Sơn La: Tích cực giữ rừng trong mùa khô hanh

Bước vào mùa khô hanh, mùa làm nương rẫy với nguy cơ cao về cháy rừng năm nay, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các huyện, thành phố, tổ chức hàng chục cuộc diễn tập phòng chống cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương có nhiều khu rừng nguyên sinh như Suối Tọ, Quang Huy (huyện Phù Yên), Mường Lựm, Tú Nang (huyện Yên Châu), rừng Côpia (vùng cao huyện Thuận Châu), rừng bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (2 huyện Sông Mã, Sốp Cộp), xã Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp), phường Chiềng Cơi (thành phố Sơn La) và nhiều điểm khác nhằm nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, đồng thời bổ sung phương án bảo vệ rừng, phòng chống thảm họa cháy rừng ở từng địa phương.

Tất cả cùng vào cuộc

Ông Đào Ngọc Hà, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Mã cho biết: Mùa khô năm trước, trên địa bàn xảy ra 3 vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn. Nguyên nhân các vụ cháy là do bà con làm rẫy, đốt nương không tuân thủ theo quy định, nên dẫn tới cháy rừng. Mùa khô năm nay, nhất là vào thời điểm khô hanh gió Lào thổi bắt đầu từ tháng 4, ngoài việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào về công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng, huyện còn kiện toàn các đội phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), chuẩn bị đủ nguồn lực, phương tiện với phương châm “4 tại chỗ” nhằm chủ động xử lý các tình huống cháy rừng, lập các chốt cảnh báo cháy rừng tại khu rừng bảo tồn, rừng dọc Quốc lộ 4G và biên giới Việt – Lào.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng tại huyện Sông Mã (Sơn La).


Địa bàn huyện Mai Sơn có gần 55.000 ha đất rừng, trong đó địa bàn vùng cao còn nhiều khu rừng nguyên sinh. Mùa khô năm 2010, Mai Sơn đã xảy ra 27 vụ cháy rừng, làm thiệt hại hơn 200 ha, chủ yếu do người dân đốt nương. Mùa khô năm nay, gió Lào xuất hiện từ cuối tháng 3, nên việc phòng chống “giặc lửa” được địa phương triển khai tích cực. Tại 22 xã có rừng đã thành lập Ban chỉ đạo PCCCR và 323 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng-PCCCR với trên 1.000 người tham gia. Ngoài ra, 179 bản trọng điểm đều có lực lượng PCCCR. Các xã trọng điểm được cắt cử từ 6-8 người làm nhiệm vụ canh lửa rừng, duy trì thường trực 24/24 giờ tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy ở cấp nguy hiểm - cực kỳ nguy hiểm.

Tại huyện Mộc Châu đã thành lập 250 đội PCCCR với trên 4.000 người tham gia. Ngành kiểm lâm đã ký hợp đồng lao động bảo vệ rừng trong 5 tháng mùa khô với 24 xã để trưng tập lực lượng dân quân, công an xã tham gia bảo vệ rừng. Ông Phạm Thanh Hằng, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, cho biết: Với quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, từ đầu mùa khô đến nay, UBND xã đã ra 4 chỉ thị gửi đến 23 bản, tiểu khu, đồng thời tổ chức cho gần 2.000 hộ dân quán triệt các chỉ thị, nghị định của cấp trên về công tác PCCCR. Lực lượng kiểm lâm phối hợp với dân quân xã tăng cường kiểm tra thực địa nơi xung yếu, khu vực làm nương rẫy gần rừng của bà con, quy định giờ đốt nương cho từng hộ. Cao nguyên Mộc Châu hiện có gần 130.000 ha rừng, trong đó có rừng đặc dụng Xuân Nha được lực lượng kiểm lâm và dân quân sở tại kiểm tra nghiêm ngặt trong mùa khô hanh này.

Nỗ lực ngăn chặn hiệu quả cháy rừng

Trao đổi với ông Trần Đức Vinh, Phó Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Côpia (huyện Thuận Châu), được biết: Chuẩn bị vào mùa khô hanh, đơn vị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận và kiểm lâm viên phụ trách địa bàn phối hợp với từng xã, bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hàng ngàn tờ rơi đến hộ dân với nội dung quy định về PCCCR. Với phương châm “4 tại chỗ” (nhân lực tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) các xã, bản huy động lực lượng, chuẩn bị đủ dụng cụ PCCCR. Ban Quản lý rừng Côpia còn thi công 18 km đường băng cản lửa để ngăn cách khu vực làm nương rẫy của dân với diện tích rừng trồng. Còn ông Thào A Hử, Trưởng bản Hua Ty, xã Chiềng Bôm, cho hay: Từ nhiều năm nay, bản đã đưa vào hương ước các quy định bảo vệ rừng. Đến nay bà con đều có ý thức bảo vệ rừng, tham gia PCCCR, không còn tình trạng đốt nương hay săn thú rừng bừa bãi như trước đây. Được biết, huyện Thuận Châu vừa tổ chức diễn tập phòng chống, chữa cháy rừng tại xã Co Mạ với sự tham gia của 9 xã vùng cao, gồm: Co Mạ, Nậm Lầu, Púng Tra, Chiềng Bôm, Pá Lông, Co Tòng, É Tòng, Mường Bám, Long Hẹ huy động các tổ, đội kiểm lâm, dân quân, công an, lực lượng thanh niên, cán bộ y tế và người dân sở tại cùng tham gia nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, PCCCR trong mùa khô hanh, đồng thời bổ sung phương án PCCCR có hiệu quả hơn.

Trên địa bàn huyện Mường La, nơi tập trung nhiều công trình thủy điện, trong đó có công trình thủy điện Sơn La, Huổi Quảng, Nậm Chiến... việc bảo vệ rừng cũng được các cấp chính quyền địa phương rất chú trọng. Ông Đỗ Văn Trường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Mường La, cho biết: Xác định rõ trách nhiệm bảo vệ rừng, từ đầu mùa khô đến nay đơn vị kiểm lâm đã tham mưu cho UBND huyện, xã tổ chức 94 hội nghị cấp xã, bản với gần 5.600 lượt người tham gia học tập và triển khai các phương án bảo vệ rừng. Đơn vị còn lập các điểm gác lửa rừng, tăng cường hệ thống biển báo, bổ sung các dụng cụ, phương tiện phòng chống cháy rừng. Lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở để thông tin kịp thời và xử lý hiệu quả khi có tình huống cháy xảy ra.

Theo thống kê của Chi cục kiểm lâm tỉnh Sơn La, độ che phủ của rừng (đến hết năm 2010) trên địa bàn ước đạt khoảng 50%. Trong đó có 562.860 ha rừng tự nhiên, trên 24.100 ha rừng trồng. Việc bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Sơn La đóng vai trò quan trọng, là “mái nhà xanh” góp phần đắc lực bảo vệ 2 công trình lớn của đất nước là thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.

Điêu Chính Tới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN