Sẽ đảm bảo an toàn khi tái sử dụng vắcxin Quinvaxem

Sau 5 tháng tạm ngừng sử dụng, từ tháng 10/2013, vắcxin Quinvaxem (thường được gọi là vắcxin 5 trong 1) sẽ được tiêm trở lại ở tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

 

GS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Trưởng ban Quản lý Dự án tiêm chủng mở rộng, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về vấn đề này.


Mỗi tháng trên toàn quốc có khoảng 380.000 trẻ thuộc diện tiêm phòng, cộng với khoảng 2 triệu trẻ “tồn đọng” trong 5 tháng qua thì lượng trẻ tiêm phòng vắcxin Quinvaxem trong tháng 10 tới là rất lớn. Ngành y tế có lo ngại về việc sẽ xảy ra sự cố sau khi tái sử dụng vắcxin Quinvaxem không, thưa Giáo sư (GS)?


Đó là điều mà chúng tôi cũng đang rất băn khoăn. Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên có quyết định tạm ngưng sử dụng vắcxin Quinvaxem để điều tra nguyên nhân sau một số sự cố tiêm chủng. Sự việc tương tự từng xảy ra ở Srilanka và sau khi cho tiêm trở lại thì tỷ lệ tai biến sau tiêm vắcxin Quinvaxem ở quốc gia này không giảm so với trước. Vì thế, sau khi Việt Nam đưa vắcxin Quinvaxem trở lại, có thể xảy ra sự cố sau tiêm chủng, thường là do trẻ đang mắc một bệnh lý trong người.


Tôi khẳng định chất lượng vắcxin Quinvaxem là đảm bảo an toàn và không phải là nguyên nhân xảy ra các sự cố sau tiêm chủng từ trước tới nay.


Tại Việt Nam, sau khi tạm ngừng sử dụng vắcxin Quinvaxem (tháng 5/2013), Bộ Y tế đã mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào điều tra nguyên nhân các ca tử vong sau tiêm chủng loại vắcxin này. Kết quả điều tra của WHO đã khẳng định vắcxin Quinvaxem đạt chất lượng an toàn, hiệu quả. Sau đó, ngày 30/7, Chính phủ cũng đã đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp tục sử dụng vắcxin Quinvaxem trong Dự án tiêm chủng mở rộng. Vậy nên, thời gian qua, ngành y tế rất nỗ lực triển khai các hoạt động để tháng 10 tới có thể tiếp tục tiêm phòng vắcxin Quinvaxem cho trẻ trong độ tuổi.

 

Cụ thể là ngành y tế đã triển khai những hoạt động gì nhằm hạn chế những tai biến sau khi tái sử dụng vắcxin Quinvaxem, thưa GS?


Dự án Tiêm chủng mở rộng đã tiến hành tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác tiêm chủng, nhất là tuyến cơ sở. Công tác tập huấn chú trọng đến quá trình tiếp nhận, vận chuyển, cấp phát, bảo quản vắcxin, thực hành tiêm chủng an toàn, hướng dẫn chăm sóc theo dõi sau tiêm chủng an toàn, hướng dẫn chăm sóc theo dõi sau tiêm chủng... Chúng tôi cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra các điểm tiêm chủng ở nhiều tỉnh, thành phố. Các sở y tế cũng tổ chức thanh, kiểm tra tất cả các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn, khắc phục những tồn tại của các cơ sở tiêm chủng, đảm bảo đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.


Một yêu cầu mới được đặt ra là các điểm tiêm không được tiêm quá 50 trẻ/buổi/điểm tiêm. Để thực hiện được quy định này, đòi hỏi các cán bộ làm công tác tiêm chủng tại các địa phương phải nắm rõ cụ thể số lượng trẻ trên địa bàn, từ đó lên kế hoạch triển khai và thông báo lịch tiêm chủng cho các gia đình. Việc hạn chế lượng trẻ trong mỗi buổi tiêm như vậy sẽ giúp cán bộ y tế có đủ thời gian để khám sàng lọc cho trẻ, tư vấn cho gia đình trẻ những kiến thức cần thiết để chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Các sở y tế sẽ có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức và giám sát các buổi tiêm chủng.


Nhân viên y tế huyện Quế Phong (Nghệ An) kiểm tra hạn sử dụng, nhiệt độ bảo quản vắcxin tiêm phòng bệnh viêm gan B cho trẻ. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

 

Hiện nay, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã nhận 1,5 triệu liều vắcxin Quinvaxem (do Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng viện trợ, thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc). Viện Kiểm định quốc gia về vắcxin và sinh phẩm y tế đã kiểm định và khẳng định các lô vắcxin này là an toàn. Trong quá trình vận chuyển, bảo quản tại địa phương, vắcxin luôn được bảo quản trong các thiết bị chuyên dụng như thùng lạnh của xe tải chuyên dụng, hòm lạnh, tủ lạnh… ở nhiệt độ từ 2- 8 độ C.


Tôi khẳng định chất lượng vắcxin Quinvaxem là đảm bảo an toàn và không phải là nguyên nhân xảy ra các sự cố sau tiêm chủng từ trước tới nay.

Theo tôi, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế thì sự hợp tác của các gia đình khi đưa trẻ đi tiêm chủng cũng giữ vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự cố sau tiêm. Các bà mẹ khi đưa trẻ đi tiêm cần mang theo sổ tiêm chủng cá nhân của trẻ. Chủ động thông báo rõ về tình trạng sức khỏe của trẻ như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng, hay phản ứng với những lần tiêm chủng trước, thậm chí cả tiền sử dị ứng của bố mẹ. Đồng thời, yêu cầu cán bộ y tế thông báo về loại vắcxin, hạn sử dụng và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng. Đề nghị cán bộ kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm. Đồng thời, yêu cầu cán bộ y tế thông báo về loại vắcxin, hạn sử dụng và hướng dẫn theo dõi, chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.

Đề nghị cán bộ kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm. Sau tiêm, cần phải cùng trẻ ở lại điểm tiêm chủng khoảng 30 phút để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có phản ứng bất thường. Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu trẻ có biểu hiện bất thường: Sốt cao trên 39 độ C, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém, khó thở, tím tái, li bì, phát ban...

 

Các bà mẹ vẫn dè dặt khi đưa trẻ đi tiêm chủng vì ngoài 60% các ca tai biến xảy ra sau tiêm Quinvaxem là do trùng hợp với bệnh lý bẩm sinh của trẻ, sốc phản vệ hoặc đột tử, thì còn tới 40% là không rõ nguyên nhân. Làm sao có thể giải tỏa nỗi lo lắng này cho người dân thưa ông?

Kinh nghiệm của các quốc gia xảy ra các phản ứng nặng sau tiêm chủng vắcxin Quinvaxem cho thấy, việc thu thập đầy đủ chứng cứ và sớm công bố nguyên nhân sự cố sẽ tạo được niềm tin của người dân vào công tác tiêm chủng và giữ vững được tỷ lệ tiêm phòng.


Bởi vậy, thời gian qua, chúng tôi rất chú trọng việc tập huấn nâng cao năng lực về đánh giá phản ứng sau tiêm chủng cho các thành viên Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắcxin tại các địa phương. Như vậy, khi có sự cố xảy ra, các cán bộ này sẽ khẩn trương vào cuộc thu thập bằng chứng, phân tích nguyên nhân và sớm công bố tới người dân. Tôi tin rằng, khi thông tin minh bạch, người dân sẽ hiểu, tin tưởng và đưa con em đi tiêm phòng đầy đủ.


Xin cảm ơn GS!

Lịch tiêm chủng 3 mũi Quinvaxem là 2, 3, 4 tháng tuổi (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và bệnh viêm màng não, viêm phổi do Hib). Nếu trẻ nào bị bỏ lỡ hoặc tiêm muộn thì cần được tiêm mũi tiếp theo chứ không phải tiêm lại từ mũi đầu. Lưu ý, khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng. Miễn dịch đạt 60% sau mũi tiêm đầu tiên và đạt hiệu quả 100% sau mũi tiêm thứ 3.


Phương Liên (thực hiện)


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN