Phát triển nhân lực vùng dân tộc, miền núi: Cần một bước đột phá

Để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những lĩnh vực mang tính đột phá là phát triển nguồn nhân lực, phải là khâu then chốt, là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của vùng.


Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử trong Diễn đàn “Thực trạng nhân lực vùng dân tộc, miền núi và các giải pháp triển khai thực hiện các chính sách phát triển nhân lực vùng dân tộc, miền núi đến năm 2020” do Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức, ngày 14/8, tại Hà Nội.

 

Năng lực nội sinh hạn chế


Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, chiếm hơn 14% tổng dân số cả nước. Các dân tộc thiểu số sống tập trung ở miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ đang tăng trưởng nhanh và hội nhập vào sự phát triển chung của cả nước, thông qua các chương trình, chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua như Chương trình 134, 135, 30a, Chương trình Xây dựng nông thôn mới...


 

Để có nguồn nhân lực chất lượng cho vùng dân tộc, miền núi, những mầm non của đất nước cần được dưỡng dục chu đáo (ảnh chụp tại huyện Mường Nhé, Điện Biên).

Kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách ấy đã làm thay đổi đáng kể diện mạo của khu vực dân tộc, miền núi, góp phần giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội, ổn định cuộc sống. Tình hình an ninh chính trị theo đó cũng ngày càng ổn định... Tuy nhiên, việc xóa đói, giảm nghèo ở khu vực dân tộc, miền núi còn chưa bền vững và không đồng đều giữa các vùng, các nhóm dân cư.


Nguyên nhân chính là do nguồn nhân lực cơ sở chưa được đào tạo bài bản nên còn hạn chế trong việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn giảm chậm. Nhiều thôn, bản gần như 100% số hộ vẫn dưới chuẩn nghèo.


Ông K’Sor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng: “Vấn đề then chốt chính là năng lực nội sinh của vùng dân tộc thiểu số và các dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa đáp ứng được với những thay đổi nhanh và mạnh của nền kinh tế thị trường, trong đó gốc rễ là do giáo dục và đào tạo lao động ở các vùng này còn hạn chế về số lượng và chất lượng so với mức trung bình của địa phương”.

 

Đòn bẩy phát triển nhân lực


Tại diễn đàn, các đại biểu đều đồng tình, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 của Việt Nam, đã xác định 1 trong 3 đột phá chiến lược để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.


Đó cũng chính là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Phát triển nhân lực vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần được ưu tiên và coi như là chính sách đặc thù.


Để phát triển nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các ý kiến thảo luận đều nhất trí cần tập trung thực hiện tốt “Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020”, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi.


Cần triển khai kế hoạch, biện pháp giải quyết hiệu quả những vấn đề cấp bách, lâu dài của nguồn nhân lực, tạo một chuyển biến thật sự mạnh mẽ trong việc khai thác, đào tạo và sử dụng.


Ủy ban Dân tộc cần chủ trì và phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc, miền núi, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CNH-HĐH đất nước trong thời gian tới đây.


Các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển nguồn nhân lực từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nghề, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là thanh niên. Thực hiện các chương trình, biện pháp, chính sách về chế độ lương bổng, đãi ngộ, cơ hội thăng tiến… để thu hút nguồn nhân lực.


Các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp trong quá trình khai thác, phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc, miền núi cần có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề và tạo việc làm cho thanh niên các dân tộc thiểu số.



Tin, ảnh: Trọng Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN