Ổn định cuộc sống đồng bào Pú Hao

Bản biên giới Pú Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) là địa bàn từng xảy ra việc người dân di cư tự do, trái pháp luật. Đến nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cuộc sống của người dân ở đây đã có sự thay đổi, người dân từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng vùng biên giới ổn định, vững chắc.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào.



Vào một ngày cuối tháng 3, theo chân những chiến sỹ Đồn Biên phòng Mường Lạn, chúng tôi đến bản biên giới Pú Hao. Con đường vào bản nay được rải bê tông, chạy thẳng vào trung tâm, chỉ mất gần 20 phút đi xe máy chúng tôi đã có mặt tại bản. Pú Hao là bản vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Sốp Cộp, với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Tại đây, vào tháng 8/2003, tình hình an ninh trật tự đã có những biến động khi có những đối tượng lôi kéo, dụ dỗ một bộ phận người dân vượt biên sang Lào đi theo “Vua Mông”.

Được chính quyền địa phương và các chiến sỹ biên phòng vận động, tuyên truyền, hiện nhiều người đã trở về. Trở về quê hương, những người từng lầm lỗi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền và người dân trong bản. Đồng bào đã yên tâm xây dựng cuộc sống. Trò chuyện với chúng tôi trong ngôi nhà gỗ kiên cố, anh Giàng A Thái, người trở về từ bên kia biên giới tâm sự: “Trước đây vì nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, tôi đã vượt biên trái phép, sang bên kia mọi chuyện không như lời họ nói, nên tôi rất hối hận về những điều mình đã làm. Tôi nhận ra không đâu bằng quê hương, đất nước mình”.

Bộ đội biên phòng Mường Lạn khám bệnh cho đồng bào.



Trở về nhà, xây dựng lại cuộc sống, anh Thái nhận được sự giúp đỡ, đón nhận của bà con trong bản. Vì thế hiện nay cuộc sống của gia đình anh đã khá hơn trước rất nhiều. Gia đình anh có 2 ha đất để trồng ngô, mỗi năm cho thu nhập hơn 40 triệu đồng. Nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ con giống, vật nuôi của Chính phủ, gia đình anh còn nuôi thêm 2 con bò và đàn lợn hơn 10 con. “Chỉ có chăm chỉ làm ăn, cuộc sống mới ổn định, tốt đẹp hơn, chứ nghe theo lời kẻ xấu thì chẳng biết đến bao giờ mới được như hôm nay”, anh Thái chia sẻ.

Bí thư Đảng ủy xã Mường Lạn, Vàng Bả Sồng cho biết, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án giảm nghèo của Chính phủ, địa phương đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc; hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, tránh rét cho vật nuôi, đến nay đàn gia súc của bản có hơn 200 con. Xã còn cử cán bộ xuống từng bản vận động người dân không đốt rừng làm nương rẫy mà định cư để làm ruộng bậc thang, cấy lúa nước.

Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng cũng đóng góp không nhỏ trong việc giúp nhân dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự vùng biên. Đại úy Bàn Văn Thắng, Đồn phó Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết, những năm qua đơn vị đã tích cực vận động, tuyên truyền nhân dân trong bản Pú Hao chấp hành phong trào bảo vệ đường biên mốc giới, phòng chống ma túy; vận động nhân dân không di cư tự do, không nghe lời kẻ xấu, không vượt biên trái phép. Đơn vị còn tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể của địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Tiễn chúng tôi ra về, già làng Giàng Chợ Sụng chỉ tay về phía con đường đất chạy dài trên sườn núi, cho biết: “Con đường để bà con trong bản đi làm nương đấy, kinh phí để làm hơn 70 triệu đồng, nhưng tất cả đều do người dân trong bản Pú Hao tự nguyện đóng góp”.

Bài và ảnh: Lê Hữu Quyết

An cư cho đồng bào di cư tự do
An cư cho đồng bào di cư tự do

Đắk Lắk nằm ở trung tâm Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên trên 13.000 km2, với 47 dân tộc anh em cùng chung sống, chiếm 33% dân số toàn tỉnh.Là địa phương có diện tích đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu ôn hoà, có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp dài ngày...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN