 6 con để chi tiêu, cho 2 con học hành, mua gạo lúc giáp hạt…


Không chỉ gia đình chị Đức, nhiều hộ dân ở thôn Vân Thượng, Vân Bình cũng được cấp cây, con giống như: Trâu, bò, dê, lợn, lúa, ngô lai, nông cụ sản xuất…, góp phần phát triển kinh tế gia đình.


Ông Lê Huy Thanh, Trưởng phòng Dân tộc huyện Như Xuân cho biết: Điểm nổi bật nhất của chương trình 135 giai đoạn 2 ở Như Xuân là đã tạo được các mô hình làm ăn khá hiệu quả cho hộ nghèo. Chương trình cũng đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nhà văn hóa cộng đồng… để bà con sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là nơi để phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ chương trình 135 và các chương trình xóa đói giảm nghèo khác, tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm bình quân giảm từ 7 - 11%.


Ở xã Cát Tân, bà con được tham gia vào việc bàn bạc cụ thể, biểu quyết xem làm gì từ nguồn vốn được đầu tư của Chương trình 135. Năm 2012, bà con bàn nhau tập trung xây thêm 3 phòng học kiên cố cho trường tiểu học. Nhờ vậy, trẻ em trong xã có trường lớp để học.


Còn ở Quan Hóa (Mường Lát), Chương trình 135 đầu tư xây dựng hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt cho bà con khá hiệu quả, số hộ dùng nước sinh hoạt tập trung tăng lên từ 66% lên 85%.


Theo ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, trước đây bà con phải xuống khe, suối để tắm giặt, xách nước về dùng; người già, người trẻ ở các thôn, bản thường mắc các bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, đau mắt… Nay có nước sinh hoạt, sức khỏe của người dân được cải thiện. Để bảo quản các công trình nước tự chảy, cán bộ xã, bản đã tuyên truyền người dân về vai trò của các công trình nước. Bản cắt cử các hộ dân luân phiên kiểm tra, giám sát việc sử dụng nước. Có nguồn nước tập trung, bà con đỡ tốn sức, mất thời gian đi gùi, xách nước, có thời gian để phát triển kinh tế.


Các công trình thủy lợi cũng phát huy hiệu quả. Nhờ hệ thống kênh mương nội đồng tưới tiêu cho hàng nghìn ha lúa và hoa màu của tỉnh. Cây lúa có nước thường xuyên nên phát triển rất tốt, năng suất tăng lên rõ rệt, từ 25 tạ lên đến 40 tạ/ha. Không những thế, nhờ có hệ thống kênh mương mà người dân đã phục hóa được nhiều diện tích đất lâu nay bỏ hoang. Công trình thi công đến đâu, người dân tiến hành phục hóa ruộng đến đó. Vụ xuân năm 2012, năng suất lúa đã được tăng lên đáng kể, giúp nhiều gia đình thoát được cảnh thiếu ăn như những năm trước.


Theo ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 135 của tỉnh, Thanh Hóa có 93 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) (khu vực III) và 196 thôn, bản ĐBKK của 83 xã khu vực II. Tổng vốn thực hiện cho Chương trình 135 giai đoạn II là 876 tỷ đồng. Thanh Hóa tập trung xây dựng được 832 công trình cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, cầu cống, thủy lợi, phòng học, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế, chợ, điện dân dụng, cấp nước sinh hoạt tập trung… Nhờ đó, bộ mặt nông thôn miền núi Thanh Hóa được đổi mới khang trang hơn. Tỷ lệ hộ dùng điện năm 2006 là 49,5%, đến nay là trên 80%; Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 70%; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã ĐBKK giảm từ 67% năm 2006 xuống còn khoảng 40%. Những kết quả trên đã đóng góp quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng, đặc biệt là vùng biên giới.


Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch và đạt hiệu quả cao nhất của chương trình, năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã giao cho xã làm chủ đầu tư Hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, nhằm phát huy tính dân chủ của người dân trong việc lựa chọn công trình, cũng như các mục tiêu phát triển sản xuất phù hợp với lợi ích cộng đồng; trên cơ sở đó huy động tối đa nội lực của địa phương. Thực hiện tốt việc lồng ghép với các chương trình dự án cùng triển khai trên địa bàn như Chương trình 30a, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 134 kéo dài…


“Để đạt được kết quả bền vững, đề nghị Trung ương tiếp tục kéo dài thực hiện Chương trình 135 đến năm 2015, và nâng mức hỗ trợ lên 3.000 triệu đồng/xã; 500-700 triệu/thôn bản ĐBKK để giúp cho các xã và thôn, bản thuộc chương trình có cơ hội và điều kiện giảm nghèo nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo”, ông Phạm Đăng Quyền đề nghị.


Bài và ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN