“Quá trình thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, trong đó có việc quản lí sử dụng tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng, đặc biệt là tình trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Tôn Gia Huyên (cố vấn về đất đai của Viện Nghiên cứu Sinh thái Chính sách xã hội) đã đưa ra nhận định tại hội thảo “Quản lí và sử dụng đất đai tại các cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi” hôm qua (1/11) tại Hà Nội.
Bộ đội biên phòng giúp bà con dân tộc Bru Vân Kiều, xã biên giới Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) về con giống, cây trồng để phát triển kinh tế. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, UBND xã đã giao đất lâm nghiệp cho 379 hộ dân là người dân tộc Vân Kiều (trên tổng số 569 hộ) với diện tích hơn 590 ha. Bình quân mỗi hộ được giao diện tích chỉ hơn 1 ha. Vẫn còn 190 hộ dân tộc Vân Kiều chưa được giao đất rừng.
“Trong số gần 190 ha đất nông nghiệp mà xã giao cho các hộ dân, chỉ có 45% diện tích là sản xuất được, phần còn lại do nằm trong núi đá vôi, đồi dốc nên không sản xuất được. Tình trạng thiếu đất sản xuất khiến đời sống người dân, đặc biệt là dân tộc Vân Kiều gặp khó khăn. Hiện nay, đồng bào dân tộc Vân Kiều một năm chỉ lo được lương thực trong 3 tháng, còn lại là dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết.
Còn theo ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cuộc sống của 749 hộ dân sau khi được tái định cư di dời khỏi vùng ngập vẫn gặp nhiều khó khăn. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt, mỗi hộ tái định cư được cấp 400 m2 đất ở và từ 1 - 1,2 ha đất sản xuất. Theo ông Niệm, diện tích đất ở và đất sản xuất như vậy là quá ít và không phù hợp với tập quán sinh hoạt truyền thống của người dân tộc, vốn quen với không gian sinh hoạt rộng lớn.
Lo lắng của ông Niệm là có cơ sở vì mỗi hộ dân trong xã có từ 6 - 10 khẩu. Diện tích đất cấp cho mỗi hộ không đủ cho họ sản xuất. Mặt khác, 1.200 ha đất rừng của xã chủ yếu là rừng nghèo kiệt, người dân đã khai hoang để sản xuất cây ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế thấp trong khi dự án tái định cư lại không có kế hoạch giao đất rừng cho dân.
Thay đổi chính sách giúp dân ổn định cuộc sống
Tình trạng người dân tộc thiểu số sống trong rừng nhưng lại không có đất rừng để sản xuất, thiếu những điều kiện để sinh sống ổn định đã khiến cho nhiều hộ dân quay trở lại với lối sống du canh du cư. Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất: Cần phải tạo thêm quỹ đất để hỗ trợ dân bằng cách thu hồi đất cấp sai, đất sử dụng kém hiệu quả, vận động “dân giúp dân” (các hộ có nhiều đất và rừng nhượng lại một phần cho các hộ còn thiếu đất).
Theo số liệu tổng hợp của Viện Tư vấn phát triển, tính đến tháng 9/2012, cộng đồng dân tộc thiểu số cả nước còn gần 327.000 hộ thiếu đất, trong đó có khoảng 33.000 hộ thiếu đất ở và 294.000 hộ thiếu đất sản xuất. Đối với nhóm 16 dân tộc rất ít người (dân số dưới 10.000 người), có đến 40% số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp. |
Cần nâng định mức đất sản xuất nông nghiệp với mỗi hộ tái định cư là đề xuất của ông Niệm, Chủ tịch xã Hơ Moong. Theo ông Niệm, với đất ở nên chia gắn liền với đất sản xuất (từ 2.000 đến 3.000 m2). Đối với đất sản xuất nông nghiệp phải từ 2 - 3 ha và 1.000 m2 đối với đất ruộng 2 vụ. “Chủ đầu tư phải có kế hoạch, kinh phí để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế hậu tái định cư, trong đó có cả kế hoạch hỗ trợ cho việc trồng rừng nguyên liệu ở diện tích đất đồi núi trọc, rừng nghèo để bù cho diện tích rẫy đã bị mất”, ông Niệm nói.
Để thực hiện được công cuộc xóa đói giảm nghèo, ngoài việc quan tâm đến đất sản xuất nông nghiệp, cần chú trọng quyền tiếp cận quản lí và sử dụng tài nguyên rừng, đất rừng cho cộng đồng dân tộc miền núi. “Cần rà soát đưa khu vực đất gần khu dân cư trả lại cho địa phương trên cơ sở nhu cầu của người dân và tổ chức giao đất nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu đất sản xuất. Quá trình rà soát này cần gắn với sinh kế và tập quán văn hóa xã hội của đồng bào”, ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển đề nghị.
Hoàng Dương