Sáp nhập thôn bản góp phần tinh gọn bộ máy cơ sở ở Sơn La

Thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, bản, tiểu khu, đến nay, tỉnh Sơn La đã sáp nhập 432 bản, tiểu khu và tổ dân phố thành 192 bản, giảm 240 bản so với trước. Việc giảm số lượng bản đã góp phần tinh gọn bộ máy và giảm chi phí từ nguồn ngân sách.

Khắc phục khó khăn khi sáp nhập

Hua Nà là bản của đồng bào dân tộc Thái có truyền thống văn hóa lâu đời ở xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu. Trước đây, bản này vốn là hai bản riêng Hua Nà A và Hua Nà B với 6 dòng họ sống tập trung. Thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, tháng 1/2020, hai bản đã chính thức sáp nhập thành một bản mới với tổng số 220 hộ dân và trên 1.000 nhân khẩu. 

Chú thích ảnh
Bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu sau khi sáp nhập có hơn 220 hộ dân. 

Khi có chủ trương về việc sáp nhập, Ban Quản lý bản, chi bộ cũng như người dân không khỏi băn khoăn vì số hộ dân sẽ tăng lên. Cùng với đó, bộ máy quản lý cũng như các chế độ phụ cấp lại giảm đi. Làm thế nào để tiếp tục duy trì bộ máy quản lý luôn vận hành một cách hiệu quả là câu hỏi thường trực đối với chi bộ bản. 

Trước những vấn đề đó, chi bộ bản đã từng bước tìm giải pháp để khắc phục khó khăn. Đầu tiên, chi bộ bản đã chú trọng việc lựa chọn trưởng bản và phó bản. Đó là phải chọn những người thuộc dòng họ có số hộ đông nhất và phải có mối liên hệ mật thiết với các dòng họ khác. 

Ngoài ra, do địa bàn rộng, từ đầu bản đến cuối bản có tổng chiều dài gần 3 km nên việc tập hợp người dân đến tham gia các cuộc sinh hoạt cộng đồng cũng rất khó khăn. Vì thế, chi bộ và Ban Quản lý bản đã quyết định lấy các dòng họ trong bản để thành lập các nhóm hộ và lấy người có uy tín làm trưởng nhóm; đồng thời thành lập các tổ liên gia tự quản làm nòng cốt và thống nhất chỉ các cuộc họp lớn mới tập hợp người dân.

Đối với các cuộc họp mang tính chất nhỏ hơn, định kỳ, Ban Quản lý bản chỉ việc tập hợp những người có uy tín, trưởng nhóm liên gia tự quản đến tiếp thu và về triển khai lại với nhóm hộ, dòng họ của mình. 

Chú thích ảnh
Trưởng bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu đọc thông báo qua hệ thống loa phát thanh. 

Ông Quàng Văn Diêu, Trưởng bản Hua Nà cho biết, để truyền tải đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, bản đã vận động nhân dân đóng góp xây dựng 6 cụm loa truyền thanh trải đều ở nhiều vị trí. Khi có việc cần triển khai, chỉ cần trưởng bản bật loa thông báo, mọi người dân trong bản đều có thể nghe.

Thuận Châu là huyện có số lượng bản, tiểu khu được tiến hành sáp nhập lớn nhất trong toàn tỉnh Sơn La. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, huyện Thuận Châu có 570 bản, tiểu khu sáp nhập thành 391 bản, tiểu khu, giảm gần 180 bản, tiểu khu.

Quá trình thực hiện, huyện Thuận Châu đã gặp không ít khó khăn như đa số các bản có địa bàn rộng, số hộ, số khẩu lớn, địa hình chia cắt dẫn đến khối lượng công việc nhiều. Cùng với đó, một số chức danh ở bản chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, phụ cấp thấp khiến ít người tham gia hoạt động. 

Trước những khó khăn đó, huyện Thuận Châu đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục. Ông Giang Minh Cảnh, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Thuận Châu cho biết, đơn vị đã tham mưu với UBND huyện thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở tuyên truyền về chủ trương và lấy ý kiến của cử tri về phương án sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu. Từ đó, đảm bảo phải có ít nhất 50% cử tri nhất trí mới trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở  được phát huy nhằm tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Bộ máy cấp cơ sở được tinh gọn

Phiêng Trai là bản xa nhất của xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. Cùng với 22 bản khác tại xã Hát Lót, từ tháng 1/2020, bản Phiêng Trai đã được sáp nhập trên cơ sở 2 bản cũ. Trước đây, khi vẫn còn là hai bản, số cán bộ đoàn thể và Ban Quản lý bản có gần 20 người. Sau khi sáp nhập, số lượng này đã giảm xuống chỉ còn 10 người. 

Chú thích ảnh
Một buổi họp của chi bộ và Ban quản lý bản Phiêng Trai, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn. 

Bà Mè Thị Sơ, Bí thư chi bộ bản Phiêng Trai cho biết, sau khi sáp nhập, số lượng dân cư tăng lên, ngược lại cán bộ đoàn thể lại giảm đi. Điều này ban đầu ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình quản lý bản. Với sự ủng hộ của người dân, bộ máy quản lý bản đã từng bước đi vào hoạt động ổn định. 

Thực hiện chủ trương sáp nhập, đến nay, huyện Mai Sơn đã hoàn thành sáp nhập 90% số bản trong diện tinh gọn. Theo đó, huyện Mai Sơn đã thực hiện sáp nhập đối với 138 bản thành 63 bản, giảm 75 bản. Mặc dù, nhiều bản ở vị trí xa trung tâm, địa hình chia cắt, có từ 2 đến 3 dân tộc khác nhau cùng chung sống nhưng với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hầu hết các bản đã đi vào hoạt động nền nếp.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mai Sơn cho biết, để thực hiện được việc sáp nhập, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích rõ các căn cứ của Đảng và Nhà nước cho người dân hiểu. Quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo quyền lợi cho những người giữ trọng trách ở cơ sở. Việc thanh toán kịp thời các chế độ có liên quan cần được quan tâm. Sau khi sáp nhập, số cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản đảm giảm hơn 900 người so với trước đây. Nhờ đó, hàng năm nguồn ngân sách của huyện đã tiết kiệm được trên 6,7 tỉ đồng.

Bài và ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Hoạt động tại xã mới sau sáp nhập: Nhìn từ công tác cán bộ ở Hà Tĩnh
Hoạt động tại xã mới sau sáp nhập: Nhìn từ công tác cán bộ ở Hà Tĩnh

Sau hơn hai tháng đi vào hoạt động, đến nay, 34 xã mới sáp nhập tại tỉnh Hà Tĩnh đã hoạt động ổn định, thông suốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN